Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quận Hoàng Mai đề xuất 3 cơ chế đặc thù cho dự án đường Tam Trinh

An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Đến nay, công tác GPMB dự án đường Tam Trinh đã hoàn thành trên 45% khối lượng, quận Hoàng Mai đang kiến nghị Thành phố 3 cơ chế đặc thù cho dự án đường Tam Trinh, cơ bản lãnh đạo Thành phố chấp thuận” - Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm khẳng định.

Dự án đường Tam Trinh có tổng diện tích thu hồi đất (sau khi điều chỉnh chỉ giới) khoảng 54.009m2, liên quan đến khoảng 1.590 hộ dân và 20 tổ chức, thuộc địa bàn 3 phường Mai Động, Hoàng Văn Thụ và Yên Sở.

Trong quá trình áp dụng Luật Đất đai 2024 thay thế Luật Đất đai 2013, hiệu lực từ ngày 1/8/2024 có nhiều điểm mới, nên UBND quận Hoàng Mai đã phải rà soát và kiến nghị Thành phố cơ chế đặc thù để khớp với tiến độ dự án.

Dồn sức hoàn thành giải phóng mặt bằng

Theo Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm, địa phương vẫn đang tiến hành triển khai dự án rất khẩn trương. Đầu tháng 8/2024, quận Hoàng Mai đã yêu cầu nhà thầu thi công tại 4 địa điểm trên tuyến đã hoàn thành giải phóng mặt bằng (GPMB). Tinh thần của quận là “vướng đâu, gỡ đó", cán bộ ai ngại thì đứng sang một bên, phấn đấu hoàn thành dự án vào tháng 6/2026.

Dự án được thực hiện không chờ GPMB toàn tuyến mới thi công. Ảnh TA
Dự án được thực hiện không chờ GPMB toàn tuyến mới thi công. Ảnh TA

Hiện nay, tại quận Hoàng Mai người đứng đầu cấp ủy đảm nhận vai trò Trưởng ban chỉ đạo đền bù, GPMB trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo và đôn đốc công tác này. Hàng tuần, Chủ tịch UBND các phường phải báo cáo tiến độ GPMB cho Chủ tịch UBND quận. 15 ngày/lần, Bí thư Đảng ủy phường phải báo cáo tiến độ cho Bí thư Quận ủy. Đã nhiều tháng nay, tại các phường có dự án đi qua, cán bộ “ăn GPMB, ngủ GPMB” liên tục bám địa bàn, họp sáng, họp chiều và cả họp đêm đối thoại với dân để tìm được tiếng nói chung. Tất cả các tổ chức đoàn thể-chính trị của cơ sở đều dồn sức vào việc hoàn thành công tác GPMB.

Tại “điểm nóng” phường Hoàng Văn Thụ, việc GPMB liên quan đến 206 phương án, 6 tổ chức, diện tích thực hiện trên 20.000m2 mới hoàn thành hơn 30% khối lượng. Đối với đất có công trình nhà ở liên quan đến 206 hộ với diện tích trên 14.000m2, phường đã làm hồ sơ phê duyệt 27 hộ, còn lại đang công khai dự thảo phương án đền bù và tổ chức đối thoại với dân.

Được biết, phường Hoàng Văn Thụ là một trong những phường mà hồ sơ quản lý đất đai có nhiều tình tiết phức tạp bậc nhất quận Hoàng Mai.

Chủ tịch UBND phường Hoàng Văn Thụ Ngô Sỹ Quý cho biết, đến nay phường đã tổ chức trên 50 cuộc đối thoại để xác minh nguồn gốc đất, tài sản trên đất. Khá nhiều diện tích đất nông nghiệp, mua đi, bán lại nhiều chủ, hồ sơ, thông tin thất lạc, rất khó xác minh, đo đạc và kiểm đếm. Có 9 hộ phường đã 2 lần mời cung cấp thông tin nhưng vẫn chưa hoàn thiện.

Do những quy định mới của Luật Đất đai 2024 áp dụng từ 1/8/2024, tiến độ GPMB dự án đường Tam Trinh đã bị chậm 4 tháng. Ảnh TA
Do những quy định mới của Luật Đất đai 2024 áp dụng từ 1/8/2024, tiến độ GPMB dự án đường Tam Trinh đã bị chậm 4 tháng. Ảnh TA

Tại các buổi đối thoại, người dân kiến nghị chính quyền về chính sách đền bù, liên quan đến số nhân khẩu, nguồn gốc đất của các gia đình.

Tại một buổi đối thoại, ông Lê Bá Minh (Tổ dân phố số 32 phường Hoàng Văn Thụ) cho biết, gia đình ông nhận chuyển nhượng từ năm 1999 được HTX Thanh Mai giao đất dịch vụ, nay phường tính đất nông nghiệp là không hợp lý. Năm 2018, nhà dột, xuống cấp gia đình ông phải thuê trọ nơi khác, nhưng hộ khẩu vẫn do địa phương quản lý, nên áp số hộ khẩu như hiện tại là không đúng (?!!).

