Quy mô, mạng lưới trường lớp được đầu tư
Trưởng phòng GD&ĐT quận Đống Đa Trịnh Đan Ly cho biết, toàn quận có 82 trường công lập, ngoài công lập và 74 điểm lớp, nhóm trẻ độc lập tư thục. Trong đó, các trường công lập hiện có 63 trường, 1.772 lớp, 58.058 học sinh, 3.957 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Năm học 2022 – 2023, với những nỗ lực, cố gắng, tập thể Phòng GD&ĐT quận tiếp tục được Sở GD&ĐT ghi nhận 12/13 chỉ tiêu xuất sắc, giữ vững chỉ tiêu so với năm học trước. Đây cũng là năm thực hiện nhiều mô hình tiêu biểu, nhiều chương trình điểm của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT và quận đã được triển khai thành công.
Để có được kết quả này là nhờ sự quan tâm, đầu tư của TP Hà Nội và quận. Theo đó, mạng lưới trường, lớp được đầu tư ngày một khang trang, hiện đại. Cơ sở vật chất thiết bị dạy học được tăng cường. Khi quy mô mạng lưới trường lớp được đầu tư đã đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn, chất lượng giáo dục đại trà được giữ vững, chất lượng mũi nhọn được nâng cao.
Xác định cơ sở hạ tầng là tiền đề quan trọng để phát triển GD&ĐT, những năm qua, quận Đống Đa đã bố trí nguồn lực lớn, đầu tư xây dựng hệ thống trường, lớp. Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Nguyễn Thanh Tùng cho biết, tổng kế hoạch vốn đã bố trí đến năm 2023 để đầu tư các dự án xây dựng trường chuẩn hơn 1.030 tỷ đồng (bằng 110,5% so với kế hoạch vốn đã bố trí cả kỳ trung hạn giai đoạn 2016 - 2020). Ngoài công tác đầu tư nêu trên, để duy trì hoạt động của các trường, từ năm 2021 đến nay, quận đã thực hiện cải tạo sửa chữa 19 trường học với tổng kinh phí 61,3 tỷ đồng từ nguồn chi thường xuyên của ngân sách quận.
Theo đó, đến nay đã hoàn thành công tác đầu tư 6 trường với tổng mức vốn 296,5 tỷ đồng. Trong đó, 3 trường công nhận lại và 3 trường công nhận mới. Quận đang thực hiện đầu tư 16 dự án với tổng mức đầu tư 1.238 tỷ đồng để xây dựng 3 trường mầm non, 5 trường tiểu học và 8 trường THCS. Song song với đó, quận đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư 17 dự án. Trong đó, 5 dự án đã được HĐND quận duyệt chủ trương đầu tư và bố trí kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn.
Đối với công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Nguyễn Thanh Tùng cho biết, tính đến tháng 6/2023, số lượng trường học đạt chuẩn quốc gia là 42/62 trường (tỷ lệ 67,74%). Trong đó, mầm non 15/27 trường (đạt 55,55%); tiểu học 13/19 trường (đạt 68,42%); THCS 14/16 (đạt 87,5%). Trong năm 2022 đã công nhận mới 2/2 trường (tỷ lệ 100%); công nhận lại 3/3 trường đạt chuẩn quốc gia (tỷ lệ 100%). Năm 2023, quận phấn đấu công nhận mới 5 trường và công nhận lại 2 trường.
Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường lớp
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Nguyễn Thanh Tùng, là một trong những quận trung tâm của Hà Nội, cùng với áp lực gia tăng dân số cơ học, quá trình đầu tư xây dựng mạng lưới trường, lớp trên địa bàn quận cũng gặp khó khăn. Cụ thể, một số trường đã được công nhận chuẩn quốc gia, nay đến thời hạn phải công nhận lại thì chưa đủ điều kiện (do thiếu phòng học chức năng/phòng học bộ môn, diện tích phòng học không bảo đảm, thiếu trang - thiết bị dạy và học).
Một số trường do không thể đầu tư bổ sung (vướng quy hoạch, một số hạng mục mới cải tạo, không đủ nguồn lực, diện tích đất không đủ…) dẫn đến khó khăn trong việc công nhận lại. Diện tích một số trường nhỏ, hẹp, không đáp ứng các tiêu chí của trường đạt chuẩn quốc gia theo quy định hiện hành, khó khăn trong công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Hiện quận vẫn còn đơn vị có số học sinh/lớp, số lớp/trường vượt quá tiêu chí của trường đạt chuẩn quốc gia.
Cùng đó, diện tích khu đất xây dựng trường khu vực trung tâm các đô thị có quỹ đất hạn chế nên khó đạt được diện tích tối thiểu đối với mỗi học sinh từng cấp học theo Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT ban hành “Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học”. Các dự án xây mới trường học trên địa bàn quận tiến độ còn chậm do chưa có quỹ đất để xây dựng…
Tuy nhiên, quận luôn xác định đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai. Vì vậy, trong giai đoạn tới, quận sẽ tiếp tục rà soát, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu phát triển số lượng học sinh và đổi mới giáo dục. Đồng thời tiếp tục rà soát quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp học gắn với các điều kiện bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đẩy nhanh tiến độ xây mới các trường học, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2015 - 2030. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường lớp theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa và hiện đại.
Trong đó, quận yêu cầu Phòng GD&ĐT phối hợp các phòng, ngành đoàn thể tập trung triển khai thực hiện các dự án đầu tư trong lĩnh vực GD&ĐT được thực hiện đúng tiến độ, kế hoạch, chất lượng và hoàn thành kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia năm 2023. Tiếp tục thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng và phát triển 1 trường liên cấp chất lượng cao, hiện đại trên địa bàn quận.
Song song với đẩy nhanh tiến độ xây mới các trường học, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, quận tiếp tục từng bước xây dựng mô hình tự chủ tại một số trường mầm non, phổ thông ở những địa bàn, khu vực có điều kiện. Tạo điều kiện thuận lợi cho các trường thực hiện lộ trình tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành T.Ư về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Ngoài ra, thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn. Tiếp tục thực hiện tốt phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” giai đoạn 2022 - 2025”; “Nhà giáo tâm huyết, sáng tạo” bảo đảm thiết thực, hiệu quả…
100% các trường trên địa bàn quận triển khai các phần mềm dạy học trực tuyến qua internet đạt hiệu quả cao. 100% giáo viên được tập huấn và sử dụng thành thạo các phần mềm dạy học, chủ động được công nghệ dạy học, quản lý tốt việc linh hoạt các hình thức dạy học. 100% các trường tiểu học, THCS trên địa bàn được công nhận mức độ chuyển đổi số đạt mức 2 và 3.
Mới đây, quận Đống Đa đã thực hiện gắn biển và đưa vào sử dụng tại cụm 2 trường gồm: Trường Tiểu học Đống Đa và Trường Tiểu học Kim Liên ngay trước thềm khai giảng năm học mới 2023 – 2024. Việc xây mới Trường Tiểu học Đống Đa vô cùng ý nghĩa, mở ra triển vọng nâng cao chất lượng giáo dục, làm tăng vị thế của quận Đống Đa về giáo dục và đào tạo trong giai đoạn hội nhập, phát triển. Đồng thời, góp phần hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ mà HĐND quận đã đề ra trong phát triển giáo dục trên địa bàn…