Quận Hai Bà Trưng: Hỗ trợ trường hợp khó khăn do dịch Covid-19 kịp thời, đúng đối tượng

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Trưởng Phòng LĐ-TB&XH quận Hai Bà Trưng Nguyễn Văn Mạnh cho hay, UBND quận đã kịp thời ban hành, triển khai các văn bản thực hiện chính sách hỗ trợ người có công, người hưởng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo, người lao động, người sử dụng lao động trên nguyên tắc hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, minh bạch, không để trục lợi chính sách. Từ quận đến phường áp dụng nhiều hình thức tuyên truyền sâu rộng để người dân dễ tiếp cận chính sách nhất, nhanh chóng được nhận hỗ trợ.

Với mật độ dân cư cũng như số DN, tổ chức, HTX, hộ kinh doanh đang hoạt động đều lớn, trong đợt dịch Covid-19 thứ tư này, từ cấp quận đến 18 phường trên toàn quận Hai Bà Trưng đã khẩn trương triển khai thực hiện những chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) gặp khó khăn do đại dịch. Tất cả vì mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” và người dân yên tâm “ai ở đâu ở đó”.
Nhằm sớm đưa chính sách hỗ trợ đến với người dân trong lúc khó khăn, chấp hành nghiêm quy định phòng chống dịch Covid-19, các phường tại quận Hai Bà Trưng đều căn cứ điều kiện cụ thể để linh hoạt chọn hình thức triển khai phù hợp khi đang giãn cách xã hội

