Quận Hai Bà Trưng: Không xảy ra việc trẻ bị xâm hại trên mạng

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Đến hiện tại, ở quận Hai Bà Trưng không xảy ra sự việc đáng tiếc liên quan tình trạng trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng. Các nhà trường tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền giúp các em nhận thức được lợi ích của việc tìm hiểu, học tập trên mạng; tránh xa ảnh hưởng tiêu cực.

Để giúp học sinh sử dụng internet an toàn, các nhà trường trên địa bàn quận Hai Bà Trưng gần đây thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền bổ ích nhằm trang bị cho các em những kỹ năng phòng chống xâm hại trên môi trường mạng.

Quận Hai Bà Trưng: Không xảy ra việc trẻ bị xâm hại trên mạng - Ảnh 1 Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) thực hiện lồng ghép tuyên truyền giúp học sinh nhận thức về những rủi ro, hệ lụy đến từ mạng xã hội. Ảnh: Phương Lan

Theo Phòng Giáo dục & Đào tạo quận Hai Bà Trưng, thực hiện Quyết định 830/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và Hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”, ngành giáo dục và đào tạo quận đã tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho học sinh những kỹ năng cần thiết, hữu ích về phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Các trường học trong quận tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực tập trung tuyên truyền giúp các em nhận thức được lợi ích của việc tìm hiểu, học tập trên mạng và tránh xa ảnh hưởng tiêu cực. Qua quản lý, theo dõi của ngành cho thấy, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn quận không có sự việc đáng tiếc xảy ra liên quan tình trạng trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng.

Cô giáo Nguyễn Phương Hoa - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Tuy chia sẻ, để giúp học sinh trong trường tránh xa tác động tiêu cực từ internet, nhà trường gần đây đã tổ chức đa dạng các hoạt động, chương trình văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao… tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh cho các em. Thông qua những chương trình đó, nhà trường thực hiện lồng ghép tuyên truyền giúp học sinh nhận thức về những rủi ro, hệ lụy đến từ mạng xã hội, qua đó có cách tự bảo vệ mình trên không gian mạng cũng như trở thành những người “dùng mạng xã hội thông thái”.

Các trường học trong quận Hai Bà Trưng tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, giúp học sinh nhận thức được lợi ích của việc tìm hiểu, học tập trên mạng và tránh xa ảnh hưởng tiêu cực. Ảnh: Phương Lan
Các trường học trong quận Hai Bà Trưng tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, giúp học sinh nhận thức được lợi ích của việc tìm hiểu, học tập trên mạng và tránh xa ảnh hưởng tiêu cực. Ảnh: Phương Lan

Tại trường Tiểu học Lương Yên, các em học sinh đã được giới thiệu tổng quan Chương trình "Be Internet Awesome - Em an toàn hơn cùng Google”. Đây là chương trình được thiết kế đặc biệt nhằm hướng dẫn trẻ sử dụng internet một cách an toàn, cẩn trọng và tránh hành vi xấu có nguy cơ ảnh hưởng tới trẻ. Đồng thời, dạy trẻ những nguyên tắc cơ bản về an toàn kỹ thuật số và quyền công dân số, để các em có thể tự tin khám phá thế giới trực tuyến. Học sinh còn được tìm hiểu về những chiêu trò lừa đảo, các mối đe dọa trực tuyến và cách phát hiện tin giả.

Theo lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hai Bà Trưng, để trẻ sử dụng mạng hiệu quả, an toàn, rất cần sự phối hợp chặt chẽ của cả gia đình và nhà trường.

Trường THCS Vân Hồ tổ chức giáo dục kỹ năng ''Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng xã hội'' . Ảnh: Phương Lan)
Trường THCS Vân Hồ tổ chức giáo dục kỹ năng ''Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng xã hội'' . Ảnh: Phương Lan)

Trong đó, các cơ sở giáo dục cần xây dựng kế hoạch, tổ chức những buổi tuyên truyền, hoạt động sân khấu hóa hay cuộc thi tìm hiểu về phòng chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để giáo dục học sinh về kỹ năng tự bảo vệ mình. Nhà trường cũng cần cung cấp, hướng dẫn sử dụng các số điện thoại, kênh thông tin, Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111… để học sinh, phụ huynh sử dụng phản ánh khi cần thiết. 

Còn về phía gia đình, cha mẹ nên dành thời gian cho con trẻ nhiều nhất có thể; luôn quan tâm, yêu thương, chia sẻ, tạo không khí gia đình ấm áp, hạnh phúc. Đặc biệt, phụ huynh cần quản lý chặt chẽ việc con sử dụng các thiết bị công nghệ như điện thoại, máy tính, ti vi thông minh…; nên định hướng những giá trị sống tốt đẹp cũng như thường xuyên nhắc nhở con về mối nguy hiểm khi hoạt động trên không gian mạng. Đồng thời, cần hình thành cho trẻ thói quen đọc sách, làm việc nhà, tham gia trò chơi vận động, hoạt động ngoài trời; hạn chế thấp nhất việc sử dụng điện thoại, máy tính.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần