Quận Đống Đa tăng cường đầu tư xây dựng, cải tạo các chợ truyền thống

Nguyên Bảo
Chia sẻ Zalo

Thời gian qua, quận Đống Đa đẩy mạnh việc đầu tư cải tạo, xây dựng lại các chợ cũ, chợ truyền thống nhằm góp phần cải thiện điều kiện sống cho người dân và tạo dựng môi trường thương mại...

Không chỉ mang ý nghĩa kinh tế, chợ truyền thống còn mang ý nghĩa văn hóa, xã hội. Vì vậy, thời gian qua, quận Đống Đa đẩy mạnh việc đầu tư cải tạo, xây dựng lại các chợ cũ, chợ truyền thống nhằm góp phần cải thiện điều kiện sống cho người dân và tạo dựng môi trường thương mại đô thị văn minh, hiện đại.

Từng bước hoàn thiện mạng lưới chợ

Trên địa bàn quận Đống Đa hiện có 11 chợ thuộc hệ thống mạng lưới chợ của TP với 4 mô hình quản lý kinh doanh khai thác gồm: Ban Quản lý, UBND phường quản lý, DN và hợp tác xã. Hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại, đặc biệt là các chợ truyền thống đã đóng góp rất lớn trong việc cung ứng, lưu thông trao đổi mua bán hàng hóa, phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu cho Nhân dân trên địa bàn quận Đống Đa. Tuy nhiên thực tế cho thấy, một số chợ trên địa bàn quận Đống Đa hiện nay đã xuống cấp, thiếu trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy, không bảo đảm môi trường...

Để khắc phục những hạn chế cũng như góp phần thực hiện tốt Chương trình 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Hà Anh Tuấn cho biết, quận đã ban hành kế hoạch phát triển và quản lý chợ trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu mà quận đề ra là nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động chợ. Từng bước hoàn thiện mạng lưới chợ trên địa bàn quận.

Hiện trạng chợ Khâm Thiên trên địa bàn phường Khâm Thiên (quận Đống Đa) trước khi được thực hiện xây dựng, cải tạo. Ảnh: Nguyên Bảo
Hiện trạng chợ Khâm Thiên trên địa bàn phường Khâm Thiên (quận Đống Đa) trước khi được thực hiện xây dựng, cải tạo. Ảnh: Nguyên Bảo

Khắc phục kịp thời tình trạng xuống cấp và đầu tư, cải tạo, nâng cấp hạ tầng, cơ sở vật chất các chợ đảm bảo các yêu cầu về an toàn thực phẩm (ATTP), vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy, văn minh thương mại, thúc đẩy lưu thông hàng hóa, phục vụ tốt nhu cầu dân sinh và góp phần phát triển sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu bền vững cho phát triển kinh tế - xã hội của quận.

Quận Đống Đa phấn đấu đến hết năm 2025, 100% các chợ trên địa bàn được phê duyệt phương án giá sử dụng diện tích bán hàng, nội quy hoạt động, phương án bố trí, sắp xếp ngành hàng. Tập trung đầu tư xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp mở rộng các chợ đang hoạt động. Phấn đấu 100% các chợ được xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa bảo đảm tiêu chuẩn chợ ATTP theo quy định, đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh môi trường, phòng cháy, chữa cháy, văn minh thương mại, an ninh trật tự, hiệu quả kinh tế - xã hội của hoạt động chợ được nâng cao. Trong giai đoạn 2021 - 2025, quận đầu tư xây dựng mới lại 3 chợ đã được TP phê duyệt gồm: chợ Ngã Tư Sở, Kim Liên, Khâm Thiên.

Để hoàn thành kế hoạch đề ra, hằng năm, quận bố trí nguồn ngân sách để đầu tư xây mới, xây dựng lại, nâng cấp, cải tạo, mở rộng các chợ theo phân cấp quản lý. Trong đó, tập trung quan tâm đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở rộng các chợ đã xuống cấp, không đáp ứng được các quy định về phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường.

Đồng thời, đẩy mạnh tổ chức hội nghị kết nối DN, HTX với các ngân hàng, tổ chức tín dụng để tạo điều kiện cho các DN, HTX tiếp cận với nguồn vốn đầu tư phát triển chợ với lãi suất ưu đãi để thực hiện dự án đầu tư xây dựng chợ mới. Điển hình, sau thời gian triển khai các bước, đến nay đại đa số các hộ kinh doanh tại chợ Khâm Thiên và người dân đồng thuận với các phương án về xây dựng lại tại đây.

