Nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn, từng nhà trường cũng như toàn ngành giáo dục đào tạo (GD&ĐT) quận Hai Bà Trưng đang nỗ lực xây dựng ngày càng nhiều ngôi trường đạt chuẩn quốc gia, tạo những bước chuyển vững chắc cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị lẫn chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên.
Cố gắng không ngừng
Thành lập năm 1991, đến 2018 Trường Tiểu học Trưng Trắc (phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng) được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ I và giữa tháng 1/2023 được công nhận lại.
Hiệu trưởng nhà trường Đoàn Thị Thúy Giang chia sẻ, 3 năm trước khi có kế hoạch đón chuẩn, trường đã rà soát mọi tiêu chí, đối chiếu từng tiêu chuẩn, xem thiếu những gì. Lộ trình thật gian nan với những trường ở quận lõi, nhất là yêu cầu diện tích trung bình tối thiểu cho mỗi học sinh (HS).
Khó khăn nữa, theo chuẩn mới, quy định rất ngặt nghèo với phòng học, phòng chức năng. Trước các môn Âm nhạc, Mỹ thuật được chung phòng thì nay phải tách ra, lại cần thêm phòng Khoa học - Công nghệ. Hay trước với trường có 25 lớp chỉ cần 1 phòng Ngoại ngữ, 1 phòng Tin học thì nay mỗi môn cần 2 phòng... nên phải phát sinh tới 6 - 7 phòng chức năng.
“Dù vậy, nhà trường rất cố gắng cộng với sự quan tâm kịp thời của lãnh đạo quận nên đã đáp ứng được cơ số phòng như vậy”- nhà giáo Đoàn Thị Thúy Giang cho hay.
Với cố gắng không ngừng, hiện 98% giáo viên Trường Tiểu học Trưng Trắc đã đạt chuẩn và trên chuẩn, trường luôn trong top 3 khối tiểu học tại quận Hai Bà Trưng về thành tích dạy - học.
Đáng chú ý, về cơ sở vật chất, 100% phòng học, phòng chức năng có bảng trượt đa năng, tivi tương tác; phòng đa năng hiện đại; môn Âm nhạc, Mỹ thuật có phòng riêng, trang bị hơn 60 đàn Organ, sân bóng mini...
Song, theo cô Đoàn Thị Thúy Giang, hiện để được công nhận chuẩn quốc gia thì việc kiểm định chất lượng giáo dục rất khắt khe. Hiệu trưởng đã quán triệt mọi cán bộ, giáo viên, cùng với duy trì sĩ số chuẩn, phải sử dụng đúng mục đích thiết bị hiện đại đã được đầu tư, bảo quản cẩn thận, phục vụ tốt HS.
Ban Giám hiệu sẽ phát huy tốt đội ngũ đang có, đảm bảo chế độ, chú trọng bồi dưỡng cho giáo viên; tổ chức phong trào sáng kiến hằng năm, chuyên đề hằng tháng...
Đạt chuẩn quốc gia lần I năm 2013 và lần II năm 2018 theo Thông tư cũ, năm nay Trường THCS Ngô Quyền (phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng) cũng phải qua kiểm định chất lượng theo Thông tư mới để được công nhận lại.
Theo Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Thị Tuyết Minh, lãnh đạo quận rất quan tâm bồi dưỡng nâng cao trình độ giáo viên nhưng với tiêu chí mới thì để được công nhận lại, trường cần bổ sung rất nhiều thiết bị các phòng chuyên môn, thực hành, chức năng, Ngoại ngữ...
“Thách thức nhất là về cơ sở vật chất, trường đang rà soát toàn bộ, mong được quận bổ sung đầu tư càng sớm càng tốt, theo gói chuẩn quốc gia. Tháng 5/2023 trường sẽ rà soát xong lần cuối, báo cáo cấp trên phê duyệt, phấn đấu được công nhận lại trước năm học 2023 - 2024” - bà Nguyễn Thị Tuyết Minh thông tin.
