Chúc mừng năm mới

Quan điểm của Hồ Chí Minh về tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước

T.S Lê Bá Tâm, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế chính trị học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quá trình tìm đường cứu nước cũng như lãnh đạo Cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao tinh thần tự lực, tự cường, tự lực cánh sinh và coi đó là phương châm hành động của cách mạng Việt Nam.

Đề cao tinh thần tự lực, tự cường

Là người tìm đường và dẫn đường cho dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao tinh thần tự lực, tự cường. Với Hồ Chí Minh toàn tập, có thể thấy rõ tư tưởng tự lực, tự cường luôn toát lên trong từng câu nói của người. Chẳng hạn như, quan điểm của Người về 5 điểm trong lĩnh vực văn hóa, trong đó điểm đầu tiên về xây dựng tâm lý, Người nhấn mạnh, phải xây dựng tinh thần độc lập tự cường.

Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đối với Nhân dân, Người nói: “Mỗi người dân phải hiểu: có tự lập mới độc lập, có tự cường mới tự do”. Đối với học sinh, Bác răn dạy: “Cốt nhất là phải cho học trò biết yêu nước, thương nòi. Phải dạy cho họ có ý chí tự lực tự cường. Quyết không chịu thua kém ai, quyết không chịu làm nô lệ…”.

Với người làm báo, Bác nhắn nhủ: “Phải có ý chí tự cường, tự lập, kém thì phải cố mà học. Chúng ta phải làm thế nào để vượt qua khó khăn, làm tròn nhiệm vụ. Người Cách mạng gặp khó khăn thì phải đánh thắng khó khăn chứ không chịu thua khó khăn”. Với phụ nữ, Bác khuyên: “Phụ nữ ta phải xóa bỏ tâm lý tự ti, ỷ lại; phải có ý chí tự cường, tự lập; phải nâng cao lên mãi trình độ chính trị, văn hóa, kỹ thuật”…

Như vậy, Việt Nam không chỉ cần tự lực, tự cường trong công cuộc kháng chiến, giành độc lập mà còn phải tự lực, tự cường cả trong việc xây dựng chế độ mới. Người căn dặn, trong mọi hoàn cảnh, luôn phải “lấy tự lực cánh sinh làm gốc để ứng phó với mọi phát triển của tình hình; dù tình hình ấy thuận lợi hay gay go thì ta vẫn chủ động”. Những lời dạy của Bác cho đến hôm nay, đã trở thành động lực phấn đấu và cống hiến, là kim chỉ nam cho hành động thực tiễn của chúng ta.

Có thể thấy rõ điều này trong đại dịch Covid-19. Khi mà cả nước đối mặt với những thử thách, khó khăn chưa từng có tiền lệ, chúng ta đã phát huy sức mạnh nội lực, nhà nhà giúp nhau, người người giúp nhau để cùng vượt qua…

Tinh thần ấy đã lan tỏa và trở thành sức mạnh đoàn kết của mọi tầng lớp Nhân dân. Không chỉ vậy, chúng ta cũng đã vận dụng tư tưởng của Người trong việc tìm kiếm sự ủng hộ, hỗ trợ của thế giới để nhân lên sức mạnh của nội lực. Bởi, như Người khẳng định, việc phát huy tinh thần tự lực, tự cường hoàn toàn không loại trừ việc tranh thủ sự giúp đỡ của thế giới trên nguyên tắc lấy nội lực làm nhân tố quyết định. Trải qua giai đoạn phòng, chống dịch cam go trong 2 năm qua, chúng ta càng thêm hiểu sức mạnh của dân tộc được quy tụ bởi sức mạnh của mỗi con người.

Phát huy tinh thần tự lực, tự cường trong xây dựng đất nước

Đại hội XIII của Đảng đã xác định các quan điểm chỉ đạo công cuộc đổi mới hiện nay, trong đó nhấn mạnh: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Tinh thần tự lực, tự cường khi được xác lập, có tác động mạnh mẽ, đa diện và xuyên suốt mọi giá trị.

Trong đó, tinh thần tự lực, tự cường là biểu hiện của lòng yêu nước. Đồng thời, tự lực, tự cường chính là điều kiện thể hiện lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc và khát vọng đưa đất nước vươn lên. Có thể nói, tinh thần tự lực tự cường làm phong phú nội hàm của phạm trù yêu nước. Đồng thời, tinh thần yêu nước được biểu đạt cụ thể, mang tính thực tiễn cao khi chúng ta xác lập giá trị tự lực, tự cường.

