Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố đảo chính bị dập tắt, bắt giữ 2.839 người

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố âm mưu đảo chính bị đẩy lùi, hiện Chính phủ đâng kiểm soát đất nước.Trong khi đó, giới chức nước này cho biết đã bắt giữ gần 3000 người liên quan đến âm mưu đảo chính

Theo thông tin mới nhất của hãng tin Pháp AFP, số người thiệt mạng trong vụ đảo chính từ đêm 15/7 kéo dài sang ngày 16/7 tại Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lên con số 161 người và đây chưa phải là con số cuối cùng do còn có 1.440 người bị thương. 

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cho biết chính phủ đã bắt giữ 2.839 binh sỹ tình nghi liên quan tới vụ đảo chính. Ông tuyên bố chính quyền đã hoàn toàn kiểm soát tình hình và vụ đảo chính là một "vết đen" đối với nền dân chủ của Thổ Nhĩ Kỳ. 

Trong khi đó, ngay sau khi quyền Tổng Tham mưu trưởng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, Tướng quân đội Umit Dundar, tuyên bố chính phủ đã đập tan vụ đảo chính, nhiều nước tiếp tục khẳng định hợp tác với chính quyền hợp pháp tại Ankara.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết nước này sẵn sàng hợp tác mang tính xây dựng với ban lãnh đạo hợp pháp của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cho rằng vụ đảo chính làm gia tăng đe dọa đối với ổn định khu vực. Trong một tuyên bố, bộ trên nhấn mạnh: "Tình trạng chính trị ngày càng xấu đi (ở Thổ Nhĩ Kỳ) trong bối cảnh đang xuất hiện những mối đe dọa khủng bố ở nước này cộng với một cuộc xung đột vũ trang trong khu vực làm gia tăng đe dọa đối với ổn định quốc tế và khu vực."

Qatar, đồng mình lớn của Thổ Nhĩ Kỳ, đã chúc mừng nước này đập tan vụ đảo chính. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, Quốc vương Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani đã lên án mạnh mẽ vụ đảo chính và tuyên bố luôn sát cánh với chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ, bảo vệ tính hợp pháp của hiến pháp, bảo vệ luật pháp, duy trì an ninh và ổn định.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chặn cầu Bosphorus ở thủ đô. Ảnh:Gokhan Tan/Getty Images
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chặn cầu Bosphorus ở thủ đô. Ảnh:Gokhan Tan/Getty Images​​
Cuộc đảo chính hỗn loạn

Trước đó, trong tuyên bố được đọc trên truyền hình, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho biết sẽ duy trì trật tự dân chủ và nhân quyền, cũng như ưu tiên pháp trị.

Trong khi đó, các nguồn tin khác cho biết các chuyến bay tới sân bay Ataturk ở thành phố Istanbul đã bị hủy sau âm mưu đảo chính này.
 
Loạt cảnh đảo chính quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ
Hiện các xe tăng đã xuất hiện bên ngoài sân bay này, trong khi máy bay chiến đấu và trực thăng của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ quần thảo liên tục trên bầu trời thành phố Istanbul và thủ đô Ankara.
Nhiều tiếng súng đã vang lên tại Istanbul và Ankara trong khi các lực lượng an ninh đã phong tỏa các cây cầu trọng yếu ở hai thành phố này.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố đảo chính bị dập tắt, bắt giữ 2.839 người - Ảnh 1
Khi trời tờ mờ sáng, tòa nhà quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ được nhìn thấy bị hư hại sau các vụ đánh bom.
Khi trời tờ mờ sáng, tòa nhà quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ được nhìn thấy bị hư hại sau các vụ đánh bom.
Kênh truyền hình Nga RT dẫn thông tin từ hãng thông tấn quốc gia Anadolu Agency của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết một quả bom đã rơi trúng tòa nhà quốc hội nước này tại thủ đô Ankara. Hãng thông tấn này khẳng định quả bom do những kẻ ủng hộ đảo chính thả xuống.

