Nhìn lại đau thương
“Khi tôi trở thành thượng nghị sĩ của Vermont năm 1975, một trong những lá phiếu đầu tiên tôi bỏ là cho một bộ luật để ngăn tài trợ cho chiến tranh ở Việt Nam. Luật đó đã được thông qua”, đó là những dòng đầu trong bài chia sẻ của Thượng nghị sĩ Mỹ Patrick Leahy trước chuyến thăm Việt Nam vào tháng 4/2019.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội ngày 27/2/2019. |
Là một trong những giới chức Mỹ đi đầu trong quá trình giải quyết hậu quả chiến tranh tại Việt Nam và thúc đẩy quan hệ Mỹ - Việt, Thượng nghị sĩ Patrick Leahy nhìn lại cuộc chiến: “Từ ngữ không thể mô tả tương xứng mức độ khốc liệt của cuộc chiến đó đối với người dân của cả hai nước”.
Từ đầu những năm 1960 cho đến 1975, Việt Nam và Mỹ bị lôi kéo vào một trong những cuộc xung đột thảm khốc nhất của giai đoạn cuối thế kỷ XX. Cuộc kháng chiến chống Mỹ - thường được gọi là “Chiến tranh Việt Nam” tại Mỹ - đã gây thiệt hại khủng khiếp cho cả hai nước, khi khiến khoảng 3 triệu người Việt Nam - bao gồm cả dân thường và binh lính, cùng hơn 58.000 người Mỹ đã bỏ mạng. Dù cuộc chiến đã kết thúc, nhưng hậu quả của nó vẫn tồn tại đến ngày nay, bao gồm những di chứng chiến tranh còn đang dày vò thân thể các cựu chiến binh Việt - Mỹ và những thế hệ sau.
Quá trình giải quyết hậu quả chiến tranh chống Mỹ tại Việt Nam bắt đầu tại sân bay Đà Nẵng, một căn cứ quân sự cũ của Mỹ, nơi còn tàn dư chất độc dioxin, do Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) triển khai. 100.000m3 đất và bùn đã được khử độc. USAID cũng mở rộng các chương trình sức khỏe và tàn tật với 7 tỉnh của Việt Nam nhằm cung cấp y tế, phục hồi chức năng, cơ sở hạ tầng và trợ giúp xã hội cho nhiều người tàn tật Việt Nam ở những vùng bị nhiễm độc nặng nề.
Hướng đến tương lai
Tuy nhiên giờ đây, “cuộc chiến tranh Việt Nam không bị lãng quên, nhưng có cảm giác rằng sự cay đắng của quá khứ đã lắng xuống từ lâu”. Đó là lời nhận xét của cây bút David Stout từ Tạp chí Times sau lần được đồng hành với một số cựu binh Việt Nam trên chuyến tàu từ Hà Nội vào Sài Gòn để tưởng niệm những người đồng đội đã ngã xuống nhân ngày Tết độc lập 30/4 cách đây 5 năm. Những người lính năm xưa nay sẵn sàng nâng ly và trò chuyện với những người bạn mới đến từ nước Mỹ. Chính điều này cũng đã thay đổi ít nhiều mặc cảm của Stout trước chuyến đi.
Sự cởi mở từng bước mà thiết thực đó đã phần nào thể hiện mối quan hệ đã được cải thiện đáng kể của hai nước trong hơn 40 năm qua. Chính phủ hai nước Việt Nam và Mỹ luôn hướng đến sự kết nối hòa bình, ổn định. Động thái hòa giải được bắt đầu kể từ khi Mỹ chính thức dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam vào năm 1994 và tháng 7/1995 Mỹ chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Năm 2000 chứng kiến việc Tổng thống Bill Clinton trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên của Mỹ tới thăm Việt Nam kể từ sau chiến tranh. Hai nước sau đó đã nhanh chóng ký kết nhiều hiệp định thương mại song phương, để đến năm 2007, Quốc hội Mỹ chính thức phê chuẩn tình trạng “quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn” với Việt Nam.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là nguyên thủ Việt Nam đầu tiên đến Phòng Bầu dục trong chuyến thăm Mỹ năm 2015 theo lời mời của Tổng thống Mỹ bấy giờ - ông Barack Obama. Việt Nam cũng là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đến thăm ngay sau khi nhậm chức - càng ý nghĩa hơn nếu xét thêm việc Tổng thống Obama thăm Hà Nội vào tháng 5/2016, đưa Việt Nam trở thành quốc gia Đông Nam Á duy nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh đón tiếp hai nguyên thủ Mỹ đương nhiệm tới thăm trong hai năm liên tiếp. Theo giới quan sát, chính những nỗ lực ngoại giao kể trên của chính quyền Việt - Mỹ đã tác động tích cực tới công dân hai nước.