Theo Chủ tịch UBND phường Hoàng Văn Thụ, vướng mắc nhất của cơ sở là làm thế nào để xác minh đất ở, đất nông nghiệp, đất dịch vụ, đất lấn chiếm và xác định rõ đâu là tài sản hợp pháp/không hợp pháp và nhân khẩu của các hộ dân phải GPMB. Trước đây, HTX Thanh Mai bàn giao cho dân không đo đạc, cắm mốc và vẽ bản đồ nên công tác xác minh đang gặp vô số khó khăn.

Vấn đề nan giải nhất là người dân thiếu các giấy tờ, hồ sơ để chứng minh nguồn gốc, diện tích thực tế được giao.

“Câu chuyện GPMB của phường Hoàng Văn Thụ, cũng là câu chuyện của các phường liên quan đến dự án đường Tam Trinh và cả đường Lĩnh Nam, quận đang tập hợp hồ sơ, báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường để đưa ra phương án giải quyết” - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hoàng Mai Vũ Tuấn Đạt chia sẻ.

"Những gì có lợi nhất cho người dân, trong khuôn khổ quy định của pháp luật, quận đã làm hết, với tinh thần đầy trách nhiệm" - Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm khẳng định.
"Những gì có lợi nhất cho người dân, trong khuôn khổ quy định của pháp luật, quận đã làm hết, với tinh thần đầy trách nhiệm" - Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm khẳng định.

Theo điều tra thực tế tại quận Hoàng Mai, dự án kéo dài, chính sách đền bù cũng thay đổi, khiến cho quyền lợi của người dân cũng thay đổi theo, chưa kể cùng dự án Tam Trinh nhưng tại các điểm khác nhau, chênh lệch nhau giá đền bù 7 - 8 triệu đồng/m2, khiến người dân khiếu nại.

Đề xuất 3 cơ chế đặc thù

Chiều 4/12, trả lời báo Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm khẳng định: "Đến giờ có thể nói, nếu vận dụng được điều gì có lợi cho dân nhất, chính quyền quận Hoàng Mai đã làm. Tôi vừa ký công văn gửi UBND TP và Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất cơ chế đặc thù về bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án xây dựng đường Tam Trinh. Quận Hoàng Mai quyết tâm hoàn thành GPMB trong tháng 1/2025”.

Theo đó, 3 chung cư CT1, CT2, CT3 với 365 căn hộ tại Khu đô thị Đền Lừ III được xây dựng dùng để bố trí tái định cư, nhưng sau khi được trưng dụng cách ly bệnh nhân COVID-19 hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, quận đang tiến hành cải tạo, sửa chữa phải đến tháng 8/2025 mới xong. Để người dân có nhà tái định cự, quận Hoàng Mai đề xuất Thành phố hỗ trợ tái định cư 1,5 triệu đồng/người (mỗi gia đình không quá 6 người) trong vòng 6 tháng để các gia đình có tạm nơi sinh hoạt, tháo gỡ “điểm nghẽn” GPMB nhiều tháng qua.

Đối với chính sách bồi thường công trình, tài sản trên đất, do Luật Đất đai 2024 quy định không bồi thường nếu tạo lập trái quy định (luật cũ, cho phép bồi thường theo tỷ lệ %), trong khi chờ văn bản hướng dẫn, UBND quận Hoàng Mai đề nghị UBND TP cho phép thực hiện “theo chính sách đã công khai trước dân như trước đây”.

Đối với chính sách bồi thường về đất, Điều 9 Nghị định số 88/2024/NĐ-CP ngày 15/7/2024 của Chính phủ quy định “đất đủ điều kiện bồi thường khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCN QSD) đất hoặc đủ điều kiện cấp GCN QSĐ” trong khi Điều 139 Luật Đất đai 2024 lại quy định “đất phù hợp quy hoạch mới đủ điều kiện cấp GCN QSĐ”. Áp dụng các quy định này, các thửa đất của hộ gia đình thuộc dự án đường Tam Trinh đều không đủ điều kiện cấp GCN QSĐ sẽ không đủ điều kiện bồi thường.

Để đảm bảo tiến độ GPMB, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai cho biết, trong thời gian chưa có văn bản hướng dẫn chính sách mới, để đảm bảo tiến độ GPMB, đồng bộ, thống nhất với chính sách trong cùng dự án, quận Hoàng Mai đề nghị Thành phố cho phép thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo các chính sách GPMB đã được UBND TP chấp thuận trước đây. Qua các buổi làm việc, cơ bản Sở Tài nguyên và Môi trường, cơ quan tham mưu chính sách cho UBND TP đã thống nhất với các đề xuất của quận Hoàng Mai...