Tại Hội nghị bà Phạm Thị Thanh Nhàn - Trưởng Phòng y tế quận Hoàn Kiếm cho biết, trong những năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân luôn được Quận ủy, HĐND, UBND quận quan tâm chỉ đạo triển khai, với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ y tế quận, phường đã góp phần quan trọng bảo vệ sức khỏe người dân trên địa bàn quận và thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của quận.
Đặc biệt, trong 2 năm 2020, 2021 đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tính từ đầu năm 2020 đến ngày 23/02/2022, trên địa bàn quận có 10.578 người nhiễm Covid-19, đã khỏi 6.645 người, đang điều trị 3.904 trường hợp.
Đặc biệt trong đợt bùng phát dịch thứ tư với biến chủng mới rất nguy hiểm, lây lan mạnh, bằng trách nhiệm và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, quận Hoàn Kiếm đã quyết tâm và thực hiện tốt việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn, trong đó, mục tiêu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân được đặt lên hàng đầu.
Với sự tham gia tinh thần trách nhiệm cao của các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị quận, sự xả thân của các lực lượng tuyến đầu, đặc biệt là của các nhân viên y tế, cùng với sự đồng lòng nhất trí, chung tay, góp sức của nhân dân, những tác hại của đại dịch đã từng bước được kiểm soát, giảm thiểu, đẩy lùi.
Dưới sự chỉ đạo của Thành ủy, UBND, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Thành phố và sự phối hợp giúp đỡ của Sở Y tế Hà Nội, quận Hoàn Kiếm đã tổ chức các chiến dịch như: Chiến dịch xét nghiệm sàng lọc Covid-19 diện rộng nhiều đợt, cho nhiều đối tượng với tổng số 268.555 lượt người đã được xét nghiệm PCR và test nhanh kháng nguyên.
Chiến dịch tiêm chủng thần tốc được triển khai với 277.264 mũi vaccine phòng Covid-19 đã được tiêm cho người dân trên địa bàn quận nhằm đẩy nhanh độ bao phủ vắc xin cho người dân từ 12 tuổi trở lên với tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt 99,8%; tỷ lệ tiêm mũi 2 đạt 99,7%; tổ chức chiến dịch “Tiêm chủng mùa xuân” tiêm phủ mũi 3 và tiêm tại nhà cho 772 người có bệnh nền, già yếu; với tỷ lệ tiêm mũi 3 của người dân toàn quận từ 12 tuổi trở lên đến nay đạt 62,9%.
"Nhờ tỷ lệ bao phủ vắc xin cao, nhiều ngành nghề, dịch vụ trên địa bàn quận đã được hoạt động trở lại và có dấu hiệu khởi sắc, hồi phục về kinh tế”, bà Phạm Thị Thanh Nhàn cho biết.
Đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, UBND quận Hoàn Kiếm đã thành lập 03 khu điều trị thu dung F0 của quận với công suất 580 giường bệnh và tổ chức chăm sóc điều trị F0 thể nhẹ tại nhà, nòng cốt là cán bộ y tế của Trung tâm Y tế quận. Quận đã thành lập 38 Trạm Y tế lưu động tại 18 phường, với sự phối hợp hỗ trợ của 4 bệnh viện trung ương, thành phố và 6 phòng khám đa khoa tư nhân đóng trên địa bàn tham gia hỗ trợ tư vấn, chăm sóc, điều trị F0 tại nhà.
Chỉ đạo UBND 18 phường thành lập các Tổ xét nghiệm Covid-19 tự nguyện tại cộng đồng, huy động 150 y bác sỹ, dược sỹ nghỉ hưu sinh sống trên địa bàn các phường tham gia..
Trải qua 4 đợt dịch, các cán bộ ngành y tế đã có hơn 600 ngày làm việc không nghỉ, đối mặt với nguy cơ mắc dịch bệnh rất cao do thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với F0, F1, nguy cơ kiệt sức, quá tải vì công việc nhiều, dồn dập, không có đủ thời gian chăm sóc gia đình và con nhỏ….
Trên mặt trên chống dịch đầy gian nan đã xuất hiện nhiều gương sáng, những cán bộ y tế đến từ các đơn vị trong và ngoài công lập trên địa bàn quận, không ngại hy sinh, gian khổ, xung kích, sáng tạo, lặng thầm cống hiến, làm rạng ngời lên những phẩm chất tốt đẹp nhân ái, nghĩa tình của người Hoàn Kiếm.
Tiêu biểu như y sỹ Phùng Minh Phương - cán bộ Trung tâm Y tế quận đã tham gia làm việc tại khu thu dung, điều trị F0 60 ngày không ngừng nghỉ, vượt qua nỗi nhớ nhà, nhớ vợ con và vô vàn khó khăn, vất vả trong điều kiện làm việc đầy nguy cơ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao phó.
Hay y sĩ Ngô Tuyết Thanh - trạm trưởng Trạm y tế phường Lý Thái Tổ, người mang trong trái tim mình 2 stent nhưng không ngừng nhiệt huyết phòng, chống dịch, chị làm việc gần như liên tục 24/24 h tại cơ quan, không có ngày nghỉ lễ, tết.
Rồi cử nhân Nguyễn Ngọc Dung - nguyên trưởng khoa xét nghiệm, Trung tâm Y tế quận, người chiến sĩ thầm lặng luôn xuất hiện với hình ảnh bộ đồ bảo hộ kín mít, thực hiện những công việc vất vả và đầy nguy cơ: lấy mẫu xét nghiệm diện rộng toàn dân, người nghi nhiễm.
Dù đến tuổi nghỉ chế độ nhưng chị vẫn xông pha trên chiến trường không tiếng súng nhưng đã lấy đi nhiều nước mắt và mồ hôi của những chiến sỹ áo trắng sống trong hoàn cảnh xa nhà, xa con, luôn trong tình trạng báo động và có nguy cơ cao nhiễm bệnh…
Còn rất nhiều những tấm gương cán bộ ngành y âm thầm, lặng lẽ đóng góp sức mình trong công cuộc phòng chống dịch. Nghị lực kiên cường, sự chịu đựng bền bỉ được thắp lên bằng tình yêu thương và trái tim nhân ái, những chiến sỹ áo trắng đã vượt lên những thách thức của một đại dịch chưa từng có, chữa bệnh, cứu người dù trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long ghi nhận và đánh giá cao những kết quả, đóng góp trong công tác chữa bệnh, giữ gìn sức khoẻ cho nhân dân, nhất là trong phòng chống dịch Covid-19 của lực lượng y tế quận thời gian vừa qua.
Thay mặt lãnh đạo quận Hoàn Kiếm, Chủ tịch UBND quận gửi lời tri ân tới toàn thể nhân viên ngành y tế và gia đình những chiến sĩ áo trắng. Đồng thời khẳng định những đóng góp vô điều kiện, những hi sinh, cống hiến thầm lặng vất vả của đội ngũ y bác sỹ, các lực lượng tuyến đầu chống dịch, các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn quận rất đáng trân trọng.
Thời gian tới, tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến rất phức tạp, nhiều khó khăn đang ở phía trước, đồng chí Chủ tịch UBND quận yêu cầu ngành Y tế quận nói riêng và toàn hệ thống chính trị quận cần tiếp tục nỗ lực tập trung công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, thực hiện tốt công tác phòng chống dịch Covid-19, đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội theo phương châm “thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.
Ngành y tế quận cần tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, không được chủ quan, lơ là, tập trung đổi mới, củng cố và hoàn thiện hệ thống y tế từ quận, phường.
Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển và sử dụng nguồn nhân lực y tế đáp ứng nhu cầu đổi mới, chú trọng đổi mới toàn diện phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chất lượng cung cấp dịch vụ y tế; Triển khai quyết liệt các biện pháp, giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, chủ động các phương án ứng phó hiệu quả trong mọi tình huống.