Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quận Hai Bà Trưng: đột phá trong cải cách hành chính

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị trong công tác cải cách hành chính (CCHC), quận Hai Bà Trưng đã nâng thứ hạng từ 29 lên 16 trong khối quận, huyện trên bảng xếp hạng Chỉ số CCHC của TP Hà Nội năm 2023.

Công dân quét mã QR để trả phí giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Thùy Linh
Công dân quét mã QR để trả phí giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Thùy Linh

Song, để tiếp tục nâng cao thứ hạng này, lãnh đạo quận khẳng định không thể tự bằng lòng với những gì đã đạt được mà luôn xác định CCHC là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm.

Nhiều sáng kiến phát huy hiệu quả thực tế

Từ những giải pháp quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, kết quả nổi bật trong công tác CCHC tại quận Hai Bà Trưng năm qua là nhiều mô hình, sáng kiến, cách làm hay trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) đã được đề xuất, áp dụng trong thực tiễn từ cấp quận đến 18/18 phường, nhằm tạo môi trường lành mạnh thúc đẩy kinh tế cũng như mang tới những tiện ích lớn không chỉ cho người dân, DN mà cả đội ngũ cán bộ, công chức.

Trong đó, đáng chú ý, với sáng kiến “Ngày thứ Tư tốc ký” triển khai tại bộ phận một cửa UBND quận từ tháng 7/2023, thứ Tư hàng tuần, công dân đến thực hiện TTHC cấp bản sao trích lục hộ tịch sẽ được xử lý theo tinh thần “Tốc ký”.

Cụ thể, quy định giải quyết thủ tục mất 8 giờ nhưng công dân chỉ mất tối đa 2 giờ kể từ lúc nộp hồ sơ là được nhận kết quả. Mô hình được người dân hào hứng đón nhận, với lượng giao dịch hành chính vào mỗi thứ Tư tăng cao, trung bình mỗi tháng tiếp nhận, giải quyết gần 100 hồ sơ, đều được trả kết quả sau chưa tới 1 giờ làm việc.

“Người dân rất hài lòng vì thời gian chờ nhận kết quả nhanh gọn hơn trước nhiều. Thực tế cho thấy sáng kiến giúp tiết kiệm đáng kể thời gian, chi phí cho cả cán bộ và người dân” - công chức bộ phận một cửa quận Hai Bà Trưng Phạm Xuân Anh cho hay.

Bên cạnh đó, Văn phòng HĐND&UBND quận đã tham mưu UBND quận từ ngày 1/8/2023 triển khai giải quyết hồ sơ TTHC liên thông cùng cấp “Một hồ sơ, ba kết quả”: người dân muốn được cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, đăng ký thuế và giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, trước kia phải thực hiện lần lượt từng TTHC thì nay chỉ cần một lần nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa quận, sẽ nhận về cả 3 kết quả TTHC.

Đặc biệt, việc cấp hồ sơ liên thông rút ngắn thời gian giải quyết từ 15 xuống còn 13 ngày làm việc đối với cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản, 20 xuống còn 18 ngày làm việc với cơ sở sản xuất thực phẩm lĩnh vực y tế; với 100% hồ sơ đã được thực hiện đúng quy định, không quá hạn.

Từ những sáng kiến tại quận, nhiều cách làm hay đã lan tỏa tại UBND các phường. Tiêu biểu, phường Phạm Đình Hổ có “Ngày thứ Ba không hẹn và ngày thứ Sáu không chờ”; phường Đồng Tâm có “Một số giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa”; phường Quỳnh Lôi có “Ngày thứ Tư hạnh phúc”; UBND phường Trương Định triển khai “Đồng phục các ngày trong tuần”; phường Vĩnh Tuy có mô hình “Phục vụ tại nhà áp dụng với TTHC lĩnh vực chứng thực chữ ký cho người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng”…

Anh Nguyễn Tiến Thắng (trú tại A9, tập thể 128C Đại La) làm thủ tục xin cấp bản sao giấy khai tử cho người nhà tại bộ phận một cửa phường Đồng Tâm chia sẻ: “Công chức hướng dẫn nhiệt tình, giải quyết nhanh gọn. Nhất là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào CCHC, như quét mã để trả phí giải quyết TTHC, mang lại thuận tiện rõ rệt cho công dân”.

Không tự bằng lòng

Nhằm ngày càng nâng cao sự hài lòng của người dân, DN đối với sự phục vụ của chính quyền, từ cấp quận đến các phường đang đặt quyết tâm nỗ lực không ngừng trong CCHC, không tự bằng lòng với kết quả đã đạt được.

“Với xếp hạng thứ 3/18 phường trong Chỉ số CCHC năm 2023, năm nay, UBND phường sẽ triển khai mạnh mẽ đề án số hóa trong tiếp nhận giải quyết TTHC, phát triển chữ ký số cá nhân của công dân… và đặc biệt duy trì tốt mô hình “TTHC không chờ” gồm 5 TTHC trả kết quả ngay nếu đủ điều kiện”- Phó Chủ tịch UBND phường Quỳnh Mai Nguyễn Thị Hồng Nhung chia sẻ.

Còn theo lãnh đạo phường Đống Mác, một giải pháp được UBND phường tiếp tục chú trọng là với trường hợp người già, ốm đau không ra trụ sở được, lãnh đạo phường sẽ ủy quyền cán bộ đến tận nhà giải quyết cho những thủ tục hưởng chế độ trợ cấp, nhận lương hưu...

Năm 2024, UBND quận Hai Bà Trưng phấn đấu mức độ hài lòng về sự phục vụ hành chính của cơ quan Nhà nước thuộc quận đạt tối thiểu 90%; Chỉ số CCHC của quận tăng tối thiểu 2 bậc so với năm ngoái; 100% số hồ sơ TTHC một cửa, một cửa liên thông được trả kết quả giải quyết đúng hoặc trước hạn; 70% hồ sơ được xử lý hoàn toàn trực tuyến…

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Quang Trung khẳng định, để tiếp tục nâng cao thứ hạng CCHC, quận sẽ tập trung vào 14 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, với những hạn chế được chỉ ra trong Bộ chỉ số chấm điểm CCHC do TP đánh giá đối với quận năm 2023, lãnh đạo quận đã đề nghị các phòng chuyên môn khẩn trương tham mưu UBND quận giải pháp tổ chức khắc phục.

“Quận sẽ chú trọng những giải pháp nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong phục vụ người dân, DN với mục tiêu “lấy sự hài lòng của người dân là thước đo đánh giá việc giải quyết TTHC của cơ quan hành chính”.

Đặc biệt, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong đối thoại tiếp xúc với Nhân dân và giải quyết vấn đề dư luận quan tâm; tăng kiểm tra công vụ, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm”- ông Nguyễn Quang Trung nhấn mạnh. 

 

Đến nay, quận Hai Bà Trưng đã đạt 100% hồ sơ TTHC cấp quận được giải quyết đúng hoặc trước hạn; 100% TTHC, dịch vụ công được đưa ra tiếp nhận tại các bộ phận một cửa; tỷ lệ người dân hài lòng về chất lượng giải quyết TTHC đạt trên 99%...