Đa dạng nội dung, đối tượng tuyên truyền
Trưởng Phòng Tư pháp Quận Hai Bà Trưng Trần Trung Kiên cho hay, ngay từ đầu năm 2024, UBND quận đã ban hành các văn bản chỉ đạo Phòng Tư pháp và các đơn vị trong quận phối hợp triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật.
Nổi bật, quận đẩy mạnh ứng dụng ZaloOA chỉ đạo công việc giữa lãnh đạo các phòng chuyên môn và lãnh đạo 18 phường để kịp thời nắm bắt tình hình, trao đổi thông tin. Chuyên mục "Tuyên truyền phổ biến giáp dục pháp luật" trên Cổng TTĐT quận và Trang TTĐT các phường được cập nhật thường xuyên; triển khai các cuộc thi tìm hiểu về pháp luật, kết nối tới Sở Tư pháp Hà Nội.
Trong năm, UBND quận đã phát hành hơn 249.000 tờ gấp tuyên truyền “Những điểm mới của Luật căn cước”; tài liệu “Tìm hiểu một số quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng pháo”; tài liệu “Hướng dẫn đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử VneiD”; phát hành tài liệu sổ tay pháp luật “Món quà tri thức cho cuộc sống tươi đẹp” tới học sinh khối lớp 3, lớp 7 và thư viện các trường học cấp 1, 2 trên địa bàn quận với tổng số 11.077 cuốn…
Đáng chú ý, các đơn vị thành viên Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật quận và UBND 18 phường đã tổ chức hơn 500 hội nghị tuyên truyền luật, tổ chức tập huấn với hơn 40.000 lượt người tham dự, về những nội dung đa dạng như: các luật, pháp lệnh, nghị quyết mới được Quốc hội thông qua năm 2024; Luật Căn cước, Luật Thuế và chính sách thuế mới, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Quản lý thuế, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Tiếp công dân, Luật CCHC, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, chính sách mới về BHXH-BHYT, Luật Bảo vệ môi trường, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật…
Đồng thời, đã tổ chức bồi dưỡng, tuyên truyền kiến thức phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho 350 người; tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ về xây dựng, áp dụng, duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN 9001:2015 tới lãnh đạo, công chức làm công tác ISO của 12 phòng chuyên môn và UBND 18 phường; phối hợp Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội tổ chức tuyên truyền kiến thức an toàn thực phẩm cho 100 chủ hộ kinh doanh trái cây trên địa bàn…
Quận cũng tổ chức nhiều buổi tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho tổng cộng hơn 4.800 cán bộ, chiến sĩ công an và người dân trên địa bàn, nhất là đối tượng học sinh - sinh viên được tuyên truyền về các nội dung như phòng chống tác hại của ma túy, phòng chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, phòng chống tội phạm tín dụng đen, Luật Giao thông đường bộ, cổng trường an toàn…
Cùng đó, UBND quận chỉ đạo các nhà trường phát huy hiệu quả những hoạt động ngoại khóa, xây dựng chuyên trang "Phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường" và mở chuyên mục “Thông tin giáo dục pháp luật” trên Cổng TTĐT của Phòng GD&ĐT quận; chỉ đạo Phòng GD&ĐT quận hướng dẫn các trường tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam…
Trong năm 2024, toàn Quận Hai Bà Trưng đã thực hiện chi kinh phí cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật tại cấp phường là gần 800 triệu đồng và cấp quận gần 1,1 tỷ đồng.
Củng cố, phát triển những mô hình hay
Chú trọng củng cố, phát triển 2 mô hình “Câu lạc bộ phụ nữ và pháp luật”, “Nhóm nòng cốt tuyên truyền pháp luật”, năm qua, Hội LHPN quận đã tổ chức nhiều đợt sinh hoạt cho hàng trăm hội viên phụ nữ tham dự với các nội dung phong phú: cách phòng tránh lừa đảo trên không gian mạng, tuyên truyền về 10 điểm mới của Luật Căn cước công dân, Luật Đất đai sửa đổi… Đồng thời, UBND quận chỉ đạo Hội LHPN quận thường xuyên tuyên truyền, nắm bắt tình hình tại các tổ dân phố về phòng chống mua bán người, phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường, xâm hại phụ nữ và trẻ em cho cán bộ, hội viên.
Bên cạnh đó, tại phường Đồng Tâm duy trì tốt mô hình “Câu lạc bộ chủ nhà trọ an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em” với 10 hội viên nòng cốt. Quận cũng thường xuyên tổ chức tuyên truyền, nắm bắt tình hình tại các địa bàn dân cư về phòng chống mua bán người, phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường, xâm hại phụ nữ, trẻ em cho cán bộ, hội viên phụ nữ; duy trì hoạt động của các địa chỉ tin cậy tại cộng đồng.
Đáng chú ý, mô hình “Chi hội phụ nữ văn minh” được duy trì và nâng cao chất lượng, với mỗi phường duy trì 9 chi hội, các phường có nhiều chi hội xây dựng thêm 1 chi hội. Vận động các gia đình hội viên thực hiện cưới, tang văn minh, toàn quận phấn đấu trong các gia đình hội viên của chi hội đăng ký thực hiện không có gia đình nào vi phạm quy ước, tăng số đám cưới theo nếp sống mới và số đám tang thực hiện hỏa táng.
Tại 5 phường Vĩnh Tuy, Thanh Lương, Minh Khai, Đồng Tâm, Phố Huế còn duy trì và đẩy mạnh hoạt động các câu lạc bộ giúp việc gia đình với 165 thành viên; tại phường Bạch Đằng thành lập 4 nhóm phụ nữ nòng cốt lao động di cư, tổ chức tuyên truyền pháp luật và chính sách về BHXH, BHYT tự nguyện, tư vấn giám sát ký kết hợp đồng lao động theo quy định pháp luật…
Ngoài ra, triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ, hội viên Cựu chiến binh trên địa bàn Thủ đô” của UBND TP giai đoạn 2023-2025, quận đã tổ chức 268 hội nghị tại Hội CCB quận, các hội cơ sở và chi hội CCB để tuyên truyền phổ biến các Luật.
Lãnh đạo UBND Quận Hai Bà Trưng khẳng định, phát huy những kết quả thời gian qua, năm nay, quận sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác tư pháp theo kế hoạch của UBND TP ban hành, trong đó tăng cường công tác tuyên truyền các văn bản luật, văn bản dưới luật, đặc biệt chỉ đạo Phòng Tư pháp phối hợp các cơ quan, đơn vị và UBND phường thuộc quận triển khai tốt kế hoạch của UBND quận về thi hành Luật Thủ đô bảo đảm các nhiệm vụ đạt chất lượng, hiệu quả.