Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quận Đống Đa đề xuất bỏ việc giới hạn tầng cao với công trình giáo dục

Thịnh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Sáng 7/9, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phạm Quí Tiên làm Trưởng đoàn khảo sát của Thường trực HĐND TP đã làm việc với UBND quận Đống Đa về công tác tuyển sinh đầu cấp; xây dựng, công nhận trường đạt chuẩn quốc gia; cải tạo, xây dựng mới trường mầm non, trường phổ thông trên địa bàn.

Vướng mắc trong việc công nhận lại trường đạt chuẩn quốc gia

Thông tin tới Đoàn khảo sát, Trưởng phòng GD&ĐT quận Đống Đa Trịnh Đan Ly cho biết, trên địa bàn quận hiện có 88 trường/21 phường, trong đó cấp Mầm non có 39 trường, cấp Tiểu học có 24 trường, cấp THCS có 19 trường và 6 trường THPT. Quận đã quán triệt, lãnh đạo và chỉ đạo triển khai công tác tuyển sinh đầu cấp tại các trường phổ thông trên địa bàn là nhiệm vụ quan trọng để đảm bảo quá trình tuyển sinh diễn ra công bằng, hiệu quả. Các trường đã xây dựng kế hoạch chi tiết cụ thể, thời gian thực hiện, đảm bảo chuẩn bị đầy đủ đội ngũ giáo viên, nhân viên đủ năng lực và đủ số lượng, phân công rõ nhiệm vụ của từng cá nhân hoặc bộ phận trong quá trình triển khai thực hiện.

Trong kỳ tuyển sinh năm học 2023-2024, quận đã tuyển sinh 12.095 học sinh ở các cấp học. 

Đoàn khảo sát cơ sở vật chất tại trường Tiểu học Thái Thịnh, quận Đống Đa
Đoàn khảo sát cơ sở vật chất tại trường Tiểu học Thái Thịnh, quận Đống Đa

Đối với công tác xây dựng, công nhận trường mầm non, trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia, đến tháng 7/2023 tổng số trường học công lập thuộc quận (mầm non, tiểu học, THCS) đạt chuẩn quốc gia là 42/63 trường (đạt tỷ lệ 66,67%). Tổng số trường THPT công lập trên địa bàn quận đạt chuẩn quốc gia là 4/6 trường (đạt tỷ lệ 66,67%).

Thời gian qua, quận đã chỉ đạo, giám sát, kiểm tra việc kiểm định chất lượng giáo dục; đôn đốc, giám sát và kiểm tra việc thực hiện kế hoạch xây dựng và công nhận mới, công nhận lại trường chuẩn quốc gia ở các cấp học trên địa bàn. Năm 2021 quận công nhận lại 5/5 trường đạt Chuẩn quốc gia (tỷ lệ 100%). Năm 2022 công nhận mới 2/2 trường đạt chuẩn quốc gia (tỷ lệ 100%) gồm: trường mầm non Quang Trung và tiểu học Thái Thịnh; công nhận lại 3/3 trường đạt chuẩn quốc gia (tỷ lệ 100%).

Về việc đầu tư cải tạo, xây mới trường mầm non, phổ thông trên địa bàn, trên cơ sở rà soát điều chỉnh kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2020 - 2025, UBND quận đã chỉ đạo các phòng, ban, ngành liên quan đề xuất phương án cải tạo, sửa chữa, xây mới các trường Mầm non, Tiểu học, THCS thuộc quận. Qua đó, đáp ứng yêu cầu trường chuẩn Quốc gia và dần đáp ứng yêu cầu của Bộ GD&ĐT về quy định phòng học bộ môn.

