Quận Hai Bà Trưng: Hướng tới tạo bản đồ mua sắm trên toàn địa bàn

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Một mục tiêu của Kế hoạch thực hiện Đề án “Ứng dụng CNTT trong việc quản lý, phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch trên địa bàn quận Hai Bà Trưng” là giúp người tiêu dùng dễ tìm kiếm các sản phẩm theo nhiều hướng, tạo ra bản đồ mua sắm trên toàn địa bàn quận.

UBND quận Hai Bà Trưng vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong việc quản lý, phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch trên địa bàn quận”.

Theo đó, mục đích cụ thể của Kế hoạch là tích hợp cơ sở dữ liệu (CSDL) trong công tác quản lý của các phòng ngành trong các lĩnh vực SXKD trên địa bàn quận phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành phát triển thương mại dịch vụ và du lịch; hỗ trợ các DN, hộ kinh doanh đặc biệt DN nhỏ, hộ kinh doanh tại các chợ truyền thống phát triển thương mại điện tử (TMĐT) trên ứng dụng này; giới thiệu các chương trình khuyến mại của các DN, hộ kinh doanh đến người tiêu dùng, đồng thời hỗ trợ hoạt động mua bán trực tuyến truyền thống qua công cụ tìm kiếm trên thiết bị di động; hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm công nghiệp chủ lực, sản phẩm, hàng hóa làng nghề truyền thống và nông sản.

Đặc biệt, nhằm giúp người tiêu dùng dễ tìm kiếm các sản phẩm theo nhiều hướng tìm kiếm với các thông tin quản lý được phép công khai của cơ quan nhà nước; tạo ra bản đồ mua sắm trên toàn địa bàn quận; giới thiệu di tích văn hóa lịch sử, địa chỉ đỏ trên địa bàn quận đến người dân và khách du lịch; kết nối cung cầu lao động giữa DN, hộ kinh doanh với Nhân dân và học sinh, sinh viên của các trường trên địa bàn. Đồng thời, giới thiệu các sản phẩm OCOP, các chuỗi thực phẩm an toàn, giới thiệu các sản phẩm hàng hóa Việt Nam, hưởng ứng CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; thực hiện thông tin tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đến trực tiếp các DN, hộ kinh doanh và Nhân dân trên địa bàn.

Đường Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng
Đường Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng

Tại Kế hoạch này, đáng chú ý, UBND quận đặt ra chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025, 100% dữ liệu được phép công khai của các DN, hộ kinh doanh được công khai trên ứng dụng, định kỳ được cập nhật sửa đổi bổ sung khi có thay đổi; 60% DN vừa và nhỏ, hộ kinh doanh cài đặt ứng dụng; 55% người dân sinh sống và làm việc trên địa bàn quận sử dụng ứng dụng. Cùng đó, sẽ giới thiệu việc làm đạt 2.000 người trở lên/năm; 1.000 lượt cán bộ quản lý nhà nước, cán bộ đoàn, đội, hội, cán bộ cơ sở được tập huấn về TMĐT, khai thác, sử dụng ứng dụng để phục vụ trong công tác quản lý; 15.000 lượt DN, hộ kinh doanh, sinh viên được tập huấn kiến thức về ứng dụng TMĐT nói chung về ứng dụng nói riêng; 60% khách du lịch đến địa bàn quận tải và sử dụng ứng dụng.

Để đạt được các chỉ tiêu đề ra, lãnh đạo UBND quận yêu cầu các phòng, ban, đơn vị có kế hoạch cụ thể nhằm thực hiện có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ theo lĩnh vực được phân công tại Đề án của Quận ủy; phân công rõ trách nhiệm tổ chức thực hiện, đảm bảo kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực.

Trong đó, các dữ liệu quản lý liên quan hoạt động thương mại, dịch vụ và du lịch trên địa bàn quận của các phòng ngành cần tập trung, đầy đủ, chính xác đồng bộ, nhất quán, có khả năng cập nhật thường xuyên nhằm phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, chất lượng công tác kiểm tra giám sát; có khả năng chia sẻ, dùng chung và có thể tích hợp vào CSDL của TP. Tông tin, dữ liệu được lưu trữ dưới dạng các tệp tin, hình ảnh, có thể khai thác tìm kiếm mặt hàng theo nhiều hướng tìm kiếm khác nhau (giá cả, đặc tính, chủng loại...) thông qua công cụ tìm kiếm trên thiết bị di động; kết quả tìm kiếm được hiển thị bằng vị trí bản đồ số của các cơ sở SXKD, của hàng, cửa hiệu, điểm du lịch, trụ sở các cơ quan của quận... theo nhu cầu tìm kiếm bằng bộ lọc của người sử dụng.

Song song đó, cần cho phép hiển thị thêm liên kết với các trang TMĐT của các cơ sở kinh doanh; hiển thị thông tin tuyển dụng của các cơ sở kinh doanh trên địa bàn nhằm kết nối cung cầu lao động giữa các DN, hộ kinh doanh với Nhân dân, học sinh, sinh viên trên địa bàn; hiển thị thông tin chương trình khuyến mại, quảng cáo của các cơ sở kinh doanh trên địa bàn. Đồng thời, đội ngũ cán bộ tham gia xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác CSDL hạ tầng kỹ thuật cần đáp ứng yêu cầu về năng lực.

Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án sẽ tiến hành trong 5 năm, chia 4 giai đoạn: Xây dựng ứng dụng (quý I/2022 - quý IV/2022); triển khaỉ thí điểm ứng dụng lần 2 và hoàn thiện ứng dụng (quý I/2023); triển khai đại trà ứng dụng (quý II/2023); vận hành và tồng kết kết quả (từ quý III/2023 - năm 2025).