Quận Hai Bà Trưng: Ngày đầu tiếp tục giãn cách xã hội, nhiều bất cập trong xử lý liên quan giấy đi đường

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Sáng nay (23/8), trong ngày đầu thực hiện đợt 3 về giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hà Nội theo Công điện số 19 ngày 21/8/2021 và Chỉ thị số 17 ngày 23/7/2021 của Chủ tịch UBND TP, tại 18/18 phường tại quận Hai Bà Trưng đã tăng cường ra quân tiếp tục tuyên truyền, nhắc nhở người dân và kiểm tra, kịp thời xử lý những trường hợp cố tình vi phạm quy định. Tuy nhiên, thực tế ghi nhận có những bất cập khó xử lý liên quan việc cấp, sử dụng giấy đi đường.

Theo UBND quận Hai Bà Trưng, thực hiện nghiêm Thông báo số 468-TB/TU ngày 19/8/2021 của Thành ủy Hà Nội; Chỉ thị 17, các Công điện 17, 18, 19 của Chủ tịch UBND TP và các văn bản chỉ đạo của T.Ư, TP, Quận ủy, trên địa bàn quận tiếp tục chú trọng công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm trong phòng chống dịch Covid-19. Trực tiếp Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND quận và thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống địch bệnh Covid-19 quận và 18 phường thường xuyên, đột xuất tuần tra, kiểm soát việc thực hiện trên địa bàn quận.
Cán bộ Tổ Covid-19 cộng đồng phường Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng) trực chốt kiểm tra phòng chống dịch Covid-19 tại ngõ 121 phố Kim Ngưu
Đáng chú ý riêng trong ngày 23/8, lực lượng chức năng trên toàn quận qua kiểm tra đã xử phạt 53 cá nhân vi phạm trong công tác phòng chống dịch bệnh, với tổng số tiên 71 triệu đồng, chủ yếu liên quan đến việc sử dụng giấy đi đường.
Ghi nhận thực tế tại phường Thanh Nhàn cho thấy, trong sáng nay, qua kiểm tra các trường hợp lưu thông trên đường qua các chốt kiểm soát dịch Covid-19, lực lượng chức năng phường đã phải tiến hành xử phạt hành chính 2 trường hợp, do ra đường tuy có giấy đi đường nhưng không đúng mục đích ghi trên giấy. Cụ thể là nhân viên giao hàng (shipper) chỉ được cấp giấy đi đường (có xác nhận của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) để đến cơ quan nhưng lại đi khu vực khác, không đúng tuyến đường được đi. Mỗi trường hợp đã bị xử phạt hành chính số tiền 1 triệu đồng.
Lực lượng chức năng phường Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng) kiểm soát các trường hợp lưu thông trên đường, tại chốt kiểm tra xử lý vi phạm phòng chống dịch Covid-19 số 1 phố Võ Thị Sáu
Chủ tịch UBND phường Thanh Nhàn Lê Hoàng Đức cho hay, về tình hình chung trên địa bàn phường trong hôm nay, nhìn chung đường phố vắng hơn những ngày qua, người dân chấp hành tốt hơn đối với các quy định thực hiện giãn cách xã hội. Để thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân và kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm quy định về phòng chống dịch, trên toàn phường tiếp tục duy trì 18 chốt kiểm tra xử lý vi phạm về phòng chống dịch Covid-19 tại các địa bàn dân cư do các Tổ Covid-19 cộng đồng phụ trách (phân công trực 24/24h), 1 chốt kiểm tra cố định do lực lượng Công an phường phụ trách (phân công 3 ca, hoạt động đến 19h30’ hằng ngày). Cùng đó, có 2 tổ kiểm tra cơ động của lực lượng chức năng phường, thường xuyên tuần tra trên các tuyến phố, hoạt động 24/24h.
Người dân được tuyên truyền, yêu cầu thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội, tại chốt kiểm tra xử lý vi phạm phòng chống dịch do các Tổ Covid cộng đồng phường Thanh Nhàn phụ trách 
Tại phường Bạch Đằng, ghi nhận thực tế hôm nay (23/8) cũng cho thấy, người dân cơ bản chấp hành tốt các quy định về phòng chống dịch. Trên địa bàn tiếp tục duy trì 24 chốt kiểm tra xử lý vi phạm về phòng chống dịch do Tổ Covid-19 cộng đồng phụ trách tại các địa điểm khác nhau; 2 chốt cố định do lực lượng chức năng phường phụ trách tại 2 cửa khẩu ở phố Lương Yên và phố Tây Kết.
