"Quan điểm của Việt Nam về Biển Đông là nhất quán"

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong Hội nghị Cấp cao ASEAN – Trung Quốc lần thứ 22, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN tại Thái Lan.

Sáng 03/11, tại Thái Lan, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các nước ASEAN và các Đối tác đã dự lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các Hội nghị liên quan do Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha, Chủ tịch ASEAN 2019 chủ trì.

Trong diễn văn khai mạc, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha nhấn mạnh những thành tựu ASEAN đạt được năm nay với chủ đề “Thúc đẩy quan hệ đối tác vì sự bền vững”, góp phần hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm, không bỏ lại ai phía sau và hướng tới tương lai. ASEAN đồng thời có những bước tiến mạnh mẽ thông qua triển khai “Tuyên bố Tầm nhìn các Nhà Lãnh đạo ASEAN về thúc đẩy quan hệ đối tác vì sự bền vững”, văn kiện Tầm nhìn ASEAN về khu vực ASEAN và Ấn Độ Dương.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP

* Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các Hội nghị liên quan, sáng 3/11, tại Thái Lan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cùng các nhà lãnh đạo ASEAN và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường dự 

Tại Hội nghị, các nhà Lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc với hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng khu vực. Các nhà Lãnh đạo khẳng định nỗ lực đẩy mạnh đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin, hình thành và tuân thủ các chuẩn mực ứng xử, trong đó có sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế. Các nhà Lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì môi trường hòa bình, an ninh, ổn định, tự do, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông, kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình, đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển UNCLOS 1982, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố DOC, cùng nỗ lực xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, ổn định và hợp tác.

Các nhà Lãnh đạo hoan nghênh quan hệ kinh tế gắn kết chặt chẽ giữa hai bên, với Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN trong 10 năm liên tiếp và cũng là nhà đầu tư hàng đầu của ASEAN. Các nhà Lãnh đạo nhấn mạnh cam kết đề cao chủ nghĩa đa phương, ủng hộ tự do hoá thương mại-đầu tư và củng cố hệ thống thương mại đa phương quốc tế công bằng, dựa trên luật lệ, nỗ lực đóng góp hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đúng thời hạn đề ra.

Trên tinh thần tuyên bố Tầm nhìn Đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc 2030 (thông qua năm 2018), hai bên cam kết đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực thuộc quan tâm chung như trao đổi thương mại-đầu tư, trong đó có triển khai hiệu quả Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc, phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch thương mại 2 chiều ở mức 1 nghìn tỉ USD và đầu tư đạt 150 tỉ USD vào năm 2020; tăng cường kết nối, trong đó có gắn kết giữa Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN 2025 và Sáng kiến Vành đai và Con đường; mở rộng giao lưu nhân dân, du lịch; đẩy mạnh hợp tác về đổi mới, sáng tạo, phát triển thương mại điện tử, kinh tế số...

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ đánh giá của các nhà Lãnh đạo về những tiến triển trong quan hệ ASEAN và Trung Quốc. Thủ tướng khẳng định ASEAN luôn coi trọng vai trò của Trung Quốc đối với các nỗ lực duy trì hoà bình, an ninh và ổn định để hợp tác phát triển thịnh vượng trong khu vực. Thủ tướng ủng hộ việc xác định năm 2020 là năm hợp tác kinh tế số ASEAN-Trung Quốc.

Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng khẳng định duy trì hòa bình, an ninh và ổn định tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới và không gian an ninh, phát triển của khu vực là lợi ích và trách nhiệm chung của mọi quốc gia. Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm của Việt Nam về tình hình Biển Đông là rất rõ ràng, nhất quán, đã được bày tỏ nhiều lần tại các diễn đàn ở các cấp. Thủ tướng khẳng định cần đẩy mạnh các nỗ lực ở cả cấp độ song phương và đa phương đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, không để lặp lại các hành động đi ngược lại luật pháp quốc tế, tạo môi trường thuận lợi cho các tiến trình xây dựng luật lệ, thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, giải quyết hòa bình các khác biệt trên cơ sở luật pháp quốc tế, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố DOC và nỗ lực hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử COC hiệu quả, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế và được cộng đồng quốc tế ủng hộ.

Kết thúc Hội nghị, hai bên nhất trí thông qua 3 văn kiện gồm (i) Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN-Trung Quốc về Sáng kiến hợp tác thành phố thông minh; (ii) Tuyên bố chung ASEAN-Trung Quốc về Tăng cường trao đổi và hợp tác truyền thông; (iii) Tuyên bố ASEAN-Trung Quốc về gắn kết Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC) và Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).

Chiều cùng ngày, tại Bangkok, Thái Lan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp với Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường.

Thủ tướng Lý Khắc Cường bày tỏ chúc mừng Việt Nam sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc 2020-2021, mong muốn thúc đẩy trao đổi, hợp tác đa phương giữa hai nước trong thời gian tới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng những thành tựu to lớn của Trung Quốc trong 70 năm qua, nhất là sau hơn 40 năm cải cách mở cửa; khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Trung Quốc; bày tỏ ủng hộ với sự phát triển của Trung Quốc. Thủ tướng cũng đánh giá cao một số tiến triển giữa hai nước trong hợp tác kinh tế, thương mại; đề nghị Trung Quốc tiếp tục có các biện pháp, chính sách cải thiện tình trạng nhập siêu của Việt Nam đang tăng nhanh; thúc đẩy hơn nữa tiện lợi hóa thông quan tại các cặp cửa khẩu; giải quyết các vấn đề tồn tại trong các dự án hợp tác giữa hai nước. 

Thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định Trung Quốc hết sức coi trọng quan hệ với Việt Nam, sẵn sàng tăng cường hợp tác với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới phức tạp hiện nay. Trung Quốc mong muốn thúc đẩy, củng cố truyền thống hữu nghị, mở rộng hợp tác giữa hai nước, coi trọng giải quyết các vấn đề hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai bên, sử dụng tốt các cơ chế để thúc đẩy hợp tác.

Về vấn đề trên biển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai bên cùng kiểm soát tốt bất đồng, không để ảnh hưởng tới quan hệ hai nước; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định tại khu vực; tiếp tục thực hiện nghiêm túc nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam -Trung Quốc; kiên trì giải quyết các vấn đề bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982; xử lý tốt vấn đề nghề cá và ngư dân; đề nghị Trung Quốc tôn trọng các hoạt động kinh tế biển bình thường, phù hợp với luật pháp quốc tế của Việt Nam; khẳng định Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, biển đảo theo luật pháp quốc tế; đồng thời tin tưởng rằng vấn đề này sẽ được giải quyết thoả đáng. Phía Trung Quốc khẳng định mong muốn kiểm soát tốt bất đồng trên biển, kiềm chế, không để tác động đến tổng thể quan hệ hai nước.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần