Quận Hoàn Kiếm là trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế, văn hóa, gắn liền với truyền thống lịch sử ngàn năm văn hiến của Thủ đô; nơi giao lưu của cả nước và quốc tế, lưu lượng khách ra vào địa bàn quận lớn; các khu vực dân cư chủ yếu là khu phố cổ, phố cũ với mật độ dân số sinh sống cao; đường phố nhỏ, có nhiều ngõ hẹp, sâu.
Trên địa bàn quận chủ yếu là khu phố cổ, có đặc điểm tuyến phố nhỏ, cây xanh nhiều, mật độ dân số đông là đầu mối tập trung nhiều hàng hoá, nhà cửa xây mới xen lẫn nhà cũ. Trong đó, có nhiều nhà tập thể cũ đã xuống cấp nguy hiểm. Hệ thống giao thông trên địa bàn chật hẹp, nhiều ngõ ngách, có nhiều điểm giao cắt, nếu xảy ra thiên tai, cháy nổ sẽ rất khó khăn trong việc cứu hộ, cứu nạn. Các trang thiết bị đảm bảo cho nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn hạn chế khi có tình huống phức tạp xảy ra đặc biệt là ở các nhà cao tầng; khu phố cổ.
Một số khu dân cư có cốt nền thấp, hệ thống thoát nước chưa đồng bộ; một số công trình phục vụ tiêu úng đã bị xuống cấp, nên khi có mưa bão xảy ra dễ gây úng ngập cục bộ…
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Trịnh Hoàng Tùng đề nghị Đảng ủy, Ban Chỉ huy Quân sự quận cùng toàn thể lực lượng vũ trang Quận Hoàn Kiếm thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, quản lý, điều hành của chỉ huy các cấp, trong hoạt động phòng chống thiên tai; tăng cường công tác phối hợp hiệp đồng với các phòng, ban ngành và địa phương; huy động tối đa sự tham gia của các tổ chức chính trị, doanh nghiệp và cộng đồng để chủ động phòng ngừa, giảm nhẹ thiệt hại về người và tài sản.
Kiện toàn tổ chức, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn các cấp; xây dựng quy chế làm việc, triển khai thực hiện nghiêm túc, bài bản, chịu trách nhiệm về nhiệm vụ được phân công; có kiểm điểm đánh giá việc thực thi nhiệm vụ.
Xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai cấp quận, phường sát thực tế địa bàn; quy định nhiệm vụ, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan đồng thời xây dựng kế hoạch và kiểm tra, giám sát việc thực hiện.
Thường xuyên kiểm tra việc bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn công trình an toàn trước thiên tai; tiến hành đẩy mạnh việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm quy định về an toàn thiên tai.
Tăng cường trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nhiệm vụ ứng phó với thiên tai; Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo truyền tin thiên tai tới Nhân dân; Hệ thống truyền tin về thiên tai tại cơ sở; xây dựng cơ chế phối hợp đảm bảo sự tham gia của các nhà mạng viễn thông trong truyền tin thiên tai.