Đoàn khảo sát thực tế tại trường THPT Lê Quý Đôn
Đoàn khảo sát thực tế tại trường THPT Lê Quý Đôn

Đề xuất cơ chế đặc thù về tiêu chuẩn với trường học ở nội đô

Tại cuộc khảo sát, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Đống Đa cũng nêu ra những khó khăn, vướng mắc thực tế. Cụ thể như, trong công tác đánh giá, đề xuất công nhận trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn hiện nay, một số trường đã được công nhận chuẩn quốc gia, nay đến thời hạn phải công nhận lại thì chưa đủ điều kiện (do thiếu phòng học chức năng/phòng học bộ môn, diện tích phòng học không đảm bảo, thiếu trang - thiết bị dạy và học).

Một số trường do không thể đầu tư bổ sung (vướng quy hoạch, một số hạng mục mới cải tạo, không đủ nguồn lực, diện tích đất không đủ…) dẫn đến khó khăn trong việc công nhận lại; diện tích một số trường nhỏ, hẹp, không đáp ứng các tiêu chí của trường đạt chuẩn quốc gia theo quy định hiện hành, khó khăn trong công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Hiện quận vẫn còn đơn vị có số học sinh/lớp, số lớp/trường vượt quá tiêu chí của trường đạt chuẩn quốc gia.

Quang cảnh buổi làm việc sáng 7/9
Quang cảnh buổi làm việc sáng 7/9

Cùng đó, diện tích khu đất xây dựng trường khu vực trung tâm các đô thị có quỹ đất hạn chế nên khó đạt được diện tích tối thiểu đối với mỗi học sinh từng cấp học theo Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT ban hành "Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học"; các dự án xây mới trường học trên địa bàn quận tiến độ còn chậm do chưa có quỹ đất để xây dựng.

Trên cơ sở những khó khăn, vướng mắc nêu trên, quận Đống Đa đề xuất bỏ quy định về việc khống chế tầng cao với các công trình giáo dục, có các biện pháp đảm bảo an toàn cho học sinh để tạo điều kiện cho sự phát triển mạng lưới giáo dục trên địa bàn quận nội đô. Đồng thời, áp dụng cơ chế đặc thù cho các trường trong khu vực nội đô về tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học.

Tại buổi làm việc, thành viên đoàn khảo sát đã làm rõ cụ thể số trường đã được công nhận chuẩn quốc gia và số trường sau khi công nhận lại không đủ điều kiện để công nhận. Tỷ lệ đầu vào các trường công lập trên địa bàn và chất lượng; việc thực hiện quy hoạch mạng lưới trường học, trong đó xác định cấu trúc giữa dân lập và công lập cho phù hợp khi nguyện vọng của người dân; thực trạng số cơ sở nhà đất cần di dời để phục vụ xây trường học...

Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phạm Quí Tiên phát biểu kết luận buổi làm việc
Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phạm Quí Tiên phát biểu kết luận buổi làm việc

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên ghi nhận những kết quả của quận Đống Đa trong công tác tuyển sinh đầu cấp, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và cải tạo, xây mới trường học. Trưởng Đoàn khảo sát đề nghị Sở QH-KT phối hợp quận rà soát quy hoạch mạng lưới trường học để đưa vào quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.

Liên quan đến việc đầu tư trường học đạt chuẩn quốc gia, đề nghị quận rà soát theo hướng chuẩn hóa tất cả các điểm theo quy hoạch để có bức tranh tổng thể về quy hoạch mạng lưới giáo dục gửi về Sở GD&ĐT để gửi về Sở KH&ĐT có cơ sở kiến nghị với TP phân cấp lộ trình thực hiện theo từng giai đoạn.

Ghi nhận ý kiến kiến nghị, đề xuất của quận, Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên đề nghị Ban Văn hoá-Xã hội HĐND TP tổng hợp vào báo cáo, đặc biệt chú ý những kiến nghị về cơ chế chính sách để thực hiện ngay và những chính sách lâu dài. Đồng thời trong đó, đề xuất TP cơ cấu về quỹ đất để xây dựng trường học công lập, với những dự án chậm, đề nghị thu hồi để đầu tư xây dựng trường học.

Trước khi làm việc với UBND quận, Đoàn khảo sát đã thực tế tại trường Tiểu học Thái Thịnh và trường THPT Lê Quý Đôn, quận Đống Đa.