70 năm giải phóng Thủ đô

Quan điểm độc đáo về khởi nghiệp của sếp Viettel

theo Vneconomy
Chia sẻ Zalo

“Chúng ta phải bán đi cả cái xe máy của mình, bán đi đến cả chiếc áo vest cuối cùng thì mới là khởi nghiệp”...

Mấy năm gần đây, phong trào khởi nghiệp của Việt Nam bắt đầu lên cao. Thế nhưng, hầu hết các những người khởi nghiệp rất khó khăn về tài chính.
Tuy nhiên, đối với ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), đó lại chính là một yếu tố thuận lợi.
 Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel).
Vị Tổng giám đốc Viettel kể: “Tôi nhớ thời kì khởi nghiệp của Viettel, trong tay hầu như không có gì. Nhân sự có khoảng chưa đến 100 người, tổng tài sản (vốn) cỡ khoảng 2 tỷ đồng, vốn đó không phải tiền mà được vật chất hoá qua mấy cái ôtô cũ, cái nhà hai tầng”.
“Tôi cho rằng, điều kiện quan trọng nhất của khởi nghiệp là trong tay chẳng có gì cả. Chúng ta phải bán đi cả cái xe máy của mình, bán đi đến cả chiếc áo vest cuối cùng thì mới là khởi nghiệp. Vì chỉ khi ấy, mình mới xả thân”.
“Những công ty thành công đều là những công ty xuất phát từ gara của nhà mình ví dụ như Bill Gates, Steve Jobs thành công bằng tiền của mình”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Ông nhớ lại một câu chuyện khá thú vị, khi sang Malaysia đầu năm 2004 để học hỏi một người rất kinh nghiệm trong lĩnh vực viễn thông.
“Ông ấy hỏi: “Khó khăn lớn nhất của ông là gì?”. Tôi bảo: “Khó khăn lớn nhất là chúng tôi là chẳng có gì?”. Ông ấy nói: “Đó là sức mạnh lớn nhất của ông đấy, khi chúng ta chẳng có gì để mất thì chúng ta có mọi thứ để thắng”. 
“Sau này nghiệm ra thì thấy cực kỳ đúng đối với Viettel. Những công ty có nhiều thứ để mất thì không có gì để thắng đâu”.
“Cho nên “không có gì” là một sức mạnh vô cùng lớn của người khởi nghiệp. Tôi cũng nghĩ mãi, số nào là số to nhất, chúng ta cứ nghĩ rằng, số 0 là bé nhất, nhưng thực ra đó là số to nhất vì nó chia được cho tất cả các số. Vậy khi khởi nghiệp, chúng ta hãy bắt đầu từ số 0 và hãy luôn nhớ rằng, đó là sức mạnh lớn nhất của mình”, ông Hùng nói.
Trong quan niệm của Tổng giám đốc Viettel, khởi nghiệp là khởi tạo những việc mới, tìm ra những không gian mới. Như vậy, ông bình luận, một doanh nghiệp lớn như Viettel tại Việt Nam luôn số 0 đối với công việc mới.
“Mỗi khi bắt đầu từ số 0 thì chúng tôi luôn nghĩ tới tinh thần khởi nghiệp của mình ngay từ những ngày đầu đó là lăn xả, không ngại khó, không ngại khổ, quyết tâm làm đến cùng. Hiện nay, chúng tôi đang phải đối mặt với một thay đổi mang tính lịch sử của ngành viễn thông. Đó là “thời đại của alo” - tức là chỉ có thoại và tin nhắn - đã hết rồi, bởi vì những dịch vụ này đang bị các OTT chia sẻ”.
“Chúng ta thấy Facebook đã cho phép người ta nhắn tin, gọi điện thoại cho nhau miễn phí. Những doanh nghiệp viễn thông như Viettel muốn tăng trưởng thì cần phải tìm ra những việc mới, tạo ra những giá trị mới cho khách hàng, phải nghĩ khác về viễn thông, nghĩ khác so với những gì mình đã từng nghĩ khi viễn thông ở thời alo”, ông Hùng nói.
Người đứng đầu Viettel đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp khởi nghiệp: “Hãy bắt đầu từ nỗi đau của chính mình. Chẳng hạn như vấn đề tắc đường của Hà Nội”. 
Nếu chúng ta có thể viết được một phần mềm để thay đổi thời gian đèn xanh, đèn đỏ phù hợp với lưu lượng người đi qua từng ngã tư để không gây ùn ứ. Những phần mềm như vậy, các nhà mạng với nhân sự cồng kềnh và các quy trình cứng nhắc sẽ rất khó có thể cạnh tranh với sự sáng tạo, linh hoạt của các startup”.