Tại Kỳ họp thứ 10 HĐND quận Hai Bà Trưng khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026 đang diễn ra, thông tin về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, lãnh đạo UBND quận cho hay, đến thời điểm này có thể thấy mục tiêu chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội của quận đã được triển khai đồng bộ, quyết liệt, đạt được kết quả khá toàn diện.
Các chỉ tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế đều đạt và vượt cao so với cùng kỳ, nổi bật là thu ngân sách quận ước cả năm đạt 100,4% kế hoạch TP giao, trở thành một trong những đơn vị có số thu ngân sách Nhà nước cao trong các quận, huyện của TP Hà Nội. Giá trị ngành thương mại-dịch vụ đạt 236.226 tỷ đồng, tăng 18,06%; giá trị ngành công nghiệp-xây dựng đạt 62.413 tỷ đồng, tăng 11,31% so với năm ngoái.
Đáng chú ý, công tác quản lý và phát triển đô thị, đầu tư xây dựng, giải phóng mặt bằng (GPMB) được quận triển khai quyết liệt. Khắc phục những hạn chế trong công tác đầu tư xây dựng cơ bản, ngay từ đầu năm, UBND quận đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp mới, thay đổi cách nghĩ cách làm, nên đã phần nào giải quyết cơ bản những khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn. Công tác triển khai thi công các dự án, giải ngân vốn đầu tư công có nhiều chuyển biến rõ rệt hơn năm ngoái.
Cụ thể, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 được điều chỉnh sau Kỳ họp thứ 9 HĐND quận gồm 145 dự án với tổng nguồn vốn 370 tỷ 635 triệu đồng. Đến nay, giải ngân chi đầu tư phát triển kế hoạch vốn đạt 279 tỷ 186 triệu đồng, bằng 75,5% kế hoạch HĐND quận giao và đạt 101,3% kế hoạch TP giao; ước thực hiện cả năm 370 tỷ 635 triệu đồng, bằng 134% dự toán TP và đạt 100% so với HĐND quận giao.
Quận đã tập trung quyết liệt trong chỉ đạo và thực hiện công tác GPMB, đạt nhiều kết quả tốt: Hoàn thành GPMB dự án vỉa hè tại số 27 Đại Cồ Việt, đã bàn giao mặt bằng; đảm bảo thi công dự án Nhà văn hóa phường Trương Định; tập trung chỉ đạo thực hiện GPMB các dự án ngõ 61 Lạc Trung nối 423 Minh Khai, đường nối xe bus với 423 Minh Khai, tôn tạo phát huy giá trị kiến trúc chùa Quan Hoa, Pháp Hoa, Thiền Quang; tiếp tục đẩy nhanh GPMB dự án xây dựng trụ sở Bộ Công an.
Đặc biệt, công tác quản lý trật tự đô thị, trật tự xây dựng trên địa bàn được thực hiện đồng bộ, quyết liệt. Trong đó, đã triển khai hiệu quả kế hoạch của Ban chỉ đạo 197 quận và chỉ đạo của UBND TP về chấn chỉnh trật tự đô thị, giành lại vỉa hè cho người đi bộ, đảm bảo bộ mặt đô thị khang trang ngăn nắp.
Sau thời gian triển khai, tình hình trật tự giao thông đô thị, vệ sinh môi trường có chuyển biến tích cực; nhiều giải pháp sáng tạo về cách thức và phương pháp triển khai đã xử lý cơ bản những biển quảng cáo rao vặt, biển chỉ dẫn, biển quảng cáo không phép, hết hạn; xử lý các tồn tại liên quan bục bệ, cầu dẫn, mái che, mái vẩy, nhất là ở những tuyến phố mới mở, mới sử dụng, không để xảy tái vi phạm; đã giải quyết 20 điểm họp chợ trái phép.
Đặc biệt, lực lượng chức năng quận đã tập trung xóa bỏ các điểm đen về vệ sinh môi trường, triển khai sâu rộng đến từng ngõ, ngách, tổ dân phố, trong đó điển hình một số phường làm tốt về trật tự đô thị là Bách Khoa, Trương Định, Minh Khai.
Bên cạnh đó, trong năm, lực lượng chức năng quận và các phường đã kiểm tra 414 công trình xây dựng trên địa bàn, từ đó phát hiện, xử lý 5 công trình xây dựng không phép và 1 công trình vi phạm khác; 3 công trình đã được chủ đầu tư tự khắc phục lỗi vi phạm, UBND quận đã ra quyết định xử lý. Cơ quan chức năng xử lý nghiêm các công trình vi phạm tồn đọng, đến nay đã thực hiện xử lý xong 2 vi phạm tồn đọng từ năm 2022 trở về trước.
Đáng chú ý, đối với việc xử lý 14 vi phạm quy hoạch trật tự xây dựng và 2 hạng mục công trình xuống cấp, nguy hiểm tại Công viên Tuổi trẻ Thủ đô, đến thời điểm này lực lượng chức năng quận và phường Thanh Nhàn đã xử lý xong 9 hạng mục. Còn 5 công trình hạng mục đang được rà soát, báo cáo TP, chỉ đạo xử lý theo quy định; với 2 công trình nguy hiểm thì đã tháo dỡ xong vòng quay mặt trời và đang tiến hành tháo dỡ máng trượt.