Quan hệ báo chí- doanh nghiệp ảnh hưởng đến cộng đồng và xã hội

Minh Tân - Quang Hải - Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi: Kết quả mối quan hệ báo chí- doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến cả cộng đồng và xã hội. Một thông tin thiếu chuẩn xác, thông tin sai sự thật của báo chí hay một phản ứng thiếu kịp thời, thiếu minh bạch có thể “giết chết” một doanh nghiệp, một cơ quan báo chí.

Đây là nhận định chung của nhiều đại biểu dại diễn đàn “Báo chí- Doanh nghiệp đồng hành vì sự phát triển bền vững” do Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức tại TP Đà Nẵng chiều ngày 12/6.

Ba nguyên tắc cơ bản của hợp tác doanh nghiệp- báo chí

Tại diễn đàn, các doanh nghiệp và nhà quản lý cho biết, trong bối cảnh hiện tại, đối diện với những khó khăn trong tình hình chung của thị trường, doanh nghiệp và báo chí là 2 đơn vị cùng phát triển song song không thể tách rời trong chặng hành trình xây dựng và phát triển.

Theo đó, các doanh nghiệp mong muốn báo chí sẽ tiếp tục là người bạn đồng hành, hỗ trợ và chia sẻ những khó khăn chung cùng doanh nghiệp, tiếp tục là kênh thông tin chính thống phản ánh chính xác, đầy đủ thông tin đến bạn đọc.

Phó Tổng giám đốc Công ty BĐS Eco REAL Nguyễn Tấn Việt.
Phó Tổng giám đốc Công ty BĐS Eco REAL Nguyễn Tấn Việt.

Phó Tổng giám đốc Công ty BĐS Eco REAL Nguyễn Tấn Việt cho rằng, báo chí và doanh nghiệp đều đóng vai trò then chốt trong việc định hướng và hình thành tri thức, giúp doanh nghiệp cạnh tranh và phát triển.

Ông Việt đưa ra 3 nguyên tắc cơ bản khi hợp tác: Quan hệ hợp tác cởi mở; Mối quan hệ độc lập và trung thực; Quan hệ xây dựng để tạo niềm tin cho xã hội.

Rõ ràng, cơ quan báo chí và doanh nghiệp đều hoạt động dựa trên tôn chỉ mục đích riêng của mình. Trong tương lai cả hai cần tăng cường tổ chức những diễn đàn trên tinh thần giao lưu, hợp tác và chia sẻ thẳng thắn, cởi mở. 

Doanh nghiệp cũng cần chủ động hơn trong việc cung cấp thông tin một cách thường xuyên, nhanh chóng và chính xác góp phần nâng cao tính cạnh tranh về mặt thương hiệu và sản phẩm. Các cơ quan báo chí không ngừng nâng cao năng lực, phẩm chất đạo đức, đảm bảo chất lượng thông tin và môi trường kinh doanh lành mạnh.

 

Đây là diễn đàn thứ 3 trong chuỗi sự kiện “Báo chí- Doanh nghiệp đồng hành vì sự phát triển bền vững” do Báo Kinh tế và Đô thị tổ chức tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Chúng tôi mong muốn, đây là một kênh để tăng hiệu quả truyền thông của doanh nghiệp. Kỳ vọng rằng sức ảnh hưởng của các sự kiện mà Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức không chỉ dừng ở trong sự kiện mà còn có sự lan toả lâu dài hơn nữa. Trong khó khăn, chúng ta chia sẻ với nhau thì lúc đoàn kết, sự thành công của những hợp tác báo chí- doanh nghiệp sẽ càng chặt chẽ”, Phó Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Lê Hoàng Anh chia sẻ.

“Tóm lại, mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp đang được cả thế giới quan tâm. Kết quả của mối quan hệ sẽ ảnh hưởng đến cộng đồng và xã hội. Do đó dù đặt trong hoàn cảnh nào thì cả hai phải “Bình đẳng và thượng tôn pháp luật”, Phó Tổng giám đốc Eco REAL Nguyễn Tấn Việt nói.

Trong khi đó, đại diện Tập đoàn FVG đề cao vai trò của truyền thông báo chí trong quá trình đồng hành, hỗ trợ đơn vị. Không chỉ chuyển tải những thông tin hoạt động kinh doanh, sự kiện, báo chí còn là cầu nối để chuyển tải những tâm tư nguyện vọng, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các dự án đến với chính quyền địa phương.

