Phó Chủ tịch UBND phường Bách Khoa Hoàng Thị Tuyết Lan cho hay, “Cây gạo yêu thương” do ĐH Bách Khoa và UBND phường phối hợp tổ chức thực hiện, từ trước ngày khai trương (19/4) đã có nguồn 10 tấn gạo do một cựu sinh viên của Trường đứng ra vận động được từ các đơn vị, cá nhân ủng hộ. Qua 1 tuần hoạt động, cây gạo nhận được thêm gần 5 tấn gạo từ nhiều nhà hảo tâm tại phường và các địa bàn khác, người ít người nhiều song đều xuất phát từ tấm lòng muốn góp phần nhỏ chung tay cùng cộng đồng sớm đẩy lùi dịch bệnh. Đó là các trường hợp chị Nguyễn Ngọc Bích ủng hộ 1.740kg gạo, anh Nguyễn Tiến Thành, anh Nguyễn Tuấn Anh… mỗi người ủng hộ 1.000kg gạo (loại gạo Thái, Bắc Hương).
Những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn đến với "Cây gạo yêu thương" tại cổng Trường ĐH Bách Khoa đều được nhận gạo miễn phí |
Đúng như thông điệp “Chia sẻ yêu thương, không bỏ lại ai phía sau!”, ý nghĩa nhân văn lan tỏa của cây gạo này còn thể hiện ở chỗ, không chỉ người dân phường Bách Khoa mà bất kỳ trường hợp khó khăn nào ở phường bạn, quận huyện bạn… khi biết thông tin đến đây, miễn là có chứng minh thư Nhân dân, đều có thể đăng ký, xếp hàng đúng theo hướng dẫn về khoảng cách tối thiểu 2m, được sát khuẩn tay, đo thân nhiệt, nhận diện khuôn mặt và vào nhận gạo. Để người dân không phải xếp hàng lâu, cây gạo được bố trí theo hình thức “ATM” (bấm vào là có gạo chảy ra) hoặc người dân được phát ngay túi gạo đã đóng sẵn (mỗi lần được nhận 3kg gạo). Hằng ngày, phường Bách Khoa bố trí công an, bảo vệ dân phố, dân quân tự vệ, thanh niên, cán bộ y tế… trực phục vụ tại đây. Nếu phát hiện trường hợp người dân có biểu hiện sốt, cán bộ sẽ phát gạo cho họ và chuyển họ ngay cho cơ sở y tế hoặc đề nghị tự cách ly tại nhà (tùy thông tin dịch tễ), đồng thời thông báo ngay cho chính quyền nơi họ cư trú để quản lý theo quy định. Từ khi hoạt động đến chiều nay (25/5),“Cây gạo yêu thương” phường Bách Khoa đã có hơn 5.300 người đến nhận gạo miễn phí, tính trung bình mỗi ngày có 700-800 người.
Sau 1 tuần hoạt động, "Cây gạo yêu thương" tại phường Bách Khoa đã trao những túi gạo nghĩa tình cho hơn 5.300 trường hợp khó khăn |
Đặc biệt, “với chủ trương mở rộng đối tượng được hỗ trợ hơn, từ nguồn gạo tiếp nhận ủng hộ được, tại phường mới đây đã rà soát những trường hợp khó khăn để hỗ trợ gạo (do tổ dân phố đề xuất danh sách), trong đó có cả những chủ hộ kinh doanh phải dừng hoạt động trong thời gian dịch Covid-19, hoặc lao động tự do (lái xe ôm…) trên địa bàn. Từ đó, UBND phường tổ chức trao tại trụ sở đến nay cho hơn 100 người, mỗi người 10kg gạo. Hiện các hội đoàn thể phường (Phụ nữ, Thanh niên, Cựu TNXP, Cựu chiến binh…) rà soát tiếp những hội viên khó khăn khác, đề xuất lên UBND phường để được nhận hỗ trợ. Sau đó, nếu những trường hợp này vẫn chưa có thu nhập trở lại, tổ dân phố tiếp tục đề xuất thì UBND phường có thể tiếp tục hỗ trợ gạo” - bà Hoàng Thị Tuyết Lan cho biết.
Cùng hình thức hoạt động tương tự, “Cây gạo” do UBND phường Đồng Tâm và Trường ĐH Kinh tế quốc dân phối hợp tổ chức tại khu vực cổng Trường từ ngày 16/4 đến nay đã tiếp nhận ủng hộ khối lượng gạo ủng hộ rất lớn từ các nhà hảo tâm, tổng cộng lên tới 87 tấn. Từ nguồn gạo này, sau 10 ngày hoạt động, đến chiều 25/4 tại cy gạo đã có khoảng 10.500 người đến nhận gạo, tương đương 31,5 tấn. Trung bình mỗi ngày tại đây có gần 1.100 người, thậm chí có ngày lên đến gần 1.400 người đến nhận gạo miễn phí. Ngoài gạo, những ngày gần đây ai đến còn được nhận thêm 1 khay trứng gà hoặc 1 chai nước mắm, đều do các nhà hảo tâm ủng hộ.
Cùng đó, Chủ tịch UBND phường Đồng Tâm Lê Khánh Giang chia sẻ, UBND phường cũng sử dụng nguồn gạo tiếp nhận được để tổ chức nhiều hoạt động chung tay hỗ trợ những trường hợp khó khăn. Trong đó, ngay tại phường Đồng Tâm, UBND phường đã sử dụng 6 tấn gạo tiếp nhận được để trao hỗ trợ hơn 150 bệnh nhân xóm chạy thận Bạch Mai và hơn 200 hộ khó khăn của phường. Đồng thời, UBND phường đã ủng hộ gạo cho Phòng GD&ĐT để hỗ trợ các giáo viên gặp khó khăn và ủng hộ 10 phường bạn trên địa bàn quận Hai Bà Trưng (hơn 25 tấn gạo), hỗ trợ 5 tấn gạo tại xã Phố Nà (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang)…
Dự kiến, 2 cây gạo tại quận Hai Bà Trưng sẽ hoạt động đến hết tháng 4/2020 để tiếp tục chia sẻ cho những trường hợp đang vẫn gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.