Tuy nhiên, thực tế tại phường Bạch Đằng sáng nay và trong những ngày gần đây cho thấy, việc cấp và sử dụng giấy đi đường cho cán bộ, nhân viên của các cơ quan, đơn vị nhất là một số Công ty TNHH còn có những bất cập.
Công an phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng) kiểm tra giấy đi đường của các trường hợp lưu thông từ ngoài vào địa phường phường, tại chốt kiểm tra xử lý vi phạm phòng chống dịch Covid-19 đầu phố Lãng Yên
Theo lãnh đạo UBND phường, các đơn vị cấp rất nhiều loại giấy đi đường, chính quyền không kiểm soát được. Thực tế theo quy định, quyền cấp giấy này là của giám đốc công ty, nhân viên cứ mang theo ra đường, nhưng lực lượng chức năng phường tại các chốt kiểm tra xử lý vi phạm phòng chống dịch không thể biết được họ cấp giấy như vậy có đi đúng mục đích ghi trên giấy không. Số lượng đi theo giấy như vậy trên đường phố quá đông, như tại các tuyến phố qua 2 cửa khẩu Lương Yên và Tây Kết (đi từ ngoài vào trong địa bàn phường), nhưng theo quy định thì cán bộ trực chốt vẫn phải cho tất cả trường hợp như vậy đi qua. Lực lượng chức năng khó xử lý vì không có cơ sở xử phạt những trường hợp như vậy; chỉ có thể xử phạt hành chính với những trường hợp không có giấy đi đường hoặc giấy tờ chứng minh lý do cấp thiết khác mà cố tình thông chốt.
“Từ thực tế tại địa phương, chúng tôi kiến nghị từ TP có hình thức nào đó để siết lại, kiểm soát chặt việc cấp giấy đi đường; đồng thời tăng tuyên truyền vận động để các cơ quan, doanh nghiệp hạn chế cấp giấy cho cán bộ, nhân viên ra ngoài đường” - Chủ tịch UBND phường Bạch Đằng Nguyễn Hoành Dũng nhấn mạnh.
Lực lượng chức năng phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng) kiểm soát các trường hợp lưu thông qua chốt kiểm tra xử lý vi phạm phòng chống dịch Covid-19 tại phố Tây Kết
Cũng theo lãnh đạo UBND phường Bạch Đằng, qua 1 tháng thực hiện giãn cách xã hội cho thấy, cơ bản Nhân dân trong phường chấp hành tốt. Tuy nhiên, thực tế trên đường phố đông người ra đường chủ yếu là cán bộ, nhân viên các Công ty, doanh nghiệp đi làm, đặc biệt trà trộn một số người vận chuyển hàng hóa bằng xe máy. Những người này bằng cách này cách khác vẫn có được giấy đi đường của Công ty nào đó cấp, cán bộ chức năng qua kiểm tra vẫn thấy hợp pháp (đúng tên nhân viên đó), nhưng cán bộ không thể biết được đúng họ có làm ở Công ty đó hay không, nên không thể xử phạt được.
“Nên chăng cần có quy định thông qua UBND phường xác nhận giấy đi đường tức là giao cho chính quyền địa phương kiểm soát việc cấp giấy đi đường của cán bộ, nhân viên các công ty, doanh nghiệp như vậy. Đặc biệt, cần quy định các đơn vị đó phải kinh doanh những mặt hàng thiết yếu thì cán bộ nhân viên mới được đi ra ngoài đường. Như vậy mới mong quản lý được tình trạng này. Giấy đi đường từ trước đến giờ theo mẫu chung của TP là cấp cho nhân viên “đi từ nhà đến cơ quan”, nhưng cá biệt có một số doanh nghiệp lại ghi là “đi từ nhà đến cơ quan và từ cơ quan giao hàng đến tất cả ngõ, ngách trên địa bàn TP Hà Nội”, nên chính quyền chúng tôi không thể kiểm soát được” - ông Nguyễn Hoành Dũng chia sẻ.