Các nghị sỹ Thổ Nhĩ Kỳ bên trong tòa nhà đã xác nhận xảy ra một vụ nổ, Hurriyet Daily News cho biết.
Các cửa kính bị vỡ trong tòa nhà quốc hội (Ảnh: Anadolu)
Các cửa kính bị vỡ trong tòa nhà quốc hội (Ảnh: Anadolu)
Reuters và một số nguồn tin dẫn lời một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng, máy bay chở Tổng thống Erdogan đã hạ cánh ở Istanbul. Cũng vào thời điểm này, ở trung tâm Istanbul xảy ra 2 vụ nổ lớn, hiện chưa có thông tin về thương vong.

Một quan chức cao cấp của Thổ Nhĩ Kỳ nói với Reuters nhóm quân đội định đảo chính đã kiểm soát được một số xe tăng và yêu cầu quân đội chiếm đường phố. Nhưng theo ông này tình trạng chưa diễn ra rộng khắp dù ông thừa nhận bất ổn có thể kéo dài 24 giờ hoặc lâu hơn nữa.

Hàng chục người thiệt mạng

Đài truyền hình NTV của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn lời một công tố viên ở Ankara cho biết số người thiệt mạng trong cuộc đảo chính đêm qua ở thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ là 42 người. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa được xác nhận chính thức. Số người chết có thể cao hơn vì nhiều trường hợp thiệt mạng chưa được thống kê.

Trong số 42 người thiệt mạng có 17 người là cảnh sát. Số còn lại là thường dân và binh sĩ lật đổ chính quyền. Ngoài ra, 13 người nổi dậy đã bị bắt khi cố gắng tấn công dinh tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, một nguồn tin cho biết có nhiều cảnh sát thiệt mạng trong vụ nổ ở khu tổ hợp nhà quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, chưa thể xác định chính xác thương vong trong vụ việc, Guardian đưa tin.

Nguồn tin Reuters cho biết cuộc đảo chính quân sự tại Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng thất bại khi hàng chục nghìn người dân ở thủ đô Ankara và thành phố Istanbul ủng hộ lời kêu gọi của Tổng thống Tayyip Erdogan. Họ ồ ạt đổ ra đường để bày tỏ sự ủng hộ đối với ông.

Các đám đông tụ tập tại hai quảng trường trung tâm ở Ankara và Istanbul, vẫy cờ và hò reo ủng hộ chính phủ. “Chúng ta có thủ tướng, có tổng tư lệnh, chúng ta sẽ không để đất nước suy tàn”, một người dân hô vang.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói sẽ thanh lọc quân đội

Thủ tướng Binali Yildirim tuyên bố trên đài tư nhân NTV rằng: “Chính phủ dân sự vẫn đang nắm quyền. Chính quyền sẽ chỉ ra đi nếu người dân yêu cầu.” Ngay sau khi ông Yildirim tuyên bố, các nhóm quân sự Thổ Nhĩ Kỳ ra tuyên bố và nói họ đã nắm được quyền kiểm soát đất nước.
Tổng thống Recep Tayyip Erdoga dùng FaceTime trên iPhone để phát đi thông điệp kêu gọi dân chúng chống lại cuộc đảo chính. Ảnh chụp màn hình: Sky News
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, người đã nắm quyền hơn 10 năm qua, đã buộc phải dùng FaceTime trên iPhone để phát đi thông điệp kêu gọi dân chúng chống lại cuộc đảo chính. Ảnh chụp màn hình: Sky News
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan nói cuộc đảo chính này cho thấy phong trào Gulen là một tổ chức khủng bố có vũ trang. Đồng thời kêu gọi người dân biểu tình phản đối âm mưu đảo chính của một nhóm trong quân đội, và tuyên bố hành động này sẽ khiến những kẻ nổi loạn phải trả giá.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan xuất hiện trên truyền hình. Ảnh: Twitter.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan xuất hiện trên truyền hình. Ảnh: Twitter.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã kêu gọi người dân tập trung tại những quảng trường lớn để cho thấy sự phản ứng trước nỗ lực đảo chính. Ông cho rằng vụ đảo chính sẽ được giải quyết trong một thời gian ngắn và những kẻ chịu trách nhiệm sẽ phải trả cái giá rất đắt trước tòa.