Nỗ lực để Việt Nam phát triển nhanh, mạnh và bền vững trong hòa bình và ổn định là mục tiêu chung mà chúng ta hướng đến. Quá trình đó đòi hỏi chúng ta phát huy cao nhất sức mạnh nội sinh của dân tộc - sức mạnh của văn hóa, của hệ giá trị tinh thần truyền thống dân tộc, trong đó khẳng định sức mạnh, tính quyết định đến sự thành công của tinh thần tự lực, tự cường dân tộc.

Hệ giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc được hình thành trên cơ sở kinh tế, lịch sử, xã hội của dân tộc trong lịch sử. Hệ giá trị tinh thần của mỗi dân tộc không phải là giá trị vĩnh cửu. Nó cần được nhận diện, bổ sung, phát triển phù hợp với đặc trưng, tính chất và yêu cầu của thời đại. Vì vậy, việc xác định vị trí, vai trò của tinh thần tự lực, tự cường trong hệ giá trị văn hóa Việt Nam hiện nay là thiết thực và có ý nghĩa to lớn, quyết định đến sự phát triển của đất nước trong bối cảnh mới.

Tự lực, tự cường là mình làm cho mình mạnh lên, là tự làm bằng sức mình. Tự lực, tự cường biểu hiện ý thức, ý chí, năng lực của cá nhân, tổ chức, Quốc gia, dân tộc. Là một giá trị văn hóa, tinh thần tự lực, tự cường thể hiện trước hết ở ý thức về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng sức mạnh của bản thân. Trong bối cảnh hiện nay, tự lực, tự cường là điều kiện cho sự tồn tại và phát triển đất nước.

Đại hội XIII của Đảng xác định, chúng ta chỉ có thể chủ động, khai thác các yếu tố tích cực và hạn chế những tác động tiêu cực khi tham gia vào quá trình toàn cầu hóa và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nếu chúng ta đủ mạnh. Trong quá trình đó, ý thức về sự tự lực, tự cường và phát huy tinh thần tự lực, tự cường là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của Việt Nam.

Bởi, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển như vũ bão và sự thâm nhập của sức mạnh khoa học công nghệ vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đang tạo nên sự biến đổi nhanh chóng, sâu sắc từ bên trong, nội tại của nền văn hóa mỗi dân tộc. Sức cạnh tranh trong quá trình phát triển của cá nhân, tổ chức hay Quốc gia thể hiện ở sức mạnh tự thân mà cá nhân, tổ chức và Quốc gia đó có được.

Trong bối cảnh hiện nay, phát huy tinh thần tự lực, tự cường không có nghĩa là đóng cửa, chỉ dựa vào sức mình. Ngược lại, phát huy ý chí tự lực, tự cường của dân tộc - yếu tố làm nên sức mạnh bên trong cần được xem xét trong mối quan hệ với các yếu tố bên ngoài một cách hiệu quả. Tinh thần dân chủ, hợp tác, hòa bình và bác ái... là những giá trị chung của nhân loại tiến bộ.

Những thành quả của cách mạng khoa học - công nghệ và những phương thức quản lý xã hội tiến bộ, hiệu quả... có thể chia sẻ là những giá trị vật chất, tinh thần chung mà mọi Quốc gia, dân tộc có thể học hỏi, vận dụng trên con đường phát triển của mình. Nhưng càng đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế càng cần xác định đúng triết lý bất biến: Bảo đảm lợi ích Quốc gia, dân tộc là mục tiêu cao nhất, là điều kiện căn cốt của mọi sự hợp tác.

Xác lập ý chí tự lực, tự cường và phát huy tinh thần tự lực, tự cường của dân  tộc cần đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống nói chung, giá trị tinh thần dân tộc nói riêng. Việc giáo dục giá trị cần triển khai sâu rộng trong mọi tầng lớp Nhân dân, trong mọi độ tuổi, nhóm xã hội.

Giáo dục tinh thần tự lực, tự cường thực hiện trong tất cả các thiết chế, từ gia đình, nhà trường và xã hội. Bởi, tự lực, tự cường là giá trị tinh thần có vị trí và tầm quan trọng đặc biệt trong hệ giá trị tinh thần Việt Nam hiện nay. Tự lực và tự cường cần thể hiện đồng thời từ ý thức của cá nhân, đến tổ chức và Quốc gia - dân tộc, từ tinh thần đến ý chí và thái độ tích cực vươn lên, vững mạnh và làm chủ, đồng thời biểu thị ở cách tổ chức và hành động... Trong đó, ý chí tự lực, tự cường của từng cá nhân sẽ góp phần quan trọng vào việc hình thành tinh thần tự lực, tự cường của tập thể, của đất nước, dân tộc.

 

Đại hội XIII của Đảng đã xác định, “kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”.