Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quận Hà Đông hỗ trợ những người khuyết tật vượt qua dịch Covid-19

Bài và ảnh: Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bình thường, những người khuyết tật, yếu thế là đối tượng đã gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Và dịch bệnh kéo dài, thiếu việc làm, sản phẩm làm ra không bán được càng ảnh hưởng đến bữa cơm hàng ngày của họ. Trước thực trạng này, quận Hà Đông đã có những giải pháp thiết thực để giúp đỡ họ.

 Bà Nguyệt cùng các chị em trong Hội Phụ nữ phường Quang Trung mua chổi cho Hội người mù.

Lá lành đùm lá rách
Chủ tịch Hội Người mù quận Hà Đông Bạch Quang Khải chia sẻ: Hội có trên 200 người mù. Hội có xây dựng 1 Hợp tác xã sản xuất tăm tre, chổi đót để bà con bán lấy thu nhập chi tiêu hàng ngày. Nhưng kể từ khi thực hiện cách ly xã hội, các sản phẩm do họ làm ra tồn lại, khiến hàng trăm chiếc chổi, hàng nghìn gói tăm tre đóng kho. Mức lương của họ cũng chỉ được trên dưới 1 triệu đồng/người/tháng. Do sản phẩm bị tồn ứ, cuộc sống của hơn 30 người lao động đang bị ảnh hưởng.
Nắm bắt được vấn đề này, Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Hà Đông đã phát động các Chi hội Phụ nữ phường mua chổi đót, tăm tre ủng hộ cho người mù. Chỉ trong mấy ngày, hàng trăm chiếc chổi, hàng nghìn gói tăm đã được chị em mua hết. Không chỉ có vậy, quận còn hỗ trợ mỗi người 10kg gạo.
Bà Nguyệt ở tổ dân phố 14, phường Quang Trung chia sẻ: "Hôm nay tôi mua 30 cái chổi, mỗi cái 50.000 và 500.000 đồng tiền tăm về bán giúp cho những người khuyết tật. Tất cả hàng hóa của họ đều do dịch bệnh không bán được. Bình thường họ bươn chải được trong cuộc sống đã quá khó khăn, nhưng bây giờ khó khăn rất nhiều, mình nên tương trợ, giúp đỡ, lá lành đùm lá rách. Người khỏe nên chia sẻ với người yếu thế để cuộc sống của họ bình ổn."
 Ông Nguyễn Đức Hải.
Cần được lan tỏa yêu thương bền vững
Ông Nguyễn Đức Hải, bị tật nguyền ở tay. Ông may mắn hơn những người khác được Hợp tác xã (HTX) Vụn ART nhận vào làm công việc đơn giản là xâu nhãn mác cho sản phẩm tranh lụa.
Những ngày dịch bệnh, HTX cố gắng giữ việc làm cho người khuyết tật, nhằm giúp cho họ có lương để trang trải cuộc sống. Thế nhưng, sản phẩm sản xuất ra cũng không bán được bởi cách ly xã hội. Được nhận được tiền và gạo của quận Hà Đông, Hội Phụ nữ và những nhà hảo tâm, ông thực sự xúc động.
Chị Bùi Thị Lương - đại diện nhóm thiện nguyện Hà Đông đến tặng gạo người khuyết tật tại HTX Vụn ART chia sẻ: "Trước kia, nhóm chuyên nấu cơm ở Bệnh viện K2 Tân Triều giúp bệnh nhân khó khăn. Những ngày giãn cách xã hội, mọi người trong nhóm không đi nấu cơm đưa vào viện được. Nhưng nghĩ đến cảnh nhiều người gặp khó khăn, mọi người đã mua gạo để chia sẻ khó khăn cùng cộng đồng, để không ai bị bỏ lại phía sau".
Ông Nguyễn Việt Cường - Giám đốc HTX Vụn ART kinh phí hỗ trợ người  khuyết tật từ đại diện Ủy ban MTTQ quận Hà Đông và Hội Phụ nữ quậm Hà Đông.

Giám đốc HTX Vụn ART Nguyễn Việt Cường cho biết: Những ngày giãn cách xã hội, Công ty không bán được hàng nên phải cắt giảm 1/2 lương của công nhân. Mặc dù lương của công nhân không cao, chỉ 2 - 3 triệu đồng/người/tháng nhưng vẫn phải cắt giảm.
"Rất may, các cấp chính quyền, đoàn thể đã tặng khẩu trang, nước khử khuẩn, gạo, tiền, giúp cho Công ty cũng như công nhân đảm bảo được đời sống trong đợt dịch bệnh" - ông Việt Cường chia sẻ.
Ông Việt Cường cho biết thêm: "HTX dù đã giảm 1/2 lương của công nhân, nhưng cũng chỉ cố gắng trả lương được khoảng 2 - 3 tháng nữa. Ngoài lương, HTX còn cung cấp 1 bữa trưa. Hiện tại, HTX và lao động nhận được những chia sẻ của cộng đồng là rất quý. Nhưng hết dịch bệnh, sản phẩm không bán được sẽ không biết phải duy trì DN như thế nào" - ông Việt Cường cũng mong muốn được các cơ quan, DN hỗ trợ mua sản phẩm của công ty.
 Những người khuyết tật mong muốn nhận được sự hỗ trợ đồng lòng của các cấp ủy, chính quyền để họ có cuộc sống bền vững. Ảnh chụp tại Hợp tác xã sản xuất chổi đót của người mù trước khi thực hiện giãn cách xã hội.

Mong muốn của ông Cường cũng là chia sẻ của Chủ tịch Hội người mù quận Hà Đông Bạch Quang Khải: Người mù làm ra sản phẩm không được đẹp như người lành lặn, sản phẩm bán sẽ khó hơn và không có chỗ tiêu thụ, chủ yếu là đi bán hàng rong. Nếu các cấp chính quyền chia sẻ, có giải pháp tiêu thụ sản phẩm bền vững cho người mù, đó là cách lan tỏa yêu thương vững chắc đến với những người yếu thế trong cộng đồng.