"Tôi chắc chắn rằng nỗ lực đảo chính sẽ không thể thành công" - Ông Erdogan nói trên điện thoại qua FaceTime. "Tôi kêu gọi người dân Thổ Nhĩ Kỳ tập trung tại các quảng trường lớn và sân bay. Tôi không bao giờ tin vào một quyền lực cao hơn sức mạnh của nhân dân". Ông Erdogan tuyên bố cuộc đảo chính sẽ được coi là lý do để thanh lọc quân đội.

Hiện tại, Tổng thống Tayyip Erdogan đã đến sân bay Attaturk ở Istanbul. Ông tuyên bố: “Tôi sẽ không đầu hàng. Tôi sẵn sàng chết”. Ông cũng khẳng định cảnh sát nước này đang tổ chức bắt giữ hàng loạt sĩ quan quân đội.

Dù vậy, Thủ tướng Binali Yildirim cảnh báo các binh sĩ đảo chính ở Ankara và Istanbul vẫn lái máy bay quân sự để bắn giết từ trên bầu trời. Ông cáo buộc những kẻ đảo chính bắn giết thường dân vô tội vạ.  (Phạm Phương)

Lộ diện thủ lĩnh cuộc đảo chính

Theo hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu, Đại tá Muharrem Kose, người từng bị Tổng thống Recep Tayyip Erdogan thải hồi chính là người đứng đầu mưu toan đảo chính chống lại chính quyền Ankara.

Kose từng bị thải hồi vào tháng Ba năm nay, đã cấu kết với nhiều phe nhóm chống chính phủ và giáo sĩ Imam Fethullah Gulen.

Giáo sĩ Gulen hiện sống lưu vong tại Saylorsburg, Philadelphia (Mỹ) và điều hành một phong trào tôn giáo có kinh phí hoạt động lên tới 1 tỷ USD và được coi là đối thủ chính trị của ông Erdogan.
Đại tá Kose, thủ lĩnh cuộc đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ
Đại tá Kose, thủ lĩnh cuộc đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ
Đại tá Kose đã tuyên bố thành lập cái gọi là "Hội đồng hòa bình, một chính phủ lâm thời nhằm khôi phục nền dân chủ và nhân quyền tại Thổ Nhĩ Kỳ."

Theo Kose thì những điều đó đã bị chính quyền Tổng thống Erdogan phá hỏng trong cuộc khủng hoảng tại Trung Đông, trong đó có quốc gia láng giềng Syria.

Lực lượng quân đội trung thành với Kose đã chiếm kênh truyền hình TRT, các cây cầu và sân bay Ataturk trước khi bị lực lượng trung thành với Tổng thống Erdogan đánh bật.

Hiện chính quyền ông Erdogan tuyên bố cuộc đảo chính đã thất bại và bắt giữ hơn 120 người.
Người dân Istanbul chặn một chiếc xe tăng của quân đội Ảnh: Getty Images
Người dân Istanbul chặn một chiếc xe tăng của quân đội Ảnh: Getty Images
104 binh sĩ âm mưa đảo chính tại Istanbul đã được xác định. Khoảng 30 binh sĩ tham gia đảo chính đã đầu hàng sau khi bị cảnh sát vũ trang bao vây ở quảng trường Taksim, Istanbul, Reuters dẫn lời nhân chứng cho biết. Nhóm binh sĩ giao nộp vũ khi và được đưa đi trên xe cảnh sát.
Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ giao nộp vũ khí cho cảnh sát, trong cuộc đảo chính ở quảng trường Taksim, Istanbul. Ảnh: Reuters
Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ giao nộp vũ khí cho cảnh sát, trong cuộc đảo chính ở quảng trường Taksim, Istanbul. Ảnh: Reuters
Sau đó, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ thông báo đã bắt hơn 120 người liên quan đến cuộc đảo chính, AFP đưa tin.

Phát biểu với hãng tin Anadolu, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cho biết tình hình đang ngày càng trở nên tốt đẹp hơn. Ông Yildirim tiếp tục nhắc lại yêu cầu những người ủng hộ chính phủ nên duy trì hiện diện trên đường phố. Một số hình ảnh cho thấy binh lính bị lực lượng của chính phủ bắt giữ.
Tình trạng thiết quân luật ngay lập tức được tuyên bố ở nước này. Lực lượng vũ trang có mặt dày đặc trên các tuyến phố. Ảnh: AP
Tình trạng thiết quân luật ngay lập tức được tuyên bố ở nước này. Lực lượng vũ trang có mặt dày đặc trên các tuyến phố. Ảnh: AP
Hãng tin CNN dẫn lời ông Yildirim tuyên bố đảo chính đã thất bại và chính phủ đang nắm hoàn toàn quyền kiểm soát. Ông cũng cho biết nhiều chiến binh liên quan tới vụ lật đổ tổng thống Erdogan đã bị bắt và nhiều máy bay quân sự bị hạ khi nằm trong tay phe nổi dậy.

Một máy bay quân sự của phe đảo chính bị bắn rơi

Các quan chức chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố, cuộc đảo chính đã kết thúc. Nhưng ông Erdogan thừa nhận rằng, những "xáo trộn nhỏ" đang tiếp tục diễn ra ở thủ đô Ankara.

Tuy nhiên, theo báo cáo từ các nguồn tin, cá cuộc giao tranh vẫn đang diễn ra. Cơ quan thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, một máy bay trực thăng quân sự được của phe âm mưu đảo chính đã bị bắn rơi ở ngoại ô Ankara. (Lan Hương)

Binh lính phe đảo chính đầu hàng

Theo Reuters, những người lính tham gia cuộc đảo chính bắt đầu đầu hàng ở Istanbul. Khoảng 50 binh sĩ tham gia trong cuộc đảo chính quân sự đã đầu hàng trên một trong những cây cầu bắc ngang eo biển Bosphorus ở Istanbul. Theo hình ảnh trực tiếp từ đài CNN, những người lính đã rời khỏi tăng và giơ cao tay. Trước đó, thông tin từ một nhân chứng của Reuters đã chứng kiến hàng chục binh sĩ ủng hộ cuộc đảo chính khác giao nộp vũ khí cho cảnh sát khi bị bao vây trong quảng trường Taksim, trung tâm của Istanbul.(Lan Hương)

 
Một quân nhân đảo chính bị người dân bắt giữ (Ảnh: Twitter)
Một quân nhân đảo chính bị người dân bắt giữ (Ảnh: Twitter)
Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa không phận

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ ngày 16/7 đã tuyên bố đóng cửa không phận và sẵn sàng bắn hạ bất kỳ máy bay nào hoạt động trái phép, trong bối cảnh phe đảo chính trong quân đội đã dùng trực thăng tấn công tòa nhà quốc hội.

Theo các nhân chứng có mặt tại sân bay Ataturk tại Istanbul, toàn bộ các chuyến bay đến và đi khỏi Thổ Nhĩ Kỳ đều bị hủy hoặc chuyển hướng.

Một phi công cho biết toàn bộ các chuyến bay tới Ataturk đã bị hủy. Trang web chuyên theo dõi các chuyến bay FlightAware.com ghi nhận ít nhất 32 chuyến bay đã bị hủy lịch khởi hành trong tối thứ Sáu và rạng sáng thứ Bảy.