Những thành tựu cụ thể
Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 4 này, Thượng nghị sĩ Patrick cùng nhiều quan chức Mỹ và Việt Nam chứng kiến việc ký kết một thỏa thuận giữa hai nước cam kết trong 5 năm hỗ trợ chương trình sức khỏe cho những người bị khuyết tật tại các tỉnh bị nhiễm chất độc da cam nặng. Đặc biệt, dự án xử lý dioxin tại Sân bay Biên Hòa - điểm nóng ô nhiễm dioxin lớn nhất còn lại tại Việt Nam đã được khởi động.
“Đối với tôi, không thể tha thứ cho cuộc chiến điên rồ đó và sự hạ thấp những hủy diệt khủng khiếp cũng như đau khổ mà nó gây ra. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tự hào về cách hai nước đã làm để vượt qua những hậu quả đó. Chúng ta còn một con đường dài và còn phải đi tiếp” - theo Thượng nghị sĩ Patrick Leahy.
Suốt 4 thập kỷ, Sân bay Đà Nẵng là một trong những “điểm nóng” lưu chứa chất độc dioxin, đe dọa cuộc sống của người dân lân cận. Nhưng hơn một năm trước, Hội nghị thượng đỉnh APEC đã được tổ chức tại đây. Sau đó vào đầu năm 2018, tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson đã cập cảng Đà Nẵng. Chuyến thăm lúc đó được xem như là một bước đi quan trọng mà theo đúng nghĩa đen đã đưa hai “cựu thù” xích lại gần nhau, đồng thời cho thấy một mức độ tin cậy lẫn nhau cao hơn giữa hai nước. Giới chức Mỹ hồi tháng 4 cũng để ngỏ khả năng về chuyến thăm của một tàu sân bay khác tới Việt Nam trong năm nay, với kỳ vọng đây có thể là một hoạt động thường xuyên trong khuôn khổ quan hệ hai nước, “một mối quan hệ trưởng thành và chiến lược”.
Bên cạnh đó, hợp tác kinh tế vẫn là nền tảng trong quan hệ giữa hai nước. Cục Hàng không Liên bang (FAA) thuộc Bộ Giao thông Mỹ hồi tháng 2/2019 đã thông báo rằng Việt Nam tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) và đã được xếp hạng 1. Như vậy, các hãng hàng không Việt Nam sẽ có thể thiết lập dịch vụ bay thẳng đến Mỹ. Năm 2019 cũng đánh dấu 25 năm ngày lệnh cấm vận thương mại của Mỹ đối với Việt Nam được dỡ bỏ. Thương mại song phương hai nước đã tăng từ chỉ hơn 200 triệu USD năm 1994 lên hơn 50 tỷ USD hiện nay.
Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm sự kiện này tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng, quá trình bình thường hóa và phát triển quan hệ giữa Việt – Mỹ từ cựu thù thành bạn rồi là đối tác toàn diện ngày hôm nay đã đem lại lợi ích lớn cho Nhân dân hai nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Để có những bước đi mang tính lịch sử trong quan hệ Việt - Mỹ, cả hai bên đều phải dũng cảm vượt qua chính mình với sự kiên định trong hành động, sự sáng suốt về trí tuệ và có tầm nhìn chiến lược, niềm tin mạnh mẽ vào tương lai tươi sáng của hai nước, hai dân tộc.
Một cuộc thăm dò năm 2016 của Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy, 78% người Việt Nam có cái nhìn thiện chí đối với nước Mỹ, trong khi 57% người Mỹ trả lời cuộc thăm dò của Gallup hồi 2013 đã cho rằng việc gửi quân đội đến chiến đấu ở Việt Nam là một sai lầm. Quốc tế đánh giá Việt Nam là một quốc gia trẻ, với độ tuổi trung bình khoảng 29 - sinh ra khi chiến tranh đã lùi xa, khiến đa phần người dân nhiều khả năng đề cao các mối quan hệ kinh tế hơn những tàn dư chính trị từ Chiến tranh Lạnh của hơn 40 năm trước. |