Chương trình OCOP là một chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng nội lực và gia tăng giá trị. Trọng tâm của chương trình là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị và do các thành phần kinh tế tư nhân, tập thể thực hiện. Đây là nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Cụ thể, chương trình OCOP tập trung vào một số sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu thuộc các nhóm sản phẩm như: Thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải, may mặc, lưu niệm, nội thất, trang trí… đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Theo kế hoạch, mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất một sản phẩm tổ chức phát triển sản xuất theo chương trình OCOP đạt quy mô hàng hóa, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất nông nghiệp an toàn, thực hành nông nghiệp tốt (GAP) hoặc đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành khác.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được giới thiệu những khái niệm cơ bản trong chương trình OCOP; mục tiêu và nội dung cơ bản của chương trình; hệ thống tổ chức và nhân sự chương trình OCOP; bộ tiêu chí đánh giá và phân hạng sản phẩm…
Theo Văn phòng điều phối nông thôn mới Hà Nội, trong thời gian tới, để chương trình OCOP đạt mục tiêu đề ra, quận Đống Đa cần tập trung tuyên truyền sâu rộng trong các phương tiện thông tin đại chúng để cán bộ, đảng viên và người dân nhận thức, giá trị kinh tế, giá trị nhân văn của chương trình. Đào tạo, tập huấn kiến thức cho đội ngũ cán bộ quản lý quận và lãnh đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất trên địa bàn tham gia chương trình. Thông qua tuyên truyền, huy động nguồn lực cho chương trình một cách hiệu quả.