Giải bài toán khó về quỹ đất
Toàn quận Hai Bà Trưng hiện có 64 trường công lập, 42 trường chuẩn quốc gia (65,6%). Đề án số 12 của Quận ủy Hai Bà Trưng thực hiện Chương trình 04-CTr/TU và Kế hoạch của UBND quận về xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2020 - 2025 đã xác định đến hết 2025 tại quận phải có 12 trường chuẩn quốc gia mới và đề nghị công nhận lại 45 trường, để đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội XXVI Đảng bộ quận là hết nhiệm kỳ có 100% trường công đạt chuẩn.
Từ đó, UBND quận đã xây dựng kế hoạch hằng năm. Năm 2021 và 2022, UBND quận đã chỉ đạo đáp ứng toàn bộ điều kiện cơ sở vật chất và các tiêu chí, hoàn thành chỉ tiêu công nhận lại 9 trường.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Thu Hiền, năm nay TP giao quận công nhận mới 4 trường, công nhận lại 10 trường; năm 2024 công nhận mới 3 trường, công nhận lại 12 trường; năm 2025 công nhận mới 5 trường, công nhận lại 14 trường.
Quận sẽ tiếp tục tìm các điểm đất kiến nghị TP thu hồi, tạo điều kiện cho quận xây mới 6 - 8 trường học trong nhiệm kỳ này. Nhưng chiếu theo Thông tư 13 của Bộ GD&ĐT, tiêu chí này rất khó vì quận nội đô, diện tích xây trường rất nhỏ.
“Quy định với trường khu trung tâm là tối thiểu 10m2/trẻ cấp mầm non, mẫu giáo và 8m2/HS với cấp tiểu học, THCS nên các trường trong quận rất khó đạt. Song, với quyết tâm cao vượt khó, UBND quận đã xây dựng kế hoạch triển khai, bám sát xin ý kiến Sở GD&ĐT, có giải pháp gỡ vướng trong quá trình xây mới, xây dựng lại trường chuẩn quốc gia” - bà Nguyễn Thị Thu Hiền nói.
Đầu năm nay, UBND quận Hai Bà Trưng đã có kế hoạch thực hiện công nhận mới, công nhận lại trường chuẩn quốc gia, giao nhiệm vụ cụ thể các đơn vị đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo chuyên môn đảm bảo đủ 5 tiêu chí trong Thông tư; xác định tiếp tục rà soát những điểm đất sử dụng không đúng mục đích, báo cáo TP xem xét thu hồi, giao quận xây trường học.
Khối tiểu học có Trường Tiểu học Lê Văn Tám, Đồng Nhân, Đoàn Kết khó về diện tích đất, quận đã có giải pháp để đăng ký xây dựng công nhận mới với Trường Tiểu học Đoàn Kết; báo cáo TP khẩn trương thu hồi điểm đất 418 Bạch Mai để bàn giao quận xây 2 trường học, nhằm tách Tiểu học Lê Văn Tám hiện quá đông HS, chưa đạt chuẩn quốc gia.
UBND quận sẽ bám sát các sở ngành, đôn đốc sớm bàn giao điểm đất này, giao Ban Quản lý dự án quận nghiên cứu chủ trương sớm; tiếp tục đề xuất TP sớm thu hồi điểm đất 163 Đại La để xây Trường Mầm non Đồng Tâm; rà soát các điểm đất khác, báo cáo TP thu hồi...
Năm 2023, quận Hai Bà Trưng phấn đấu công nhận mới 4 trường chuẩn quốc gia theo chỉ tiêu TP giao và công nhận thêm 1 trường; công nhận lại 10 trường. Trong quý III hoàn thành công nhận mới 2 trường (THCS Tây Sơn, Mầm non Ngô Thì Nhậm), công nhận lại 6 trường (Mầm non Vĩnh Tuy, Mầm non Thanh Lương, Tiểu học Ngô Quyền, THCS Ngô Quyền, THCS Lương Yên, THCS Tô Hoàng); quý IV công nhận mới 3 trường (Tiểu học Đoàn Kết, Tiểu học Trung Hiền, Mầm non Minh Khai), công nhận lại 4 trường (Mẫu giáo Nguyễn Công Trứ, Tiểu học Tây Sơn, Tiểu học Ngô Thì Nhậm, Tiểu học Đồng Tâm).