Ý thức được tầm quan trọng đó, thời gian qua, các cấp, ngành của quận đã cùng chung tay thực hiện công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa nhằm tạo động lực phát triển TP Hà Nội nói chung và quận Đống Đa nói rêng.
Khẳng định các giá trị lịch sử
Theo thống kê của Phòng VH&TT quận Đống Đa, hiện trên địa bàn quận có 76 di tích lịch sử văn hóa và 16 lễ hội truyền thống tiêu biểu, bao gồm: 3 di tích cấp Quốc gia đặc biệt (Văn Miếu - Quốc Tử Giám, gò Đống Đa, Thăng Long tứ trấn - đền Kim Liên); 48 di tích cấp Quốc gia; 15 di tích cấp TP và 10 di tích chưa được xếp hạng. Các lễ hội diễn ra trên địa bàn quận đều thực hiện các nghi thức truyền thống, đặc sắc nhất là lễ hội gò Đống Đa, lễ hội chùa Láng thu hút hàng vạn lượt người tham dự.
Những năm qua, công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích luôn được các cấp, ngành và Nhân dân quận Đống Đa quan tâm triển khai thực hiện. Từ năm 2015 đến nay, quận Đống Đa đã tu bổ tổng thể, sửa chữa chống xuống cấp 15 di tích bằng nguồn kinh phí của quận và huy động xã hội hóa. Việc tu bổ, tôn tạo, sửa chữa di tích đều được thực hiện kịp thời, không để xảy ra tình trạng xuống cấp kéo dài, sập đổ di tích. Đồng thời đảm bảo theo đúng quy định, chất lượng, giữ được nguyên vẹn kiến trúc gốc của di tích.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời gian và tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ, khu vực khoanh vùng bảo vệ tại một số di tích không còn được bảo tồn nguyên trạng. Bên cạnh đó, hầu hết các di tích đã xếp hạng (vào thời điểm trước khi có Luật Di sản văn hóa - năm 2001) chưa được cắm mốc giới bảo vệ, gây khó khăn cho công tác quản lý. Công tác giáo dục truyền thống tại các di tích lịch sử cách mạng, kháng chiến luôn được quan tâm triển khai thực hiện.
Tuy vậy, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hoạt động giáo dục truyền thống tại các di tích có nhiều hạn chế. Hiện nay, quận đang triển khai xây dựng Bộ bài giảng “Lịch sử Đảng bộ quận Đống Đa”, trong đó có nội dung giới thiệu về các di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng kháng chiến nhằm phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống và hỗ trợ giảng dạy trong các trường phổ thông trên địa bàn.
Để giữ gìn, bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị các di sản văn hóa, không chỉ đòi hỏi trách nhiệm của chính quyền các cấp, ngành mà còn cần có sự chung tay của mỗi người dân trên địa bàn.
Theo Trưởng ban Quản lý Công viên văn hóa Đống Đa Lê Ngọc Tú, Di tích lịch sử gò Đống Đa (còn gọi là Công viên văn hóa Đống Đa) có tổng diện tích 22.120,8m2 và được xây dựng vào năm 1989 nhân kỷ niệm 200 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa với nhiều hạng mục như: Tượng đài vua Quang Trung, hệ thống phù điêu mô tả chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, nhà trưng bày giới thiệu về thân thế, sự nghiệp của Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ và chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa...
Được sự quan tâm của lãnh đạo TP và quận, năm 2015, khu di tích lịch sử gò Đống Đa đã được tu bổ, tôn tạo tổng thể bằng kinh phí xã hội hóa, nâng cấp chỉnh trang tượng đài Hoàng đế Quang Trung, hệ thống phù điêu, nhà trưng bày. Đồng thời bổ sung nhiều hạng mục quan trọng như: Đền thờ Hoàng đế Quang Trung, nghi môn… Qua đó đã tạo điều kiện để phát huy hơn nữa giá trị của di tích phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa của Nhân dân và bước đầu góp phần phát triển du lịch trên địa bàn quận.
Cầu nối giữa quá khứ và hiện tại
Trưởng phòng VH&TT quận Đống Đa Nguyễn Trọng Hải cho biết, những năm qua, nhất là từ khi Luật Di sản văn hóa có hiệu lực thi hành, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể quần chúng Nhân dân trên địa bàn quận phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên môn của T.Ư, TP đã tích cực triển khai công tác quản lý Nhà nước, tuyên truyền pháp luật về di sản văn hóa, giới thiệu, quảng bá giá trị các di tích lịch sử văn hóa và lễ hội truyền thống của quận Đống Đa với nhiều hình thức phong phú, thiết thực.
Năm 2019, quận Đống Đa đã xây dựng và tổ chức thực hiện Chuyên đề “Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, lễ hội truyền thống trên địa bàn quận giai đoạn 2019 - 2025, định hướng đến năm 2030”.
Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa kết hợp phát triển du lịch thông qua việc số hóa dữ liệu, xây dựng hệ thống tương tác 360 độ quảng bá di sản văn hóa và du lịch quận Đống Đa; xây dựng website Đống Đa 360 độ (dongda360.vn) cung cấp thông tin, hình ảnh về di sản văn hóa, 16 lễ hội truyền thống trên địa bàn quận.
Tổ chức biên soạn, phát hành cuốn cẩm nang du lịch Đống Đa “Di tích, lễ hội tiêu biểu”; định kỳ hàng tháng đăng tải các bài viết giới thiệu về di tích lịch sử văn hóa, lễ hội truyền thống trên cổng thông tin điện tử, fanpage, bản tin nội bộ quận; lắp đặt bảng giới thiệu lịch sử tại di tích...
Bên cạnh đó, quận đã triển khai thực hiện phong trào “Nhà trường tiên tiến – Học sinh mẫu mực” trên địa bàn với một trong những nội dung quan trọng là đưa học sinh các trường tiểu học và THCS đến tham quan, học tập tại các di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng tiêu biểu ở địa phương, nhằm giúp các em học sinh hiểu hơn về giá trị của các di tích.
Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng có thể nói, công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn quận Đống Đa đã trở thành cầu nối quan trọng giữa quá khứ với hiện tại trong việc truyền tải, nuôi dưỡng tinh thần tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước. Qua đó góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Cùng với ý nghĩa, giá trị của gò Đống Đa được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2019 thì việc Lễ hội truyền thống chùa Láng được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia mới đây vào 4/2022 và hệ thống di tích cấp Quốc gia đặc biệt (Văn Miếu - Quốc Tử Giám; Thăng Long tứ trấn - đền Kim Liên) sẽ là điều kiện tốt để quận Đống Đa phát huy giá trị các di sản văn hóa để phục vụ phát triển du lịch địa phương.