Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quận Hà Đông đưa công nghệ tới từng người dân

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyển đổi số giờ đây đã len lỏi vào từng nhà dân, người dân trên địa bàn quận Hà Đông. Có được kết quả đó là nhờ sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ quận đến phường.

Tập trung lực lượng hỗ trợ dân

Những ngày này, trên các tuyến phố, ngõ của Hà Đông xuất hiện hình ảnh các Đoàn viên, thanh niên tình nguyện đến từng nhà, cửa hàng, hướng dẫn cho người dân lập tài khoản làm các thủ tục hành chính (TTHC) trên cổng thông tin điện tử quốc gia, lập tài khoản mã hóa thanh toán QR code; số hóa các điểm du lịch, khu di tích trên địa bàn.

Người dân hoạt động kinh doanh được các đoàn viên, thanh niên hướng dẫn đăng ký mã QR code để thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh: Bích Hời
Người dân hoạt động kinh doanh được các đoàn viên, thanh niên hướng dẫn đăng ký mã QR code để thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh: Bích Hời

Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phường Dương Nội, quận Hà Đông Nguyễn Thị Tuyết Nhung cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của quận Hà Đông, Đoàn thanh niên (ĐTN) phường Dương Nội xác định là lực lượng nòng cốt trong việc hướng dẫn người dân chuyển đổi số, ngay từ đầu tháng 9 chúng tôi đã ra quân để hỗ trợ công dân trong lĩnh vực chuyển đổi số (CĐS) này. Hiện,

 

Quận Hà Đông có 80% dịch vụ công đạt mức độ 3 và 4 trên tổng số 244 TTHC cấp quận và 152 TTHC cấp phường. 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 phổ biến, liên quan đến nhiều người dân, DN được tích hợp lên hệ thống thông tin dùng chung 3 cấp của TP được xác thực điện tử.

Đoàn Thanh niên đang hỗ trợ người dân tạo tài khoản trên cổng dịch vụ công (DVC) và hỗ trợ các hộ kinh doanh thực hiện hình thức thanh toán điện tử. Mới đầu, người dân còn nhiều bỡ ngỡ và ngại thực hiện. Nhưng sau một thời gian tuyên truyền vận động, thì người dân đã rất phẩn khởi và tích cực thực hiện CĐS”.

Để triển khai tích cực Đề án 06 của Chính phủ, quận Hà Đông đã tổ chức lớp bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, trong đó có chuyên đề CĐS cho tất cả các cán bộ là lãnh đạo chủ chốt từ cấp phòng, ban và 17 phường, với thời gian 2 tháng. Trên cơ sở đó, làm chuyển biến từ nhận thức đến hành động của ncác lãnh đạo chủ chốt trong việc CĐS. Quận và 17 phường đã chỉ đạo, giao cho ĐTN làm nòng cốt trong việc hướng dẫn người dân thực hiện CĐS.

“UBND phường Phú La đã chỉ đạo trên các nhóm Zalo của tổ dân phố, huy động các hội đoàn thể của phường vào cuộc để tuyên truyền vận động người dân CĐS. Phường huy động Đoàn viên thanh niên ra quân để hướng dẫn người dân thực hiện các DVC trên hệ thống của DVC Quốc gia. Từ khi triển khai Đề án 06, người dân trên địa bàn phường rất thuận lợi trong việc thực hiện các DVC trên Cổng DVC Quốc gia, cũng như của TP Hà Nội. Người dân không phải đi lại nhiều lần"- Phó Chủ tịch UBND phường Phú La, quận Hà Đông Nguyễn Phương Anh chia sẻ.

“Hưởng ứng ngày CĐS Quốc gia 10/10 và thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, ngay từ đầu tháng 10, Quận đoàn Hà Đông đã tổ chức tập huấn và ra quân đội hình thanh niên hỗ trợ CĐS cộng đồng. Từng phường, Đoàn viên Thanh niên đã chia ra các nhóm đến từng nhà dân, DN phát tờ rơi, hướng dẫn người dân lập tài khoản trên cổng DVC quốc gia để thực hiện giao dịch TTHC. Đồng thời hỗ trợ DN, người dân đăng ký mã QR thanh toán trong hoạt động kinh doanh, sản xuất không dùng tiền mặt”- Bí thư Quận đoàn Hà Đông Nguyễn Hoàng Trang cho biết.

Chuyển biến rõ nét

Ông Đoàn Công Khoa, Tổ dân phố Thắng Lợi, phường Dương Nội, quận Hà Đông được các Đoàn viên thanh niên phường hướng dẫn đăng ký tài khoản làm các TTHC trên cổng thông tin điện tử Quốc gia. Sau đó ông chỉ cần mở máy điện thoại làm các thao tác để gửi TTHC trong DVC thiết yếu được tích hợp lên DVC quốc gia theo Đề án 06 của Chính phủ. Thời gian thực hiện nhanh chóng và không phải đi ra bộ phận một cửa.

