Theo RT, Nga và Israel vốn có quan hệ tốt đẹp bất chấp những hỗn loạn ở khu vực Trung Đông. Tuy nhiên, mối quan hệ này có khả năng bị ảnh hưởng khi Nga đổ lỗi cho Israel về việc chiếc máy bay trinh sát IL-20 bị bắn hạ tại Syria.
Dù về mặt kĩ thuật, tên lửa Syria đã trực tiếp bắn rơi chiếc máy bay, Moscow khẳng định nguyên nhân của thảm họa này là do các máy bay Israel đã sử dụng chiếc IL-20 làm lá chắn phòng thủ.
Sơ đồ vụ máy bay IL-20 bị bắn hạ |
Khu vực Trung Đông vốn chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt. Căng thẳng đã gia tăng từ sau sự kiện Mùa Xuân Ả Rập khiến khu vực vốn phức tạp này ngày càng trở thành nơi để các bên theo đuổi tham vọng riêng. Trong bối cảnh đó, Nga và Israel vẫn cố gắng duy trì mối quan hệ giao hảo.
Trong năm 2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặp gỡ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu 3 lần, dù truyền thông không tiếp cận được nhiều thông tin về các thảo luận kín giữa hai bên. Việc Israel là một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ chưa từng khiến Moscow phiền não. Trong khi đó, Nga vẫn duy trì quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, vốn là những bên đối đầu với Israel.
Đối với Nga, Israel không chỉ là một đối tác địa chính trị quan trọng với năng lực hạt nhân đáng kể tại khu vực hỗn loạn nhất thế giới, mà còn là nơi khoảng 1,3 triệu người sinh tại các quốc gia Xô Viết sinh sống.
Dù Israel nỗ lực giảm ảnh hưởng của Iran tại Syria hay ủng hộ phiến quân chống chính quyền, cũng không gây ra khủng hoảng trong quan hệ với Moscow.
Tuy nhiên, vụ chiếc máy bay IL-20 bị bắn nhầm có nguy cơ gây căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước.
Một số giả thuyết được đưa ra, trong đó có việc Israel giữ lập trường vững chắc phản bác lại sự tăng cường quân sự của Iran và Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực, do đó những hành động gần đây có thể là nỗ lực của Israel nhằm nhắc nhở rằng cuộc khủng hoảng Syria còn những thành phần tham dự khác. Chỉ một ngày trước vụ máy bay IL-20 bị bắn rơi, Tổng thống Nga và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đạt thỏa thuận hành động tại khu vực Idlib, cứ địa quân sự trong yếu duy nhất còn nằm ngoài tầm kiểm soát của Syria.
Quan hệ Nga – Israel sẽ đi tới đâu?
"Hai bên có sự tin tưởng đáng kể. Nhưng hôm nay lòng tin đó đã bị phá hoại nghiêm trọng", theo Yuri Barmin, một chuyên gia tại Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga nhận định.
Trong khi đó, Jonathan Spyer, chuyên viên tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Jerusalem, nhận định nếu muốn đáp trả, Nga có thể cung cấp cho Syria hệ thống phòng không tiên tiến, điều sẽ làm Israel phải đau đầu.
Cùng quan điểm đó, RT khẳng định, Nga có rất nhiều cách trực tiếp và gián tiếp để ảnh hưởng lợi ích của Israel, nếu Moscow thực sự có ý định đó. Hiện Moscow sẽ "gần như chắc chắn" về quyết định cung cấp hệ thống chống máy bay S-300 cho Syria, vốn đã lên đơn từ trước đó. Theo các chuyên gia, Nga cũng có thể cung cấp vũ khí cho các phe đối lập với Israel như Iran hay Hezbollah.
Tuy nhiên, Phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma quốc gia Nga Franz Klintsevich cho rằng Nga đơn giản sẽ không sử dụng tới hạ sách này và Moscow căn bản sẽ không bao giờ xen vào cuộc chiến giữa giữa Isreal và các quốc gia khác.
"Người Nga không có nhiều đồng minh đến mức họ sẽ ném một trong số đó xuống dưới gầm xe buýt ", ông Yuri Barmin ví von.
Thực tế là Nga đã công khai với những cáo buộc một cách nhanh chóng "cho thấy Nga đã bị xúc phạm với những hành động vô trách nhiệm" của Israel, chuyên gia Nikolay Surkov từ Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế Nga chia sẻ với RT.
Moscow miêu tả hành động của Israel trong vụ máy bay IL-20 là “không thân thiện” và “khinh suất” trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga tuyên bố kiên quyết rằng các máy bay Israel dùng chiếc IL-20 làm bình phong. Tuy nhiên, leo thang căng thẳng cũng không có lợi cho cả Israel lẫn Nga.Tuyên bố mới đây của Tổng thống Nga Putin rằng vụ máy bay Nga bị bắn rơi là hậu quả từ chuỗi các thảm kịch vô tình cho thấy Moscow dường như sẽ không vì vụ việc này mà làm rạn nứt nghiêm trọng quan hệ với Tel Aviv.
“Mọi thứ đã được làm để ngăn chặn tai nạn này”, chuyên gia Nikolay Surkov nói, đồng thời khẳng định cả Moscow và Tel Aviv sẽ hiểu rằng sẽ chẳng ai được lợi nếu mối quan hệ này sứt mẻ.
"Tôi tin rằng chúng ta đang chứng kiến một tai nạn," Grigory Lukyanov, học giả từ trường Đại học Nghiên cứu Quốc gia Nga về Kinh tế học nhận định. Dù vụ việc này sẽ gây ra cuộc tranh luận công khai về tình trạng quan hệ giữa hai nước, cả hai nước sẽ tập trung hơn đến việc duy trì sự hợp tác của họ thay vì để sự cố này làm hỏng quan hệ song phương. Những vấn đề hợp tác này bao gồm cuộc xung đột ở Syria và quan hệ giữa Israel và Iran, nơi Nga mong muốn giữ vị trí là một hòa giải viên.