70 năm giải phóng Thủ đô

Quan hệ thương mại Việt Nam - EU: Bước đột phá mới

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ủy ban châu Âu (EC) vừa thống nhất thông qua việc trình lên Hội đồng châu Âu chấp thuận để ký chính thức Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), dự kiến cuối năm 2018 và trình Nghị viện châu Âu phê chuẩn vào đầu năm 2019. Việt Nam đón đầu ra sao, cần làm những gì để đảm bảo lợi ích và hiệu quả của Hiệp định?

Kiểm tra hàng xuất khẩu tại Công ty CP May 10. Ảnh: Thanh Hải
Tác động hai chiều

Trong thông báo của EC cũng đã nêu ý kiến của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean Claude Junker nhấn mạnh EVFTA là ví dụ điển hình thể hiện chính sách thương mại hiện nay của EU, mang lại những lợi ích chưa từng có đối với DN và người dân châu Âu cũng như Việt Nam.

Sau khi Hiệp định có hiệu lực, có đến 99% các ngành hàng sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan, giảm thuế ngay về 0%, trong khi hiện nay, Việt Nam mới được hưởng 0% thuế nhập khẩu cho khoảng 42% nhóm hàng, sản phẩm xuất khẩu vào thị trường EU.

Theo các chuyên gia, EVFTA sẽ giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu, nhất là những sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh như dệt may, giày dép, nông sản, những mặt hàng mà EU không có thế mạnh hoặc không sản xuất được như thủy sản, trái cây nhiệt đới...
Các DN cũng phải đối mặt với những khó khăn khác như khả năng lớn dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam sau cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Đơn hàng từ Trung Quốc tràn sang nhưng cũng có nguy cơ sẽ trở thành nơi “đóng dấu” xuất xứ cho hàng Trung Quốc xuất qua Mỹ. Trong quá khứ, giai đoạn 2006 - 2010, da giày Việt Nam từng bị EU đánh thuế chống bán phá giá và DN gặp rất nhiều khó khăn.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
Riêng với dệt may đang phải chịu mức thuế từ 7 - 17%, khi thuế về 0%, EVFTA có thể giúp xuất khẩu tăng thêm được 1,54 tỷ USD vào năm 2023 và 5,82 tỷ USD vào năm 2028 so với trường hợp không có FTA. Ngoài ra, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ EU được dự đoán tăng trưởng hơn nữa. Việt Nam cũng có cơ hội trở thành địa bàn thu hút mạnh đầu tư của EU và là điểm trung chuyển, kết nối các hoạt động thương mại - đầu tư của EU tại khu vực ASEAN.

Ở chiều ngược lại, các nhà đầu tư, xuất khẩu từ EU cũng có nhiều cơ hội hơn để thâm nhập thị trường thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực với quy mô dân số gần 100 triệu người. Việt Nam sẽ phải mở cửa tự do đối với 65% các dòng thuế hàng hóa của EU xuất khẩu sang Việt Nam tại thời điểm thực thi Hiệp định, các dòng thuế còn lại sẽ được dần xóa bỏ trong giai đoạn 10 năm.

Theo tính toán của 2 bên, xuất khẩu của Việt Nam vào EU sẽ tăng thêm 4 - 6% vào năm 2019 so với nếu không có EVFTA, tương đương tăng thêm khoảng 19 tỷ USD. Đến năm 2028, tăng trưởng xuất khẩu sẽ tăng thêm hơn 75 tỷ USD.

Cải cách thể chế và thị trường

Việt Nam có khai thác được 100% cơ hội hay không lại là vấn đề bởi đi kèm với các cam kết ưu đãi giảm thuế của EVFTA là những yêu cầu cao về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêu chuẩn kháng sinh đối với sản phẩm xuất khẩu. Liên quan đến chống đánh bắt cá trái phép, đây thực sự là vấn đề làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách thủy sản. EC đã đến kiểm tra tại Việt Nam vào trung tuần tháng 5 vừa rồi và sẽ quay lại để xem xét vấn đề "thẻ vàng" với thủy sản của Việt Nam vào tháng 1/2019. Hay như ngành dệt may là xuất xứ nguyên phụ liệu, dù FTA Việt Nam - EU chỉ yêu cầu đảm bảo nguồn gốc xuất xứ từ vải chứ không phải từ sợi như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP. Đến nay, ngành dệt may Việt Nam mới chỉ cung cấp được khoảng 30% nguyên liệu vải nội địa, vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu từ nhiều thị trường ngoài EU. “Vì vậy, để khai thác và chiếm lĩnh thị trường tốt hơn, Nhà nước cần có chính sách thu hút hỗ trợ các DN đầu tư vào vùng sản xuất nguyên phụ liệu”- chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ.

Báo cáo "Tác động của EVFTA đến cải cách chính sách và thể chế" do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) thực hiện đặt ra việc cải thiện môi trường kinh doanh, hiện thực hóa các tiêu chuẩn thể chế kinh tế hiện đại theo nguyên tắc thị trường nhiều hơn. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, sẽ có hàng loạt luật, văn bản pháp quy cần phải sửa đổi, trong đó có những lĩnh vực EU “rất quan tâm” liên quan đến lao động, công đoàn; chống đánh bắt cá trái phép; bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.