Phó Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phường Dương Nội Nguyễn Văn Kiên hướng dẫn công dân mở tài khoản giao dịch TTCH trực tuyến. Ảnh: Bích Hời
Phó Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phường Dương Nội Nguyễn Văn Kiên hướng dẫn công dân mở tài khoản giao dịch TTCH trực tuyến. Ảnh: Bích Hời

Ông Khoa phấn khởi chia sẻ: “Tôi được các bạn Đoàn viên thanh niên hướng dẫn tạo tài khoản làm DVC trực tuyến. Các bạn rất nhiệt tình, năng nổ, đến tận nơi, từng địa bàn, nhà dân để tuyên truyền cho bà con, nắm được chủ trương của Chính phủ và TP, những cái lợi ích người dân được hưởng khi làm DVC trực tuyến. Tôi thấy rất tiện lợi và hiệu quả cao. Từ nay tôi ở nhà hay bất kỳ nơi đâu cũng đăng ký được nhiều danh mục trong DVC. Trước kia, tôi đi làm các TTHC như thế này phải mất cả buổi sáng, hoặc là chờ không biết khi nào đến lượt. Nhưng bây giờ chúng tôi cứ đăng ký ở nhà, khi nào có kết quả là được gọi đến lấy. DVC trực tuyến giúp giảm tải cả về tiền bạc và công sức cho các cơ quan Nhà nước cũng như công dân”.

Theo Trưởng phòng Tư pháp, quận Hà Đông Trần Mạnh Hải: “Trong thời gian vừa qua, phòng Tư Pháp và UBND 17 phường chúng tôi đã triển khai một cách đồng bộ, tích cực, hiện quả về công tác CĐS. Đúng ngày 1/6/2022 chúng tôi đã triển khai được chứng thực, bản sao điện tử ở cấp quận và 17 phường. Qua 3 tháng triển khai thực hiện được trên 2.700 thủ tục chứng thực điện tử trên cổng DVC. Cũng từ 1/7/2022 chúng tôi đã triển khai trên cổng DVC quốc gia 3 thủ tục thiết yếu là khai sinh, khai tử, kết hôn. Đến nay chúng tôi đã thực hiện được trên 6.000 hồ sơ kể trên”.

Nhìn chung, CĐS bước đầu trên địa bàn quận Hà Đông đã được các cán bộ, Nhân dân đánh giá cao, người dân phấn khởi. Các cơ quan chức năng đã triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động, cũng như giải quyết TTHC cho người dân thể hiện sự minh bạnh, công khai, tránh cho người dân phải đi lại nhiều lần và mất thời gian phải chờ đợi. Cụ thể, việc chứng thực các giấy tờ bản chính, người dân chỉ phải chứng thực một lần và lưu trữ mãi mãi. Sau này tất cả các cơ quan có thể khai thác dữ liệu trên cổng DVC quốc gia, người dân không phải thực hiện lần thứ 2 nữa.

Việc số hóa dữ liệu hộ tịch được triển khai, sau này cũng tiện lợi rất nhiều cho việc khai thác của các cơ quan chức năng cũng như đáp ứng yêu cầu nguyện vọng giảm bớt TTHC của người dân. Việc sử dụng quét mã QR code trong thanh toán và các dịch vụ khác của đời sống hằng ngày đang mang lại rất nhiều tiện ích. Cụ thể, giảm tải việc lưu thông tiền mặt. Người dân thuận lợi ở mọi lúc, mọi nơi khi có nhu cầu thanh toán trong mua sắm hay trả tiền cho các dịch vụ thiết yếu trong nhu cầu của cuộc sống.

Đến nay, 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 của Chính phủ đang được quận triển khai số hóa trên địa bàn, khi người dân thực hiện giải quyết TTHC tại Bộ phận một cửa từ ngày 1 tháng 7 năm 2022 thì không phải khai báo, cung cấp lại vào những lần sau. Các cơ quan khác có thể sử dụng dữ liệu đó dùng chung. Công dân đến bộ phận Một cửa chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã QR sẽ tìm hiểu được các dịch vụ công tại cổng dịch vụ công quốc gia và thao tác ngay trên điện thoại.

Có thể thấy, CĐS quốc gia đã không còn xa vời, mà từng cán bộ, công chức, người lao động cũng như mọi người dân trên địa bàn Hà Đông đã và đang cảm nhận thấy rõ nét sự chuyển biến của công nghệ số trong đời sống hàng ngày.

 

Chỉ trong 2 tuần, quận đoàn Hà Đông đã giúp người dân tạo hơn 2.000 tài khoản thanh toán điện tử và hơn 1.000 tài khoản dịch vụ công trực tuyến. Số hóa 3 khu di tích lịch sử, danh thắng nhằm tạo điều kiện cho các địa phương đẩy mạnh quảng bá, lịch sử, du lịch tâm linh đến du khách trên môi trường mạng. 100% các cơ quan Nhà nước trên địa bàn được cấp và sử dụng thành thạo thường xuyên, liên tục, hằng ngày hòm thư công vụ, trong đó 90% hồ sơ công việc tại UBND quận và 60% hồ sơ công việc tại cấp phường được xử lý trên môi trường mạng.