Sau 20 năm thực hiện Nghị định số 78, các tổ chức chính trị xã hội quận đang Hà Đông phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) tham gia quản lý 347.199 triệu đồng, chiếm 93,7%/tổng dư nợ toàn quận, thông qua 162 tổ tiết kiệm và vay vốn. Tổng dư nợ 6 chương trình tín dụng đến hết tháng 5/2022 đạt 370,3 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm là 20,7%; bình quân dư nợ 56 triệu đồng/khách hàng, tăng 52,5 triệu đồng/khách hàng so với khi thành lập.
NHCSXH quận đã giúp 15.520 lượt hộ nghèo, 4.810 hộ thoát nghèo vay vốn, giải quyết việc làm cho trên 25.098 lao động, giúp hàng nghìn hộ vượt qua được khó khăn, mở rộng quy mô sản xuất, cải thiện, ổn định và nâng cao mức sống, thu hẹp khoảng cách giàu, nghèo. Đến hết tháng 5/2022 trên địa bàn quận không còn hộ nghèo, không còn hộ dư nợ.
Phát biểu tại hội nghị, đại diện các tổ chức chính trị và đối tượng thụ hưởng chính sách đánh giá, trong 20 năm qua nhờ vào nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã tác động mạnh tới sự phát triển kinh tế xã hội của quận, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch về giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, phục hồi, phát triển kinh tế nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, giúp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, giúp hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trên địa bàn.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH Hà Nội, thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH thành phố bà Lê Thị Đức Hạnh ghi nhận và biểu dương đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, các tập thể, cá nhân liên quan và tập thể lãnh đạo, cán bộ NHCSXH quận Hà Đông trong triển khai tổ chức thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn.
Trong thời gian tới, để nguồn vốn tín dụng chính sách tiếp tục phát huy hiệu quả, Ban đại diện HĐQT NHCSXH quận cần quan tâm dành nguồn lực cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội, đưa việc bố trí ngân sách chuyển vốn ủy thác qua NHCSXH quận hằng năm để bổ sung nguồn vốn cho vay, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của các đối tượng chính sách trên địa bàn; tổ chức giải ngân kịp thời vốn thu hồi và vốn được thông báo bổ xung đến đúng đối tượng; gắn triển khai tín dụng chính sách xã hội với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn quận.
Cùng với đó, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các điểm giao dịch tại phường, chất lượng, hoạt động ủy thác cho vay qua các tổ chức chính trị- xã hội và đặc biệt là hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn, bảo đảm hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ…
Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Phạm Thị Hòa cho biết, để thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác giai đoạn tiếp theo đến năm 2030, quận phấn đấu tăng trưởng bình quân mỗi năm khoảng 8 - 10%, riêng nguồn vốn ủy thác từ NHCSXH quận phấn đấu tăng trưởng hằng năm ít nhất là 5 tỷ đồng; tăng trưởng dư nợ bình quân hằng năm 8 - 10%; hiệu suất sử dụng vốn đạt 99%.
Quận tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp trong chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội, nhất là vai trò, trách nhiệm của chủ tịch UBND các phường. Mặt khác, tập trung nguồn lực, bố trí ngân sách quận chuyển vốn hằng năm cho Phòng giao dịch NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay; tổ chức giải ngân kịp thời vốn thu hồi và vốn được bổ sung; duy trì và phát huy hiệu quả mô hình và phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội.