Đỡ tốn thời gian, công sức
Tại buổi khai trương, ông Phạm Quang Minh (số 12 Triệu Việt Vương) là công dân đầu tiên đến để xin xác nhận tình trạng hôn nhân cho con làm giấy tờ đi nước ngoài phấn khởi chia sẻ: “Dù không rành về công nghệ thông tin nhưng được hướng dẫn tỉ mỉ, tôi đã thực hiện được thủ tục trực tuyến. Tôi mong TP tạo điều kiện cho phường nào cũng có những điểm như thế này, bởi rất tiện cho người dân, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính (TTHC)”.
Tiên phong trong 20 phường trong thí điểm mô hình, UBND phường Bùi Thị Xuân được các cán bộ cơ sở phối hợp chặt chẽ, lại được ủng hộ xã hội hóa (XHH) của người dân, DN tài trợ một phần cơ sở vật chất. Đạt được điều đó, cũng do phường đã đẩy mạnh tuyên truyền trong các hội nghị Nhân dân về tiện ích của DVCTT, tác dụng thiết thực của các điểm truy cập ngay tại khu dân cư. Thực tế khi mới triển khai DVCTT mức 3 lĩnh vực tư pháp - hộ tịch (tháng 8/2016), đa số người dân, nhất là người cao tuổi vẫn quen cách truyền thống là đến "một cửa" nộp hồ sơ trực tiếp. Phường đã tuyên truyền lồng ghép trong các hội nghị của Đảng, chính quyền, đoàn thể; dán tờ hướng dẫn thực hiện từng TTHC, bố trí cán bộ trực tiếp hướng dẫn công dân… nên hiện nhiều người đã nhận thức rõ, sử dụng DVCTT. Đến nay, phường tiếp nhận gần 500 hồ sơ trực tuyến, trong đó nhiều nhất là xác nhận tình trạng hôn nhân, khai sinh, khai tử, trích lục hộ tịch, đăng ký kết hôn.
Nhằm nâng cao chất lượng giải quyết TTHC, tháng 1/2018 phường đã thành lập Ban Quản lý NVH địa bàn dân cư số 1 và vận hành điểm truy cập, kê khai DVCTT mức độ 3; giao 2 đoàn viên thay nhau trực buổi sáng (từ thứ Hai - thứ Bảy) để hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến thuộc 8 TTHC về tư pháp - hộ tịch. “Điểm truy cập gần nhà, người dân đỡ phải ra UBND phường chờ đợi, mất thời gian, công sức; lại giảm tải cho cán bộ phường vì trụ sở chật hẹp. Mô hình mới, song chúng tôi được người dân ủng hộ nên không gặp khó khăn. Điều này cũng thể hiện ngay trong buổi khai trương, đã có một số công dân làm TTHC. Theo cơ chế vận động XHH và quan trọng không phải sử dụng cán bộ công chức mà huy động đoàn viên (hỗ trợ 750.000 đồng/người/tháng), lại mang tới lợi ích thiết thực cho người dân” - Chủ tịch UBND phường Nguyễn Thị Huệ cho hay.
Mỗi địa bàn có một điểm truy cập
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Trưởng phòng Tư pháp quận Hai Bà Trưng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: Xác định đẩy mạnh DVCTT, tạo thuận lợi nhất cho người dân giải quyết TTHC là nhiệm vụ trọng tâm nhằm thực hiện chủ đề năm 2018 của TP, từ mô hình thí điểm này, quận sẽ nhân rộng để mọi địa bàn dân cư đều có một điểm truy cập tại NVH và giao Đoàn thanh niên phụ trách (mỗi phường có 5 - 8 địa bàn). Kinh phí không chỉ từ UBND phường mà còn kêu gọi XHH, cùng hỗ trợ của quận về cơ sở vật chất, cán bộ Phòng Tư pháp thường xuyên hướng dẫn chuyên môn cho đoàn viên.
Tuy nhiên, khó nhất tại quận hiện nay là không phải địa bàn dân cư nào cũng có NVH. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về DVCTT còn hạn chế và chọn địa điểm phù hợp để lập điểm truy cập. Để giảm tải cho quận, phường trong giải quyết TTHC, mỗi công dân cần trở thành một “công dân điện tử”. Vì vậy, từ quận đến phường sẽ tăng tuyên truyền bằng nhiều hình thức, trong đó đẩy mạnh thông qua hội nghị của các đoàn thể. "Đặc biệt, để khắc phục khó khăn do thiếu NVH, các địa bàn nên kêu gọi người dân ủng hộ bằng cách cho mượn địa điểm là tốt nhất. Nhưng trước mắt, cần “phủ đầy” 100% NVH đang có để thiết lập điểm truy cập. Với cố gắng chung của cả hệ thống, năm nay, cả 20 phường sẽ có các điểm hỗ trợ người dân thực hiện DVCTT” - ông Hùng cho biết.