Khẩn trương, không bỏ sót người cần hỗ trợ
Với phương châm khẩn trương, đúng đối tượng, đúng quy định, ngay khi có Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Chính phủ và Quyết định 3642/QĐ-UBND của TP về một số chính sách hỗ trợ NLĐ, NSDLĐ gặp khó khăn do dịch Covid-19, UBND quận đã chỉ đạo các phòng, ngành, 18 phường, nhất là hệ thống chính trị cơ sở, tổ Covid cộng đồng đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Quá trình thực hiện công khai, có giám sát, không để sót đối tượng, trục lợi chính sách; phát huy tính chủ động của các phòng, phường. Nhằm sớm đưa chính sách đến người dân lúc khó khăn, chấp hành nghiêm quy định phòng chống dịch, các phường đều căn cứ điều kiện cụ thể linh hoạt hình thức triển khai phù hợp khi đang giãn cách xã hội. 
Đáng chú ý, UBND quận nhanh chóng ban hành kế hoạch thực hiện Quyết định 3642/QĐ-UBND ngày 21/7/2021 của TP và thành lập BCĐ, tổ thẩm định hồ sơ theo Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg. Đầu tháng 8/2021, cả 18 phường đã ban hành kế hoạch hỗ trợ NLĐ, NSDLĐ gặp khó khăn do Covid-19; niêm yết thủ tục hướng dẫn NLĐ tại trụ sở UBND; thành lập Hội đồng xét duyệt gồm lãnh đạo, công chức phường, đại diện tổ dân phố... Thực hiện Nghị quyết 15/NQ-HĐND ngày 13/8/2021 của HĐND TP quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ đối tượng gặp khó khăn do dịch Covid-19, UBND quận cũng khẩn trương ra công văn tổ chức triển khai trên địa bàn. 
UBND phường Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng) đã khẩn trương thực hiện chi trả hỗ trợ cho những người có công và đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị quyết 15/NQHĐND, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng 
Với hơn 2,1 vạn dân, thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP, đến nay phường Thanh Nhàn đã xét duyệt cho 519 người, tổng số tiền 778 triệu đồng; qua 3 đợt đã chi trả cho hơn 300 trường hợp. Thực hiện Nghị quyết 15/NQ-HĐND, đã chi trả cho 157 người có công, 214 người đối tượng bảo trợ xã hội. Với giáo viên mầm non, đã hướng dẫn các nhóm lớp nộp danh sách cho Phòng GD&ĐT; NLĐ thuộc DN thì nộp cho BHXH. UBND phường cũng rà soát có hơn 400 trường hợp NLĐ tự do, F0, F1, hộ kinh doanh, tùy trường hợp sẽ hỗ trợ. Nhằm triển khai đúng đối tượng và không bỏ sót, quy trình rất chặt chẽ: UBND phát tờ khai về tổ dân phố, phát cho người dân đăng ký. Mỗi tổ có 1 hội đồng, xét duyệt xong gửi danh sách lên phường, phân rõ trường hợp đủ hay không đủ điều kiện... 15h hằng ngày, Hội đồng phường họp thẩm định, trình danh sách lên quận, trong đó có trường hợp tổ báo cáo không đủ điều kiện nhưng phường thẩm định lại đủ… Khi có quyết định của quận và ngân sách về, cán bộ ra Kho bạc lấy tiền, tổ chức chi trả ngay cho người dân.
“Năm nay, đối tượng hỗ trợ đã “mở” hơn những đợt dịch trước, trong đó có cả người buôn bán vỉa hè bị mất việc. Điểm mới nữa, người dân không nộp đơn ra phường mà ra tổ dân phố, sau khi được xét duyệt, đều ra nhận hỗ trợ tại trường THCS Minh Khai, để đảm bảo giãn cách. Với người già neo đơn, cán bộ vào tận nhà chi trả. Ngoài ra, UBND phường còn tích cực vận động tài trợ đến nay được trị giá hơn 700 triệu đồng, từ đó đã hỗ trợ nhu yếu phẩm thiết yếu cho các khu phong tỏa, người dân gặp nhiều khó khăn… Chúng tôi kêu gọi được đến đâu trao tặng ngay đến đó. Cán bộ báo cáo hằng ngày, xem trường hợp nào chưa được hỗ trợ thì phối hợp địa bàn dân cư xác minh. Có trường hợp không đúng đối tượng, hoặc khó khăn thực sự, bị kẹt lại do dịch không về quê được mà đang mất việc… Tất cả đều được thẩm định, hỗ trợ đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, không bỏ sót người cần giúp đỡ”- Chủ tịch UBND phường Lê Hoàng Đức cho hay.
Tại phường Bách Khoa, Tổ trưởng tổ dân phố đến tận nhà trao hỗ trợ cho những người có công với cách mạng và người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hằng tháng, gặp khó khăn do dịch Covid-19 
Thực hiện Nghị quyết 68/NĐ-CP và Quyết định 3642/QĐ-UBND, phường Bách Khoa cũng nhanh chóng xây dựng kế hoạch, thông báo trên loa, gửi hướng dẫn tổ dân phố triển khai trên nhóm zalo để những NLĐ tự do biết; chuyển các mẫu tờ khai cho tổ dân phố phát cho NLĐ; tổ tiếp nhận tổng hợp tờ khai, gửi ra phường. Từ đó, UBND phường đã triển khai 2 đợt chi trả hỗ trợ cho 109 trường hợp LĐ tự do; đang tổng hợp đợt 3 được 30 hồ sơ. Thực hiện Nghị quyết 15/NQ-HĐND, phường cũng đã hoàn thành chi trả cho 102 người có công, 52 trường hợp bảo trợ xã hội; tổ trưởng dân phố vào tận nhà trao hỗ trợ.
