Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quận Hai Bà Trưng thực hiện công tác an toàn thực phẩm: Hiệu quả từ sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nằm ở trung tâm Hà Nội với dân số đông trên 35 vạn người, trình độ dân trí không đều, di biến động dân lớn, lại có nhiều chợ cóc, chợ tạm, bệnh viện, trường đại học, với hơn 2.900 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, quận Hai Bà Trưng gặp khá nhiều khó khăn trong công tác an toàn thực phẩm (ATTP).

Dù vậy, nhờ sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ quận đến phường, cùng nhiều giải pháp tăng cường kiểm tra giám sát, nhiều mô hình sáng tạo…, nên gần đây, công tác đảm bảo ATTP tại quận đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.
Quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo

Nhận thức đúng vai trò ngày càng quan trọng của công tác ATTP, hàng năm, UBND quận đều tổ chức điều tra, quản lý 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn. Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn phổ biến quy định pháp luật ATTP cho các thành viên Ban Chỉ đạo (BCĐ) chăm sóc sức khỏe Nhân dân, BCĐ ATTP và phòng chống ngộ độc thực phẩm, BCĐ phòng chống dịch bệnh quận, BCĐ tại 20 phường; ban giám hiệu, cán bộ y tế trường học, cơ quan, DN; ban quản lý (BQL) chợ, thành viên đoàn kiểm tra liên ngành, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Phòng Y tế quận với vai trò là cơ quan thường trực tham mưu cho quận về công tác ATTP cũng thường xuyên tư vấn, hướng dẫn các cơ sở chấp hành tốt quy định ATTP.
 Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 7 cán bộ quận Hai Bà Trưng đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2016.   
Năm 2016, thực hiện phong trào thi đua ATTP giai đoạn 2016 - 2020, UBND quận đã nhanh chóng kiện toàn BCĐ ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm quận gồm 24 thành viên, trong đó Chủ tịch UBND quận trực tiếp là Trưởng ban, Phó Chủ tịch UBND quận là Phó ban Thường trực, Trưởng Phòng Y tế và Trưởng Phòng Kinh tế quận là 2 Phó ban. Định kỳ họp 1 lần/quý, BCĐ ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm quận xác định rõ nhiệm vụ quan trọng là nghiên cứu, đề xuất UBND quận về chủ trương, cơ chế, chính sách, giải pháp quản lý Nhà nước về ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm; tham mưu UBND quận chỉ đạo, phối hợp hoạt động giữa các ngành, đoàn thể, các phường, cơ quan, tổ chức trong bảo đảm ATTP… Đặc biệt, UBND quận đã chỉ đạo 20 phường, các chợ, cơ sở giáo dục triển khai cam kết: 100% hộ kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm không kinh doanh sản phẩm không rõ nguồn gốc, gia cầm lông; 100% hộ kinh doanh phụ gia thực phẩm tại chợ Đồng Tâm, chợ Hôm, Trung tâm thương mại (TTTM) Chợ Mơ không kinh doanh phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc, nhãn mác, là hàng cấm kinh doanh; 100% cơ sở giáo dục chấp hành pháp luật ATTP và ký hợp đồng với cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm đảm bảo an toàn, rõ nguồn gốc...

Đáng chú ý, một kết quả nổi bật trong chỉ đạo điều hành công tác ATTP là cuối tháng 8/2016, UBND quận đã phê duyệt và triển khai Đề án “Mô hình điểm ATTP tại phường Bùi Thị Xuân, Lê Đại Hành và bếp ăn tập thể tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn quận năm 2016 - 2018”. Trong đó, Phòng Y tế là cơ quan thường trực tham mưu xây dựng và thực hiện Đề án, sẽ tham mưu các giải pháp can thiệp làm thay đổi nhận thức, hành vi của chủ cơ sở, người quản lý, người trực tiếp sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm và người dân; triển khai giải pháp đẩy nhanh cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; đẩy mạnh ứng dụng tin học vào quản lý ATTP… Mục tiêu chính của Đề án là nâng cao trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể và lãnh đạo, nhà quản lý ATTP, các phường và cơ sở giáo dục tại quận; nâng cao nhận thức, kiến thức về thực phẩm an toàn của người tiêu dùng và người quản lý cơ sở, nhân viên trực tiếp sản xuất, kinh doanh, chế biến…

