Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quận Đống Đa: Thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện trong giáo dục

Nguyên Bảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 2022-2023 là năm học đánh dấu sự hồi sinh của giáo dục Đống Đa nói riêng và Thủ đô nói chung sau đại dịch. Với sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ giáo viên toàn ngành, giáo dục quận Đống Đa đã thích ứng nhanh để tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm.

12/13 chỉ tiêu xếp loại Xuất sắc

Trưởng phòng GD&ĐT quận Đống Đa Trịnh Đan Ly cho biết, toàn quận có 82 trường công lập, ngoài công lập và 74 điểm lớp, nhóm trẻ độc lập tư thục. Trong đó, các trường công lập hiện có 63 trường, 1.772 lớp, 58.058 học sinh, 3.957 cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Lãnh đạo Sở Giáo dục & Đào tạo TP Hà Nội và quận Đống Đa chúc mừng Ngành giáo dục quận nhân kỷ niệm 41 năm ngày Nhà giáo Việt Nam.
Lãnh đạo Sở Giáo dục & Đào tạo TP Hà Nội và quận Đống Đa chúc mừng Ngành giáo dục quận nhân kỷ niệm 41 năm ngày Nhà giáo Việt Nam.

Năm học 2022 – 2023, toàn ngành giáo dục quận Đống Đa đã thực hiện đầy đủ nghiêm túc quy chế chuyên môn, quan tâm đổi mới dạy học và tổ chức các phong trào nâng cao chất lượng giáo dục. Tổ chức tốt các hoạt động giáo dục đạo đức, truyền thống và pháp luật. Quy mô và chất lượng giáo dục toàn diện tiếp tục được giữ vững và phát triển. Trong năm học 2022 – 2023, Ngành giáo dục của quận tiếp tục là một trong các đơn vị dẫn đầu TP về thành tích học sinh giỏi, giáo viên giỏi; có nhiều tập thể và cá nhân cán bộ giáo viên, học sinh đạt thành tích xuất sắc được ghi nhận và khen thưởng. Cụ thể, có 14 giáo viên dạy giỏi cấp TP. Về học sinh có 49 em đoạt giải quốc tế, quốc gia; 141 giải học sinh giỏi cấp TP và 472 giải học sinh giỏi cấp quận.

Tính đến tháng 7/2023, số trường chuẩn quốc gia trên địa bàn 42/63 trường (đạt tỷ lệ 66,67%). Năm 2023, quận phấn đấu công nhận mới 5 trường và công nhận lại 2 trường. Hiện nay, đã tiến hành đánh giá để công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục và chuẩn quốc gia đối với 3 trường và đang tiến hành đề nghị đánh giá 2 trường.

Với những nỗ lực, cố gắng, tập thể Phòng GD&ĐT quận tiếp tục được Sở GD&ĐT ghi nhận 12/13 chỉ tiêu xếp loại Xuất sắc và giữ vững chỉ tiêu so với năm học trước. Đây cũng là năm thực hiện nhiều mô hình tiêu biểu, nhiều chương trình điểm của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT và quận đã được triển khai thành công…

Bảo đảm chất lượng dạy và học

Theo Trưởng phòng GD&ĐT quận Đống Đa Trịnh Đan Ly, ngành giáo dục quận sẽ phấn đấu thực hiện và đạt kết quả cao nhất các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024. Theo đó, thực hiện tốt 10 nhiệm vụ trọng tâm và 6 nhóm giải pháp để góp phần thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục quận Đống Đa.

Cụ thể, tiếp tục tham mưu xây dựng kế hoạch, phương án tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng để có đủ giáo viên, bảo đảm chất lượng dạy học các môn học bắt buộc theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Phấn đấu đến hết năm 2023, 100% giáo viên các cấp học đạt chuẩn theo luật giáo dục 2019. Rà soát quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp học gắn với các điều kiện đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Ngoài ra, đẩy nhanh tiến độ xây mới các trường học, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2015-2030, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường lớp theo hướng đồng bộ, chuẩn hoá và hiện đại. Phát huy hiệu quả mô hình chuyển đổi số trong các nhà trường vào công tác kiểm tra, hạn chế việc sử dụng hồ sơ giấy trong công tác quản lý.

Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì thực hiện tốt các dự án đang được triển khai hiệu quả tại quận như: Dự án Thư viện số, Phát triển văn hóa đọc, Mô hình giáo dục Di sản, Giáo dục truyền thống, Triển khai tích hợp giảng dạy Bộ tài liệu Lịch sử Đảng bộ quận Đống Đa, Kết nghĩa với các quận huyện trong thành phố triển khai Phong trào “ Nhà trường cùng chung tay phát triển- Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm”, lan tỏa sâu rộng phong trào với các Cụm trường công lập, ngoài công lập trên địa bàn quận; Nhà trường dân chủ thân thiện và bình đẳng; Trường học hạnh phúc; Lớp học thông minh; Dự án STEM…

Thực hiện tốt quy chế dân chủ trong trường học và làm tốt công tác truyền thông để tạo sự đồng thuận của cán bộ, giáo viên, cha mẹ học sinh và toàn xã hội trong đổi mới giáo dục và đào tạo…