Theo Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Thị Tuyết Lan, các tổ rà soát, gửi danh sách đến đâu thì phường họp xét duyệt đến đó, thấy đủ điều kiện thì niêm yết 2 ngày, báo cáo Phòng LĐ-TB&XH để trình lên quận, UBND quận ra quyết định phê duyệt thì phường tổ chức chi trả ngay. Với trường hợp kê khai chưa đúng, cán bộ phường trao đổi lại để tổ dân phố hướng dẫn NLĐ, không ghi “LĐ tự do” mà cụ thể là lái xe ôm, hoặc bán hàng tại địa chỉ thuộc phường… “Nghị quyết 15/NQ-HĐND đặc biệt quan tâm NLĐ tự do, là sự động viên rất kịp thời, nhất là giáo viên mầm non tư thục đã phải nghỉ việc từ đầu năm, rất khó khăn. Để phòng chống dịch, chúng tôi tổ chức chi trả tới tổ dân phố, tổ thông báo từng người ra nhận hỗ trợ theo khung giờ khác nhau”- bà Hoàng Thị Tuyết Lan chia sẻ.
Tạo điều kiện tối đa cho người lao động tiếp cận chính sách
Trưởng Phòng LĐ-TB&XH quận Hai Bà Trưng Nguyễn Văn Mạnh cho hay, với sự chỉ đạo sát sao của TP, UBND quận đã kịp thời ban hành, triển khai các văn bản thực hiện chính sách hỗ trợ người có công, người hưởng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo, NLĐ, NSDLĐ trên nguyên tắc hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, minh bạch, không để trục lợi chính sách. Từ quận đến phường áp dụng nhiều hình thức tuyên truyền sâu rộng để NLĐ, NSDLĐ dễ tiếp cận nhất, nhanh chóng được nhận hỗ trợ. 
Thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP, UBND phường Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng) cũng đã khẩn trương tổ chức chi trả hỗ trợ cho nhiều người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 và đang tiếp tục rà soát trên địa bàn để hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng 
Kết quả nổi bật, BHXH quận đã phê duyệt giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn LĐ, bệnh nghề nghiệp cho 5.638 đơn vị, với 128.104 NLĐ; số tiền giảm mức đóng lũy kế từ tháng 7/2021 là 8.400.000.000 đồng. Về hỗ trợ NLĐ tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương, UBND quận ban hành quyết định phê duyệt danh sách, bổ sung kinh phí cho 21 đơn vị với 1.512 LĐ tạm hoãn, tổng số tiền hỗ trợ 5.356.700.000 đồng. Với NLĐ không có giao kết HĐLĐ (lao động tự do), UBND quận đã ban hành các quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ 7.047 NLĐ của 18 phường, tổng số tiền 10.570.500.000 đồng. Đến thời điểm này, toàn quận đã chi trả hơn 20 tỷ đồng cho các đối tượng theo Nghị quyết 68/NQ-CP. Thực hiện Nghị quyết 15/NQ-HĐND, quận đã nhanh chóng ban hành các quyết định phê duyệt danh sách, kinh phí hỗ trợ tổng cộng 5.370.000.000 đồng cho 2.724 người có công với cách mạng và 2.646 người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hằng tháng, gặp khó khăn do Covid-19. Đặc biệt, qua tích cực rà soát, thẩm định, toàn quận đã trao hỗ trợ 19.525 lượt trường hợp khó khăn do Covid-19, gồm giáo viên trường ngoài công lập, công nhân, NLĐ, hộ cách ly, trẻ mồ côi, gia đình neo đơn, khó khăn, mới thoát nghèo, cận nghèo năm 2019, sinh viên thuê trọ…, với tổng giá trị 4.376.000.000 đồng.
Cùng đó, UBND quận đã rà soát sơ bộ trên địa bàn, khoảng 18.800 NLĐ tự do đủ điều kiện hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 32/QĐ-TTg; chỉ đạo Công an quận rà soát gần 4.800 NLĐ tự do đang đăng ký tạm trú. Những người này gặp nhiều khó khăn, do giãn cách xã hội không thể về nơi thường trú, chưa nhận được hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 32/QĐ-TTg vì không thể xác nhận mẫu đề nghị tại nơi thường trú, nên UBND quận đã đề nghị 18 phường hướng dẫn NLĐ kê khai theo Mẫu 02 ban hành kèm theo Quyết định 3642/QĐ-UBND (không cần xác nhận của cấp xã nơi thường trú/tạm trú) và tổ chức xét duyệt, đảm bảo hỗ trợ kịp thời nhóm đối tượng này thời gian tới. Song song đó, tiếp tục giao các đơn vị nhận hồ sơ trình quận xem xét phê duyệt và chi trả hỗ trợ theo Nghị quyết 15/NQ-HĐND, Quyết định 3642/QĐ-UBND kịp thời, chính xác.

Cô giáo Tống Thị Minh (Trường MN Ánh Sao Vĩnh Tuy) vừa được nhận hỗ trợ 3.710.000 đồng (mức hỗ trợ NLĐ làm việc theo chế độ HĐLĐ phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không lương do Covid-19) bày tỏ: "Tôi được cán bộ Phòng LĐTB&XH quận rất nhiệt tình tạo điều kiện nhận hỗ trợ nhanh nhất theo đúng quy định. Nhiều tháng nay, giáo viên chúng tôi phải nghỉ việc do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, khi nhận được thông báo hỗ trợ này vô cùng phấn khởi và cũng tự thấy, được Nhà nước động viên kịp thời thì trước tiên mình cần nêu cao trách nhiệm với cộng đồng, để sớm vượt qua đại dịch. Khi được đi làm trở lại, càng phải yêu nghề, làm tốt công việc, có trách nhiệm hơn với xã hội".
 
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần