Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quản chặt trọng điểm có nguy cơ cháy rừng

Bài, ảnh: Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra 7 vụ cháy rừng gây thiệt hại hàng chục héc-ta. Việc quản lý sao cho hiệu quả diện tích rừng hiện có đang là vấn đề đặt ra cấp thiết.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, 7 vụ cháy rừng xảy ra từ đầu năm 2021 trên địa bàn TP tập trung chủ yếu tại hai huyện trọng điểm là Sóc Sơn và Ba Vì. Gần 10ha rừng đã bị thiệt hại sau các sự cố cháy rừng. Các vụ cháy xảy ra đều được phát hiện và dập tắt kịp thời. Diện tích cháy chủ yếu là thảm thực bì, không ảnh hưởng lớn đến tài nguyên rừng. Dù vậy, nguy cơ cháy rừng được nhận định vẫn tiềm ẩn lớn do tác động từ thời tiết cực đoan và các hoạt động của con người.
 Diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng tại huyện Ba Vì.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, để có cơ sở thực hiện tốt hơn công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, vừa qua, đơn vị đã phối hợp với các huyện, thị xã tiến hành rà soát, đánh giá. Từ đó, thiết lập danh mục các trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trên địa bàn TP. Theo đó, căn cứ Luật Lâm nghiệp, Nghị định số 156/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 25/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT, Hà Nội xác định thời gian dễ xảy ra cháy rừng trên địa bàn TP kéo dài 8 tháng; bắt đầu từ ngày 1/10 năm trước cho đến hết ngày 31/5 của năm kế tiếp. Ngoài ra, TP cũng xác định 43 xã, thị trấn thuộc 7 huyện, thị xã là những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng. Cụ thể, hai huyện Sóc Sơn và Ba Vì có nhiều trọng điểm nhất với 10 xã, thị trấn ở mỗi huyện. Huyện Mỹ Đức có 9 xã trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng. Các huyện: Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và thị xã Sơn Tây lần lượt có 4, 3, 2 và 5 trọng điểm cháy rừng mùa khô.

Ông Chu Phú Mỹ cho biết thêm, trên cơ sở khảo sát, đánh giá vừa được công bố, UBND TP đã giao Sở NN&PTNT Hà Nội chủ trì, phối hợp với các sở ngành, 7 huyện, thị xã có các trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, bổ sung các quy định trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đặc biệt là nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy rừng, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế. Thời gian tới, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ tập trung xây dựng các chương trình, nội dung tuyên truyền để tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ và người tham gia công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đồng thời, sớm kiện toàn tổ chức lực lượng, phương tiện ở các cấp nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn TP.