Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong:

Quận Hoàn Kiếm phải đi đầu trong phát triển văn hóa, giáo dục

Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 23/3, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong - Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy chủ trì làm việc với Quận uỷ Hoàn Kiếm nghe báo cáo tình hình, kết quả của quận trong thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy (khoá XVII).

12 chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch

Theo Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hoàn Kiếm Đinh Hồng Phong, để triển khai thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, giai đoạn 2021-2025”, quận Hoàn Kiếm đã kịp thời xây dựng Chương trình, Kế hoạch, Đề án và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả, gắn với các nhiệm vụ chuyên môn cụ thể từng ngành, lĩnh vực trong toàn quận. Công tác tuyên truyền giáo dục, quảng bá được triển khai sâu rộng bằng nhiều hình thức phong phú, thu hút sự quan tâm, hưởng hứng của đông đảo tầng lớp Nhân dân. Nhờ đó, đời sống văn hóa tinh thần và vật chất của người dân trên địa bàn được nâng cao.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu tại cuộc làm việc.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu tại cuộc làm việc.

Cụ thể, Ban Chỉ đạo Chương trình của quận đã xây dựng và ban hành 26 chỉ tiêu. Kết quả đến năm 2021 đã có 12 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến xây dựng môi trường văn hóa; bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa nghệ thuật. Quận đã phối hợp với Sở VH&TT khảo sát các di tích xuống cấp cần đầu tư tu bổ, tôn tạo để báo cáo đề xuất TP hỗ trợ về nguồn lực đầu tư 6 di tích trong giai đoạn 2022-2025 với số tiền 361,8 tỷ đồng.

Bên cạnh các điểm di tích cố định, quận Hoàn Kiếm đã linh hoạt, sáng tạo trong công tác tổ chức, tạo điểm tĩnh kết hợp với không gian công cộng cởi mở, thiên về các hoạt động cộng đồng, lồng ghép một cách hài hòa với các không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm, phố cổ Hà Nội, không gian bích họa phố Phùng Hưng, phố sách 19/12, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật. Trong thời gian qua, trung bình mỗi ngày cuối tuần có khoảng 20.000 lượt khách đến với không gian phố đi bộ, trở thành điểm đến văn hóa và góp phần rất lớn vào sự phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ của quận Hoàn Kiếm.

Đặc biệt, từ ngày 18/3, quận Hoàn Kiếm mở lại các không gian đi bộ trên địa bàn để khởi động hoạt động du lịch. Tất cả nhằm xây dựng và quảng bá hình ảnh quận Hoàn Kiếm là điểm đến du lịch “An toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn”.

Để hoàn thành những mục tiêu đề ra, quận Hoàn Kiếm kiến nghị TP xem xét hỗ trợ từ ngân sách TP cho quận để thực hiện các dự án về văn hóa, giáo dục; có hướng dẫn cụ thể phê duyệt các dự án tu bổ, tôn tạo di tích bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Đồng thời, ưu tiên quy hoạch quỹ đất cho quận để đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao theo tiêu chuẩn quốc gia. Đáng chú ý, để triển khai hiệu quả Đề án nâng cao chất lượng tuyến phố văn hóa ẩm thực tại phố Tống Duy Tân – ngõ Hàng Bông, quận đề xuất TP cho phép tổ chức phố đi bộ, cấm các phương tiện lưu thông tại tuyến phố theo 2 giai đoạn của đề án (giai đoạn 1 từ tháng 4/2022 đến 4/2023 và giai đoạn 2 từ tháng 4/2023)…

Quang cảnh cuộc làm việc.
Quang cảnh cuộc làm việc.

Gắn văn hóa với phát triển đô thị

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đánh giá cao sự chủ động, tích cực, rất có trách nhiệm của quận Hoàn Kiếm trong việc triển khai Chương trình số 06-CTr/TU. Trong đó, quận đã đề cao vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng đối với lĩnh vực văn hóa, giáo dục, phát triển công nghiệp văn hóa. Ngoài ra, quận đang triển khai Nghị quyết 09/NQ-TU đúng hướng và nếu thực hiện thành công sẽ thay đổi được cơ bản về phát triển văn hóa trên địa bàn và các lĩnh vực phát triển khác.

Nhấn mạnh giai đoạn 2021- 2025, TP xác định 6 nhóm lĩnh vực (du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, thiết kế, ẩm thực, thời trang) để tập trung phát triển, Phó Bí thư Thành ủy yêu cầu, quận cần bình tĩnh đánh giá lại lợi thế và nhất là những điểm nghẽn đang cản trở phát triển hiện nay. “Phải chăng nhiều lĩnh vực của Hoàn Kiếm đã phát triển đến giới hạn, kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ, bộ mặt đô thị phát triển không đồng đều, cuộc sống người dân chênh lệch lớn….” - Phó Bí thư Thành ủy nêu.

Chia sẻ với những lợi thế về văn hóa mà quận Hoàn Kiếm đang nắm giữ, Phó Bí thư Thành ủy yêu cầu, việc đầu tiên phải thống nhất về mặt nhận thức, phát triển văn hóa, phát triển con người là nhiệm vụ hết sức quan trọng và là nền tảng để phát triển bền vững. “Cấp ủy, chính quyền, cán bộ phải nhận thức sâu sắc vấn đề này. Phải xác định mục tiêu, trách nhiệm của quận Hoàn Kiếm ở mức độ cao hơn. Hoàn Kiếm phải đi đầu toàn TP trong phát triển văn hóa, giáo dục, nhất là công nghiệp văn hóa” - Phó Bí thư Thành ủy yêu cầu.

Nhấn mạnh chưa bao giờ lĩnh vực văn hóa đứng trước nhiều cơ hội phát triển như hiện nay, Phó Bí thư Thành ủy cho rằng, phát triển văn hóa, giáo dục, con người hay rộng hơn là phát triển công nghiệp văn hóa vô cùng quan trọng, phù hợp với xu thế hiện nay. Trong đó, cần chú trọng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển công nghiệp văn hóa.

“Phải mạnh dạn từ trong tư duy, có sự so sánh, tham khảo với các thành phố, Thủ đô trên thế giới để có sự phát triển phù hợp. Trong đó, cần gắn văn hóa với phát triển đô thị, phát triển kinh tế ban đêm và đẩy mạnh hội nhập quốc tế về văn hóa” – Phó Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Theo Phó Bí thư Thành ủy, quận Hoàn Kiếm cần xác định lại nội hàm của cụm từ “phố đi bộ”, hướng đến phát triển “không gian văn hóa khu vực hồ Hoàn Kiếm”. Đồng thời, quận cần sáng tạo, mạnh dạn hơn trong đưa ra các ý tưởng để triển khai xây dựng các dự án liên quan đến không gian văn hóa.

“Quận Hoàn Kiếm cần sớm có đề án phát huy, khôi phục phố nghề, đặc biệt là những nơi có giá trị phi vật thể như tranh hàng Trống. Trong đó, có thể giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng cho Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Hà Nội trong đào tạo nhân lực, hỗ trợ các nghệ nhân để duy trì các phố nghề. Đồng thời,  đẩy mạnh phát triển các thị trường, sản phẩm văn hóa của Thủ đô. Đặc biệt, quận cần đưa nội dung sáng tạo, giáo dục di sản và giáo dục địa phương vào các chương trình giảng dạy của nhà trường để qua đó góp phần xây dựng các công dân sáng tạo” – Phó Bí thư Thành ủy yêu cầu.