Một chuyến bay của hãng hàng không Anh British Airways với đích đến là Istanbul buộc phải chuyển hướng sang Sofia, Bulgaria, trong khi một máy bay của hãng Lufthansa đang tới Thổ Nhĩ Kỳ bị buộc phải quay đầu trở lại điểm xuất phát ở Frankfurt, Đức.

Phó Giám đốc sân bay quốc tế Imam Khomeini của Iran nói rằng 7 chuyến bay đến Thổ Nhĩ Kỳ đã bị hủy bỏ trong sáng 16/7. "Chúng tôi sẽ rà soát lại tình hình để tiếp tục các chuyến bay khi chúng tôi có những thông tin mới nhất", ông Koroush Fattahi nói.

​Bộ Ngoại giao Hàn Quốc khuyến cáo công dân nên hủy các chuyến đi đến Thổ Nhĩ Kỳ và khuyên công dân đang ở Thổ Nhĩ Kỳ rời khỏi nước này. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đang cân nhắc gửi một phái đoàn quan chức đến hỗ trợ công dân nước mình tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Phe thân chính phủ giành lại sân bay Ataturk​

Lực lượng trung thành với chính phủ đã giành lại được quyền kiểm soát sân bay quốc tế Ataturk, theo tờ The Guardian (Anh). Đây cũng là nơi đã xảy ra vụ tấn công khủng bố vào tuần trước khiến 42 người thiệt mạng.

Các chuyến bay đã bị dừng hoặc chuyển hướng. Một số chuyến bay đã được chuyển hướng đến sân bay lớn thứ 2 Istanbul là Sabiha khi tình trạng tại Ataturk vẫn đang rối loạn.

Phát biểu tại Istanbul, Tổng thống Erdogan tuyên bố, sẽ không thỏa hiệp. Ông cũng buộc tội ông Gulen - người đứng đầu cuộc đảo chính và những người theo phe ông Gulen là những kẻ phản bội đất nước. Ông khẳng định với người ủng hộ rằng, chính phủ sẽ thành công. (Lan Hương)

Kênh phát thanh quốc gia TRT nối lại hoạt động

Kênh phát thanh quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ (TRT) đã nối lại hoạt động sau khi ngừng trong vài giờ do sự kiện quân đội đảo chính. Trước đó, các binh lính đã càn quét qua trụ sở của kênh này vào sáng sớm hôm 16/7 (giờ địa phương), hãng tin Anadolu cho biết.

Các phóng viên đã giành lại quyền kiểm soát kênh này sau khi các lực lượng quân sự đảo chính xông vào tòa nhà, bắt giữ nhân viên, hãng tin Anadolu khẳng định.

Sau khi chiếm đóng nơi nay, Lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ đã dùng kênh này để phát tuyên bố về tình trạng thiết quân luật và cho biết họ “đã hoàn toàn chiếm quyền kiểm soát chính quyền” với mục đích “tái thiết lập trật tự hiến pháp, nhân quyền và tự do”. (Tú Anh)

Máy bay chiến đấu F16 ném bom gần dinh tổng thống, 5 người chết

Một máy bay chiến đấu F16 của phe đảo chính đã thả 2 quả bom gần dinh thự của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, hãng thông tấn Daily Sabah đưa tin.

Đài NTV cho hay, một vụ đánh bom kép đã xảy ra tại dinh tổng thống ở Ankara. Một đoạn video đăng tải trên Twitter sau đó cho thấy khói dày đặc bốc lên từ khu vực này và nguồn tin ban đầu cho hay vụ tấn công khiến ít nhất 5 người thiệt mạng.

Tổng thống Erdogan tuyên bố binh biến kết thúc

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan tuyên bố cuộc binh biến đã kết thúc, chính phủ đã giành lại quyền kiểm soát.
 