Kiểm tra, giám sát là nhiệm vụ thường xuyên

Nhằm thực hiện nghiêm công tác ATTP trên địa bàn, năm qua, hoạt động kiểm tra, giám sát được quận Hai Bà Trưng xác định là nhiệm vụ thường xuyên, được coi trọng hàng đầu. UBND quận đã duy trì 2 đoàn liên ngành kiểm tra ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm kiểm tra công tác quản lý ATTP dịp Tết, kiểm tra ATTP tại 20 phường, các chợ, TTTM, cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Trong năm, 3/3 TTTM đã xây dựng kế hoạch đảm bảo ATTP đợt cao điểm phục vụ Tết và triển khai tới các hộ kinh doanh; 20/20 phường và 2/2 BQL chợ đã kiện toàn BCĐ, đoàn liên ngành kiểm tra ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm; xây dựng và triển khai kế hoạch đảm bảo ATTP đợt cao điểm phục vụ Tết... Đoàn liên ngành quận cũng thường xuyên làm việc với các phường để kịp thời tháo gỡ khó khăn; duy trì kiểm tra công tác ATTP tại bếp ăn tập thể, căng tin các cơ quan, DN, trường học.

Đặc biệt, để xác minh thông tin báo nêu về thực phẩm chay ngậm hóa chất, dai như cao su, đoàn liên ngành kiểm tra quận đã kiểm tra 8 cơ sở kinh doanh mặt hàng khô tại TTTM Chợ Mơ, trong đó, cả 4 cơ sở kinh doanh thực phẩm chay không xuất trình được hợp đồng, hóa đơn mua bán của 17 sản phẩm thực phẩm chay, một số thực phẩm chay không có tem nhãn, hạn sử dụng, với khối lượng 28kg. Ngay lập tức, 4 cơ sở đã làm đơn tự tiêu hủy 28kg thực phẩm này trước sự chứng kiến của đoàn kiểm tra liên ngành và BQL TTTM Chợ Mơ. Cũng từ sự kiểm tra, giám sát nghiêm, 19/19 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm chay đã ký cam kết với quận, phường không kinh doanh, sử dụng hóa chất ngoài danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng, hóa chất không có nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo ATTP...

Tính từ đầu năm đến ngày 20/12/2016, Đoàn liên ngành kiểm tra ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm quận đã kiểm tra 95 lượt cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, qua đó, xử phạt 464.750.000 đồng/65 cơ sở; phạt cảnh cáo 1, tạm dừng hoạt động 21 cơ sở. Đồng thời, Đội Quản lý thị trường số 5 kiểm tra 71 cơ sở, xử phạt 357.650.000 đồng/71 cơ sở; Đoàn liên ngành kiểm tra ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm 20 phường kiểm tra 4.618 lượt cơ sở, xử phạt 93.100.000 đồng/68 cơ sở. Riêng trong “Tháng hành động vì ATTP”, đoàn liên ngành và Đội Quản lý thị trường quận kiểm tra 33 cơ sở, xử phạt 141.700.000 đồng/33 cơ sở. Kiểm tra công tác đảm bảo ATTP ở 169 cơ sở giáo dục tại quận năm học 2015 - 2016, cho thấy không xảy ra ngộ độc thực phẩm, 90% cơ sở đã thành lập (kiện toàn) BCĐ ATTP, xây dựng kế hoạch bảo đảm ATTP theo năm học.

"Một kết quả nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm quận Hai Bà Trưng năm 2016 là đã triển khai được Chuyên đề của Quận ủy “Thực trạng và một số giải pháp góp phần bảo đảm vệ sinh ATTP tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn quận”; triển khai và đã nghiệm thu Đề tài khoa học cấp cơ sở của Bộ Y tế "Thực trạng thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP của một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại quận Hai Bà Trưng-Hà Nội năm 2012"; triển khai và đã nghiệm thu Đề tài khoa học cấp TP "Nghiên cứu, điều tra thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả chấp hành văn bản quy phạm pháp luật về ATTP của một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội năm 2013 - 2014". Năm 2017, quận sẽ tăng cường hiệu lực quản lý của Ban Chỉ đạo ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm quận và kiện toàn các ban chỉ đạo ATTP cấp phường; xây dựng và triển khai hiệu quả các kế hoạch hoạt động cụ thể của quận, phường, trường học, cơ quan, đơn vị trên địa bàn; các đề tài, chuyên đề, mô hình điểm về ATTP đã được quận, Thành phố phê duyệt…" - Trưởng phòng Y tế quận Hai Bà Trưng Cao Thị Hoa