Bảo đảm công khai, minh bạch khi triển khai

Liên quan đến công tác triển khai xây dựng, cải tạo lại chợ Khâm Thiên, Phó Chủ tịch UBND phường Khâm Thiên Nguyễn Thúy Nga cho biết, thực hiện chỉ đạo của TP và quận Đống Đa, phường Khâm Thiên đã xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch về công khai phương án sắp xếp kinh doanh tại chợ sau khi xây dựng, cải tạo.

Phương án bố trí chợ tạm và sắp xếp kinh doanh tại chợ tạm trong thời gian đầu tư, xây dựng, cải tạo chợ. Phương án, chính sách hỗ trợ di chuyển chợ Khâm Thiên bằng nguồn vốn ngân sách trên địa bàn phường nhằm nâng cao tính minh bạch và khách quan. Lấy ý kiến đóng góp của thương nhân có quyền lợi, nghĩa vụ tại chợ để hoàn thiện và tối ưu dự thảo các phương án.

Đặc biệt, việc phường công khai phương án sắp xếp kinh doanh tại chợ sau khi xây dựng, cải tạo cũng nhằm phát huy dân chủ, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của thương nhân chợ Khâm Thiên. Tăng cường tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của đơn vị đầu tư trong công tác quản lý, đầu tư xây dựng, bảo đảm chất lượng công trình và để thương nhân tham gia giám sát, đánh giá theo quy định của pháp luật.

Theo đó, ngày 14/12/2023, phường Khâm Thiên đã tổ chức cuộc họp niêm yết công khai đối với toàn bộ các tiểu thương kinh doanh tại chợ Khâm Thiên và ban hành thông báo tổ chức công bố, niêm yết công khai phương án thiết kế kiến trúc sơ bộ chợ mới, hương án thiết kế kiến trúc sơ bộ chợ tạm, phương án chính sách hỗ trợ di chuyển chợ Khâm Thiên, danh sách các hộ tiểu thương có quyền lợi, nghĩa vụ tại chợ Khâm Thiên…

Bà Nguyễn Thúy Nga cho biết, sau thời gian 20 ngày niêm yết công khai theo quy định, phường đã thu nhận lại 42/42 mẫu phiếu lấy ý kiến phát ra cho các hộ kinh doanh tại chợ Khâm Thiên.

Theo đó, đại đa số các hộ kinh doanh tại chợ và người dân đồng thuận với các phương án. Người dân và các tiểu thương kinh doanh tại chợ Khâm Thiên đã nắm bắt được chủ trương, chỉ đạo của TP, quận Đống Đa trong công tác quản lý và phát triển chợ giai đoạn 2021 - 2025.

Đồng thời, hiểu được các nội dung chính của dự thảo các phương án sắp xếp kinh doanh tại chợ sau khi xây dựng, cải tạo; phương án bố trí chợ tạm và sắp xếp kinh doanh tại chợ tạm trong thời gian đầu tư, xây dựng, cải tạo chợ; phương án, chính sách hỗ trợ di chuyển chợ Khâm Thiên bằng nguồn vốn ngân sách.

 

Theo Kế hoạch Phát triển và quản lý chợ trên địa bàn TP năm 2024 đã được UBND TP Hà Nội ban hành, TP đặt mục tiêu đến hết năm 2024 sẽ có 95% các chợ được phê duyệt phương án giá sử dụng diện tích bán hàng theo quyết định phê duyệt giá mới của UBND TP. 100% các xã, phường, thị trấn hiện chưa có chợ nhưng có nhu cầu phát triển chợ được rà soát đưa vào danh mục mạng lưới chợ trên địa bàn TP. TP dự kiến, trong năm 2024 sẽ khởi công xây dựng 36 chợ mới và đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cấp 76 chợ hiện có.

 

“Chợ Khâm Thiên sau khi được đầu tư xây dựng lại vẫn giữ được bản chất của chợ dân sinh; đáp ứng được yêu cầu về hạ tầng kinh doanh tại chợ, khắc phục tình hình cơ sở vật chất các chợ đang xuống cấp; đáp ứng được các yêu cầu về ATTP, vệ sinh môi trường, phòng cháy, chữa cháy, văn minh thương mại, an ninh trật tự. Qua đó, phục vụ tốt nhu cầu thiết yếu của Nhân dân và giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc trên địa bàn. Bên cạnh đó, toàn bộ hệ thống chính trị và khu dân cư phường Khâm Thiên cùng tham gia, vào cuộc nên việc triển khai công tác đầu tư xây dựng lại chợ Khâm Thiên tạo được sự đồng thuận cao của đại đa số người dân và các tiểu thương kinh doanh” -  bà Nguyễn Thúy Nga chia sẻ.