Ông Erdagan trong vòng tay người ủng hộ ở sân bay tại Istanbul và cảnh các cảnh sát vây quanh chiếc xe tăng của phe đảo chính. Ảnh: Reuters
Ông Erdagan trong vòng tay người ủng hộ ở sân bay tại Istanbul.Ảnh: Reuters
"Tại Thổ Nhĩ Kỳ quân đội không quản lý nhà nước và họ không thể, tất cả chúng ta đều biết như vậy", ông Erdogan nói. "Chính phủ hiện tại vẫn đang trong tầm kiểm soát."

Sự trở lại của ông Erdogan cho thấy chính phủ có thể đã đẩy lùi các cuộc đảo chính, trong khi các cuộc đụng độ và bạo lực vẫn tiếp tục diễn ra ở Istanbul và thủ đô Ankara.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim chủ trì cuộc họp đột xuất với các nghị sĩ để thảo luận về cuộc đảo chính. Cuộc họp diễn ra trong tòa nhà quốc hội - một trong những mục tiêu trước đó bị quân đảo chính tấn công.

 
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố đảo chính bị dập tắt, bắt giữ 2.839 người - Ảnh 2
Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, tướng Umit Dündar tạm thời đảm trách vai trò chỉ huy quân đội. Nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ chưa thể xác định tình trạng của Tư lệnh Hulusi Akar, người nhiều khả năng bị phe nổi dậy bắt làm con tin.

Theo ông Kerem Kinik, Chủ tịch tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ ở Thổ Nhĩ Kỳ, 800 người phải nhập viện tại Ankara, thủ đô Thổ ​​Nhĩ Kỳ và 200 người ở Istanbul. Ông cho biết tổng số người bị thương là 1.000 người.

Nhiều binh sĩ đầu hàng ở Istanbul

Những hình ảnh từ Istanbul cho thấy, khoảng 60 đến 100 binh sĩ có vẻ như đã đầu hàng ở trên cầu Bosphorus. Những binh sĩ này được cho là đã tự đầu hàng cảnh sát.
cảnh các cảnh sát vây quanh chiếc xe tăng của phe đảo chính.
Các cảnh sát vây quanh chiếc xe tăng của phe đảo chính. Ảnh: Reuters
Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag cho hay tổng cộng 336 người đã bị bắt trên khắp cả nước sau âm mưu đảo chính. Trong khi đó, Haberturk đưa tin rằng chỉ riêng tại thành phố Istanbul đã có hơn 600 người bị bắt.
Một đoạn video đăng tải trên kênh truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy hàng chục binh sĩ liên quan đến âm mưu đảo chính đã đầu hàng trên cầu Bosphorus tại Istanbul. Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, đến nay đã có 754 binh sĩ phe đảo chính đã bị bắt giữ.

Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, lực lượng ủng hộ chính phủ dân sự của ông Erdogan hiện kiểm soát các trụ sở quân đội. Tuy nhiên, một nhóm nhỏ binh sĩ đảo chính tiếp tục giao tranh và giành kiểm soát một số trực thăng quân đội. Một quan chức khác cho biết, 29 đại tá và 5 tướng quân đội đã bị cách chức sau âm mưu đảo chính.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố đảo chính bị dập tắt, bắt giữ 2.839 người - Ảnh 3
Hãng thông tấn Anadolu đưa tin, cho đến nay đã có 90 người thiệt mạng. Hiện các nghị sĩ đang họp khẩn bàn về vụ đảo chính tại chính tòa nhà trước đó bị lực lượng đảo chính đánh bom.

Theo Guardian, số lượng quân nhân bị bắt trong nỗ lực đảo chính bất thành đã lên tới 1.563 người.

Khoảng 200 lính tham gia đảo chính đã rời trụ sở quân sự Thổ Nhĩ Kỳ ở Ankara và đầu hàng cảnh sát, AP đưa tin.
Phản ứng của quốc tế

Bộ Ngoại giao Bulgaria cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng cửa ba cửa khẩu với Bulgaria. Bulgaria cũng cảnh báo công dân không tới miền nam quốc gia láng giềng này.

