70 năm giải phóng Thủ đô

Quận Hai Bà Trưng: Trong năm 2023 thực hiện đầu tư tu bổ 14 di tích

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Trong năm nay, quận Hai Bà Trưng thực hiện 4 dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo với 7 di tích chuyển tiếp từ năm 2022 và 6 dự án tu bổ, tôn tạo với 7 di tích, bổ sung các hạng mục phụ trợ phát huy giá trị điểm, với tổng kinh phí trên 380 tỷ đồng.

Hôm nay, 23/11, tại Bến rước nước - Miếu thờ Hai Bà Trưng (phường Bạch Đằng), quận Hai Bà Trưng tổ chức Chương trình nghệ thuật kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11) và hoạt động hưởng ứng lễ hội “Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023”.

Thay mặt lãnh đạo quận phát biểu tại đây, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Thu Hiền nhấn mạnh, với vị trí quận trung tâm của Thủ đô Hà Nội, nơi lưu giữ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể lớn, trong nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân quận Hai Bà Trưng đã, đang tập trung quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản của Thủ đô nghìn năm văn hiến. Quận ủy HĐND, UBND quận đã ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch để nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, tập trung nguồn lực để tăng cường quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản. 

Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Thu Hiền phát biểu tại Chương trình
Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Thu Hiền phát biểu tại Chương trình

Trên địa bàn quận có 51 di tích được TP kiểm kê, trong đó có 35 di tích đã được xếp hạng, bao gồm 1 di tích Quốc gia đặc biệt (Cụm di tích Đền, Chùa,  Đình Hai Bà Trưng), 19 di tích xếp hạng cấp Quốc gia, 13 di tích xếp hạng cấp TP. Quận còn có 23 địa điểm lưu niệm sự kiện lịch sử - cách mạng kháng chiến. Nhiều di tích đã trở thành điểm tham quan thường xuyên của du khách, đóng góp vào sự phát triển KT-XH, góp phần quảng bá hình ảnh của quận Hai Bà Trưng nói riêng và thủ đô Hà Nội nói chung tới bạn bè quốc tế, như: Di tích quốc gia đặc biệt Đền, Chùa, Đình Hai Bà Trưng; cụm di tích Đền, Chùa, Đình Hòa Mã; cụm di tích Đình, Chùa Hưng Ký và Đền Mai Sau, Chùa Vua; Chùa Liên Phái; Chùa Hộ Quốc…

Trong những năm qua, quận luôn xác định việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Trong năm nay, quận tiếp tục thực hiện 4 dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo đối với 7 di tích chuyển tiếp từ năm 2022 và đầu tư 6 dự án tu bổ, tôn tạo đối với 7 di tích, bổ sung các hạng mục phụ trợ phát huy giá trị điểm đến từ nguồn ngân sách quận và xã hội hoá, với tổng kinh phí trên 380 tỷ đồng.

Đại diện Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận Hai Bà Trưng phát biểu 
Đại diện Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận Hai Bà Trưng phát biểu 

Để công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, chuyển hóa thành nguồn lực phát triển KT-XH bền vững, năm 2023, UBND quận đã phối hợp Hội Di sản văn hóa Thăng Long Hà Nội biên soạn cuốn sách “Di tích lịch sử quận Hai Bà Trưng” nhằm tổng hợp tư liệu về hệ thống di tích lịch sử văn hoá, di tích cách mạng kháng chiến, di tích lưu niệm sự kiện và lễ hội truyền thống trên địa bàn quận. Đồng thời, quận đã phối hợp NXB Hà Nội chuẩn bị xuất bản cuốn cẩm nang “Du lịch quận Hai Bà Trưng - Điểm đến năng động, sáng tạo” nhằm tuyên truyền, quảng bá giới thiệu về quận Hai Bà Trưng đến đông đảo người dân và du khách qua các mặt giá trị tiêu biểu về văn hoá, lịch sử, nghệ thuật, thẩm mỹ, ẩm thực, thương mại - dịch vụ…, qua đó góp phần bảo tồn và phát huy các hệ giá trị văn hóa trên địa bàn.

Tiết mục hát Chèo đặc sắc do nghệ sỹ Thanh Ngoan biểu diễn tại Chương trình
Tiết mục hát Chèo đặc sắc do nghệ sỹ Thanh Ngoan biểu diễn tại Chương trình

"Năm 2024, quận dự kiến lập hồ sơ đề nghị Bộ VH-TT&DL công nhân di sản văn hóa phi vật thể đối với Lễ hội truyền thống Hai Bà Trưng và công nhận điểm đến du lịch đối với Di tích quốc gia đặc biệt Đền - Chùa - Đình Hai Bà Trưng, Không gian đi bộ - văn hóa phố Trần Nhân Tông và phụ cận"- bà Nguyễn Thị Thu Hiền cho hay.

Các tiết mục nghệ thuật đắc sắc tại Chương trình
Các tiết mục nghệ thuật đắc sắc tại Chương trình

Tại chương trình, các đại biểu và người dân đã được thưởng thức nhiều tiết mục nghệ thuật hát Chèo, hát Văn đặc sắc dó các nghệ sỹ, nghệ nhân biểu diễn; đồng thời thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, nhằm góp phần bảo tồn và quảng bá di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. Sự kiện được tổ chức tại khu vực Bến rước nước - Miếu thờ Hai Bà Trưng rất có ý nghĩa bởi đây là nơi diễn ra nghi lễ rước nước trong lễ hội truyền thống Hai Bà Trưng hàng năm. Đây cũng là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện hưởng ứng “Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023” của quận Hai Bà Trưng diễn ra từ ngày 17 - 26/11, nhằm quảng bá, giới thiệu về việc Hà Nội tham gia Mạng lưới các thành phố Sáng tạo của UNESCO và phát huy tiềm năng thế mạnh của Thủ đô, của quận Hai Bà Trưng trong các lĩnh vực thiết kế sáng tạo.