Quân đội Myanmar ban hành lệnh cấm sử dụng đạn thật với người biểu tình

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quân đội Myanmar mới ban hành lệnh cấm sử dụng đạn thật với người biểu tình, nhưng cho phép lực lượng an ninh bắn "từ thắt lưng trở xuống" trong trường hợp tự vệ.

Bloomberg hôm 2/3 dẫn lời lực lượng quân đội Myanmar thông báo trong một chương trình phát sóng trên đài truyền hình quốc gia MRTV khẳng định, lực lượng cảnh sát đã được lệnh không sử dụng đạn thật để đối phó với người biểu tình.
Các cuộc biểu tình tại Myanmar đã kéo dài hơn 1 tháng. 
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi quốc gia Đông Nam Á hôm 28/2 chứng kiến ​​ngày biểu tình đẫm máu nhất kể từ cuộc chính biến ngày 1/2, khiến các nước và tổ chức thế giới bày tỏ quan ngại. Liên Hợp quốc cho biết ít nhất 18 người biểu tình đã thiệt mạng và 30 người khác bị thương.
"Khi nói đến các phương pháp giải tán đám đông, lực lượng an ninh đã được yêu cầu không sử dụng đạn thật", chương trình phát sóng nêu rõ, đồng thời cáo buộc những người biểu tình kích động bạo lực bằng cách sử dụng súng cao su và bom xăng. Tuy nhiên, tuyên bố cũng cho biết, “lực lượng an ninh được phép tự vệ bằng việc bắn dưới thắt lưng nếu những người biểu tình đe dọa đến tính mạng”.  
Dù thể hiện sự nhượng bộ, quân đội Myanmar lại không nói rõ cảnh sát được tự vệ bằng đạn thật hay đạn cao su, theo Bloomberg.
Một làn sóng biểu tình mới bắt đầu vào sáng 2/3 sau khi một tòa án Myanmar đưa ra cáo buộc bổ sung chống lại nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi, có thể kéo dài thời gian giam giữ bà.
Những kêu gọi kiềm chế và không sử dụng đạn thật trong các cuộc biểu tình tại Myanmar được đưa ra trong bối cảnh một cuộc họp không chính thức theo hình thức trực tuyến giữa các Ngoại trưởng ASEAN dự kiến sẽ diễn ra hôm 2/3 nhằm thảo luận về tình hình ở Myanmar - lần đầu tiên kể từ sau cuộc chính biến, theo Bloomberg.
Hôm 1/2, quân đội Myanmar bắt bà Aung San Suu Kyi và các lãnh đạo chính quyền dân sự, đồng thời tuyên bố sẽ kiểm soát Myanmar trong thời gian tới. Phía quân đội cáo buộc cuộc bầu cử Myanmar vừa qua có gian lận. Trong khi đó, phương Tây coi sự việc lần này là một cuộc chính biến.
Chính biến hôm 1/2 đã dẫn đến những cuộc biểu tình lớn ở các thị trấn và TP trên khắp Myanmar cùng chiến dịch bất tuân dân sự trong đó một loạt bác sĩ, giáo viên, kỹ sư và các công chức khác đã ngừng làm việc để phản đối.