Mỹ và EU kêu gọi các bên ở Thổ Nhĩ Kỳ "kiềm chế và tôn trọng thể chế dân chủ" và cho biết đang theo sát tình hình ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov kêu gọi công dân ở Thổ Nhĩ Kỳ thận trọng không rời khỏi nhà và chờ đợi để làm rõ tình hình. "Chúng tôi hiểu rõ rằng để làm rõ các chi tiết của những gì đang diễn ra cần thận trọng đến mức tối đa", ông Lavrov nói. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: "Nga mong muốn tình hình ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được giải quyết nhanh chóng theo cách hợp pháp".
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố đảo chính bị dập tắt, bắt giữ 2.839 người - Ảnh 4
Quân đội Hy Lạp được đưa vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu sau âm mưu đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ. "Bộ trưởng Quốc phòng Panos Kammenos thông báo cho Thủ tướng Alexis Tsipras về tất cả các hành động của Bộ Quốc phòng và quân đội. Binh sĩ được lệnh sẵn sàng chiến đấu. Có lo ngại lớn về những gì đang xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ", một nguồn tin cao cấp trong Bộ Quốc phòng Hy Lạp cho biết.

Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) cùng nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới đã bày tỏ ủng hộ chính phủ của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. 

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon dùng những từ ngữ mạnh mẽ để kêu gọi chấm dứt cuộc đảo chính quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trong tuyên bố chính thức, ông Ban Ki Moon kêu gọi “bình tĩnh, không bạo lực và kiềm chế” để giải quyết cuộc đảo chính đang diễn ra. Ông Ban Ki Moon cũng khẳng định can thiệp quân sự vào công việc nội bộ của một quốc gia là điều không thể chấp nhận được.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đông châu Âu Donald Tusk, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác chiến lược của Liên minh châu Âu (EU) nên EU sẽ hỗ trợ toàn lực cho chính phủ dân cử của quốc gia này theo những gì luật pháp quốc tế cho phép. EU cũng kêu gọi vãn hồi nhanh chóng trật tự ở Thổ Nhĩ Kỳ và khẳng định theo dõi sát vụ việc.
Từ Brussels (Bỉ), người đứng đầu NATO Jens Stoltenberg kêu gọi các bên bình tĩnh, kiềm chế và tôn trọng thể chế chính trị và hiến pháp dân chủ của Thổ Nhĩ Kỳ. Ông nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ là "một đồng minh được quý trọng của NATO."

Trong khi đó, trong tuyên bố từ Los Angeles (Mỹ), nhóm những người ủng hộ Giáo sỹ Hồi giáo Fethullah Gulen, nhân vật bị cáo buộc đứng đằng sau âm mưu đảo chính, cũng đã lên án vụ đảo chính. Tuyên bố của nhóm nêu rõ: "Chúng tôi một mực phản đối mọi hành động can thiệp quân sự vào vấn đề chính trị quốc gia. Chúng tôi lên án hành động can thiệp quân sự tại Thổ Nhĩ Kỳ."

Nhóm cũng chỉ trích những bình luận từ phía những người ủng hộ Tổng thống Erdogan là "thiếu trách nhiệm" khi đổ lỗi cho nhóm đứng đằng sau vụ đảo chính.
Trong 50 năm qua, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ít nhất đã 3 lần tìm cách tiến hành đảo chính. Kể từ khi đất nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại thành lập năm 1923, quân đội đã tiến hành đảo chính trong các năm 1960, 1971 và 1980. Quân đội nước này can thiệp vào chính trường một lần nữa vào năm 1997.

Quân đội Thổ từ lâu coi mình là người bảo hộ cho nền chính trị thế tục của nước này. Trong những năm gần đây, một loạt vụ xử nhắm vào lực lượng quân đội đã đẩy lực lượng này phải co cụm hơn và không còn ảnh hưởng như trước.