Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không chỉ là nhà lãnh đạo tài đức vẹn toàn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn là nhà báo, nhà viết sách với nhiều tác phẩm có giá trị thực tiễn. Trong đó có việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN).

Kim chỉ nam cho công cuộc đổi mới đất nước

Trong số những tác phẩm để đời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nổi bật là bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" (ngày 16/5/2021). Bài viết này có phân tích toàn diện, sâu sắc đường lối của Đảng về nền kinh tế thị trường XHCN.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: VGP
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: VGP

Bài viết luận giải đầy sức thuyết phục, sâu sắc một vấn đề lớn, rất cơ bản, quan trọng trong sự nghiệp cách mạng nước ta, trên cơ sở kết hợp nhuần nhuyễn lý luận và thực tiễn. Bài viết đã đề cập toàn diện, thấu đáo tất cả các lĩnh vực của sự nghiệp xây dựng XHCN của đất nước.

Bài viết đã giúp cán bộ, đảng viên và Nhân dân tin tưởng vững chắc hơn dựa trên cơ sở hiểu sâu sắc, toàn diện, đầy đủ, có căn cứ khoa học và thực tiễn về "định hình XHCN thế nào, và định hướng đi lên XHCN thế nào cho phù hợp với hoàn cảnh, đặc điểm cụ thể ở Việt Nam?". Tác phẩm cũng làm sâu sắc hơn những chủ trương, đường lối do Ðại hội XIII của Ðảng đề ra để tạo sự thống nhất trong Ðảng, sự đồng thuận trong xã hội nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu Ðại hội XIII của Ðảng đề ra.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra rằng: "Một đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan trọng của định hướng XHCN trong kinh tế thị trường ở Việt Nam là phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển.

Ðiều đó có nghĩa là: không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không "hy sinh" tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Trái lại, mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; khuyến khích làm giàu hợp pháp phải đi đôi với xóa đói, giảm nghèo bền vững, chăm sóc những người có công, những người có hoàn cảnh khó khăn. Ðây là một yêu cầu có tính nguyên tắc để bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững, theo định hướng XHCN".

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng khẳng định: “Nền kinh tế thị trường khi áp dụng tại Việt Nam, không phải là nền kinh tế thị trường chung chung, tự do mà đó là nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Bởi XHCN là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản và Nhân dân Việt Nam; đi lên XHCN là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Lễ phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" Xuân Kỷ Hợi 2019 tại tỉnh Yên Bái năm 2019. Ảnh: Báo Yên Bái
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Lễ phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" Xuân Kỷ Hợi 2019 tại tỉnh Yên Bái năm 2019. Ảnh: Báo Yên Bái

Chính nhờ sự kiên định trong việc phát triển kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, hòa nhập nhưng không hòa tan, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhắc đến: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sự sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta...”.

Tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội

TS Đoàn Văn Báu - Vụ trưởng Vụ Lý luận Chính trị (Ban Tuyên giáo Trung ương) nhìn nhận: Việt Nam chưa bao giờ “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Một ví dụ sinh động cho quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chính là công tác phòng, chống dịch Covid-19 của nước ta trong thời gian qua. Việt Nam luôn kiên trì thực hiện mục tiêu kép “Vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội”. Nhờ vậy, trong cuộc chiến với dịch bệnh, Việt Nam đã nổi lên như một điểm sáng, một hình mẫu của thế giới.

 

Những quan điểm, phân tích, luận giải về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là kim chỉ nam cho công cuộc đổi mới của đất nước trong thời gian tới. Tôi tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước ta sẽ tiếp tục giành những thắng lợi mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

TS Đoàn Văn Báu - Vụ trưởng Vụ Lý luận Chính trị (Ban Tuyên giáo Trung ương)

Thực tiễn Việt Nam trong suốt gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, nhất là trong những năm gần đây đã chứng minh tính đúng đắn của việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Nền kinh tế Việt Nam luôn nằm trong top những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu thế giới, với mức tăng trưởng trung bình gần 7% mỗi năm.

Quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) không ngừng được mở rộng, năm 2023 đạt khoảng 430 tỷ USD, trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trong ASEAN và thứ 35 trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. GDP bình quân đầu người tăng 58 lần, lên mức khoảng 4.300USD năm 2023; Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008 và đặt mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 (khoảng 7.500USD).

Đến nay, Việt Nam đã trở thành một nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác hàng đầu thế giới. Công nghiệp và dịch vụ phát triển khá nhanh, liên tục tăng và hiện nay chiếm khoảng 88% GDP. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng mạnh, năm 2023 đạt gần 700 tỷ USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 355 tỷ USD, xuất siêu đạt mức kỷ lục 28 tỷ USD.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với cử tri Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với cử tri Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải

Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 22 toàn cầu. Dự trữ ngoại hối tăng mạnh, đạt 100 tỷ USD vào năm 2023. Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu ASEAN về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam năm 2023 được các tổ chức quốc tế đánh giá đứng thứ 46/132 nước được xếp hạng.

Hay trong lĩnh vực thương mại, là nền kinh tế có độ mở lớn, đến nay, Việt Nam đã tham gia ký kết và thực thi 19 hiệp định thương mại (FTA) song phương và đa phương, trong đó có các FTA thế hệ mới với các tiêu chuẩn cao về lao động và môi trường.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Việt Nam là minh chứng cụ thể, sống động về việc phát huy vai trò của thương mại quốc tế phục vụ tăng trưởng kinh tế, xóa đói nghèo và phát triển bền vững. Trong quá trình hội nhập quốc tế, bài học kinh nghiệm quan trọng mà Việt Nam rút ra là không “hy sinh” tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Chiến lược xuất nhập khẩu đến năm 2030 của Việt Nam cũng nhấn mạnh quan điểm: Thứ nhất là phát triển xuất nhập khẩu bền vững trên cơ sở hài hòa giữa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn; hài hòa cơ hội tham gia và hưởng thụ thành quả từ thương mại; thứ hai là, gắn thương mại xanh và thương mại công bằng với bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu; thứ ba là khai thác hiệu quả cơ hội và hạn chế tác động của các thách thức trong thực thi cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu.

Như vậy, có thể thấy phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN thực sự là thành quả lý luận quan trọng của Đảng ta từ đầu thời kỳ đổi mới tới nay, là cơ sở để đặt mục tiêu Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

 

Nhờ những thành tựu trong tăng trưởng kinh tế nên đời sống của người dân Việt Nam có xu hướng đi lên. Tỷ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm khoảng 1,5%; giảm từ 58% theo chuẩn cũ năm 1993 của Chính phủ xuống còn 2,93% theo chuẩn nghèo đa chiều vào năm 2023.

Đến nay, cả nước có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ đô thị hóa đã đạt trên 40%. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở cả nông thôn và đô thị, nhất là hạ tầng y tế, giáo dục, giao thông, bưu chính viễn thông đều có bước phát triển mạnh mẽ.