“Chúng tôi xem báo chí là là một kênh thông tin quan trọng góp phần kết nối đến khách hàng, và chuyển tải những nguyện vọng, tiếng nói của mình đến chính quyền địa phương. Quan trọng hơn hết, FVG luôn mong muốn được hợp tác cùng các đơn vị báo chí để xây dựng, phát triển và lan tỏa thương hiệu hơn nữa trong tương lai, để công chúng và xã hội có nhận thức đúng về doanh nghiệp”, Tập đoàn FVG bày tỏ.

Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp

Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Đà Nẵng Nguyễn Hồng Cương cho rằng, báo chí đã hỗ trợ rất nhiều cho các doanh nghiệp, nhất là về công tác xã hội, tiêu biểu là trong dịch Covid-19, lực lượng báo chí góp phần tích cực cùng doanh nghiệp huy động lương thực, thực phẩm, nhận được nguồn lực để hỗ trợ cho người dân.

Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Đà Nẵng Nguyễn Hồng Cương.
Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Đà Nẵng Nguyễn Hồng Cương.

“Tiếng nói của chúng tôi cũng được cơ quan chức năng biết đến thông qua báo chí. Doanh nghiệp mong muốn rằng, khi mạng xã hội đưa thông tin thiếu chính xác, gây ảnh hưởng bất lợi cho doanh nghiệp thì lúc này, báo chí chính thống chính là lực lượng có tiếng nói khách quan, đưa thông tin trung thực, chính xác, góp phần tháo gỡ. Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng rất mong muốn đồng hành với báo chí, nhất là Kinh tế & Đô thị”, ông Cương khẳng định.

Ở góc độ báo chí, nhà báo Trịnh Quốc Dũng (Thông tấn xã Việt Nam tại Đà Nẵng) nêu ra thực trạng khá phổ biến hiện nay, đó là mạng xã hội có nhiều thông tin trái chiều, gây ảnh hưởng xấu đến doanh nghiệp nhưng khi báo chí chính thống liên hệ thì thường nhận được sự lảng tránh, thiếu hợp tác từ phía doanh nghiệp.

Nhà báo Trịnh Quốc Dũng tham gia ý kiến tại diễn đàn.
Nhà báo Trịnh Quốc Dũng tham gia ý kiến tại diễn đàn.

“Báo chí chính thống mong muốn doanh nghiệp có phản hồi nhanh, đúng để đưa thông tin chính xác đến với người đọc. Nếu không chủ động cung cấp thông tin cho báo chí chính thống thì chính doanh nghiệp sẽ gặp nhiều bất lợi”, nhà báo Dũng nêu quan điểm.

Theo Phó Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Lê Hoàng Anh, diễn đàn “Báo chí- Doanh nghiệp đồng hành vì sự phát triển bền vững” tại Đà Nẵng đã làm rõ về mối quan hệ giữa báo chí với doanh nghiệp; phân tích vai trò quan trọng của báo chí đối với doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập, đặc biệt là sự tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19 đã khiến doanh nghiệp và báo chí gặp vô rất nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và kinh tế báo chí.

Phó Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Lê Hoàng Anh.
Phó Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Lê Hoàng Anh.

Diễn đàn cũng đã phân tích thực trạng hoạt động truyền thông của báo chí đối với cộng đồng doanh nghiệp về phát triển kinh tế gắn với an ninh quốc phòng trong thời kỳ hội nhập.

Bên cạnh đó, làm rõ những vấn đề đặt ra và nguyên nhân của việc chưa đồng thuận giữa doanh nghiệp và báo chí; những thông tin chưa chính xác, vấn đề “chính thống hóa” tin đồn trên báo chí ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu và quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp.

Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm xử lý khủng hoảng truyền thông, cải chính thông tin và định hướng dư luận nhằm góp phần tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước.

Diễn đàn khẳng định vai trò của báo chí là cầu nối giữa Nhà nước với doanh nghiệp và ngược lại.
Diễn đàn khẳng định vai trò của báo chí là cầu nối giữa Nhà nước với doanh nghiệp và ngược lại.

Cuối cùng, diễn đàn đã khẳng định vai trò của báo chí là cầu nối giữa Nhà nước với doanh nghiệp và ngược lại; Đề xuất những kiến nghị và giải pháp quan trọng nhằm nâng cao kỹ năng tác nghiệp và đạo đức nghề nghiệp cho các nhà báo khi viết và phản ánh về doanh nghiệp; Xây dựng chiến lược truyền thông cho các doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập quốc tế…