Sau 21 năm thành lập, quận Hoàng Mai có diện tích 41km2, lớn thứ tư của thành phố (sau các quận Long Biên, Hà Đông và Bắc Từ Liêm) và có dân số đông nhất trong số 30 quận, huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội nhưng chỉ có 1 đường Giải Phóng, đường Vành đai 3 trên cao.
Đầu tư giáo dục, đầu tư cho tương lai
Nhìn vào kế hoạch sử dụng đất 2025 vừa được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt, người dân Hoàng Mai sẽ có cơ hội có các dự án giao thông trọng điểm như đường Vành đai 2,5; đường Lĩnh Nam; đường Tam Trinh đã và đang được khởi động với tiến độ nhanh. Theo kế hoạch đã được phê duyệt năm 2025, quận Hoàng Mai sẽ triển khai 116 dự án với tổng diện tích là 356,8 ha, là một trong những quận huyện có số lượng dự án, diện tích đất sử dụng lớn của Thành phố.
Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất quận Hoàng Mai Vũ Tuấn Đạt, năm 2025, trong 68 dự án triển khai phải báo cáo HĐND TP có 8 dự án thu hồi đất để đấu giá quyền sử dụng đất. Theo đánh giá của các công ty bất động sản, với 15,57ha đất ở đô thị đấu giá thành công sẽ giúp quận Hoàng Mai có thêm ít nhất nguồn thu 6.000 tỷ đồng. Tin tức thị trường bất động sản, giá đất tại cửa ngõ phía Nam Thành phố đang tăng 25-30% so với năm ngoái, giá đất đấu thầu Khu đô thị Nam Linh Đàm vừa qua lên đến 91 triệu đồng/m2, cao hơn trước đây 20-25 triệu đồng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong các dự án đấu giá quyền sử dụng đất năm 2025, thì Dự án GPMB và xây dựng HTKT các ô đất để đấu giá QSD đất 6,33ha trong khu đô thị Nam hồ Linh Đàm giai đoạn II đã có Kế hoạch sử dụng đất cấp huyện 02 năm trở lên (được cập nhật xác định lần đầu vào thời điểm từ năm 2023 trở về trước) được tiếp tục thực hiện theo quy định tại khoản 7 Điều 76 của Luật Đất đai rất cần tiến độ.
“Vì nhiều lý do, dự án này đã kéo dài, nên chắc chắn UBND quận Hoàng Mai sẽ tăng cường lực lượng để đẩy nhanh tiến độ để có nguồn thu không ít hơn 3.000 tỷ đồng trong năm nay”, một chuyên gia bất động sản nhận định.
Với việc đồng loạt triển khai xây dựng 25 dự án trường học, trong đó có dự án cải tạo, mở rộng, nâng cấp trường THPT Việt Nam-Ba Lan cho thấy Quận ủy, HĐND và UBND quận Hoàng Mai đang quyết tâm thực hiện lời hứa trước cử tri Hoàng Mai, đảm bảo đủ trường công cho con em địa phương học tập. Trong số này có 9 dự án chuyển tiếp không phải báo cáo HĐND Thành phố thông qua như dự án trường Mầm non, Tiểu học tại phường Vĩnh Hưng, Tiểu học, THCS tại phường Trần Phú…hoàn toàn nằm trong tầm quyết định của UBND quận Hoàng Mai. Mục tiêu 100% trường công của quận Hoàng Mai đạt chuẩn Quốc gia đã và đang hiện hữu trước mắt.
Đại tá, nhà báo Nguyễn Hòa Văn chia sẻ: Nhìn các công trình, dự án đăng ký mới năm nay của UBND quận Hoàng Mai vừa được Thành phố phê duyệt, chắc chắn người dân Lĩnh Nam, Thịnh Liệt, Vĩnh Hưng sẽ phấn khởi, chính quyền đã và đang lo địa điểm buôn bán cho bà con địa phương. Phường Vĩnh Hưng sẽ có thêm 2 chợ dân sinh.
Các dự án trọng điểm
18 dự án giao thông triển khai trong năm 2025, cần giải phóng mặt bằng (GPMB) trên 52ha, ngoài 2 dự án đường Tam Trinh (11,37ha) và dự án đường Lĩnh Nam (9,83ha) đã và đang tiến hành, thậm chí dự án xây đường Tam Trinh vừa GPMB vừa thi công thì khối lượng công việc còn lại khá lớn. Các dự án mở đường vào các trường học cần GPMB để tiến hành đồng bộ với dự án xây trường mới, kịp với tiến độ khai giảng.
Trong khi đó, sau khi Thanh tra Thành phố có báo cáo gửi UBND Thành phố kết luận quá trình thực hiện dự án đường 2,5 theo hình thức hợp đồng BT của Công ty Hoàng Hà thì Dự án xây dựng tuyến đường Minh Khai- Vĩnh Tuy-Yên Duyên nối tiếp từ đoạn đường Vành đai 2,5 đến Vành đai 3 cũng cần gấp tiến độ. Nếu không khi Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà được Thành phố giao hoàn thiện Dự án đầu tư xây dựng đường 2,5 sẽ bị vênh tiến độ thông tuyến.
"Không phá bỏ được “điểm nghẽn” về giao thông, quận Hoàng Mai khó lòng phát triển được. Nói đến Hoàng Mai là nói tới ùn tắc thì còn ai muốn đến đầu tư, phải quyết tâm khai thông các dự án giao thông trọng điểm.
Dự án đường Lĩnh Nam là công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ quận Hoàng Mai lần thứ V (2025-2030) nên không thể để chậm trễ, phải khởi công trong tháng 6 năm 2025, Thường trực Quận ủy sẽ chia nhau xuống các phường đôn đốc GPMB" Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Xuân Linh đã khẳng định
Cơ hội và thử thách
Chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn Nguyễn Trường Sơn nhận định, trong Kế hoạch sử dụng đất năm 2025 quận Hoàng Mai, bên cạnh Chủ đầu tư là UBND quận Hoàng Mai đã xuất hiện nhiều cái tên mới như Công ty CP đầu tư kinh doanh bất động sản và thương mại Vĩnh Hưng và Công ty TNHH Hòa Bình (Dự án nhà ở xã hội cao tầng Vĩnh Hưng), Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Tân Á Đại Thành (Khu nhà ở kinh doanh tại ô đất ký hiệu C11/ODK6 thuộc khu Đầm Liễng, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai), Tổng Công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị - Công ty TNHH (Xây dựng trường tiểu học và trường mầm non tại ô đất TH3 và NT3 khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở hồ Linh Đàm), Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị Hoàng Mai (Khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ), Công ty TNHH Bảo Vân (Xây dựng trường cao đẳng nghề Phú Châu), Liên danh: Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội và Công ty Cổ phần Tập đoàn dược phẩm Vimedimex (Khu đô thị mới Đại Kim), Tập đoàn Geleximco - Công ty cổ phần (Dự án Khu chức năng hỗn hợp Trung tâm thương mại, văn phòng, dịch vụ công cộng kết hợp nhà ở, chợ và cây xanh)…
Đây là thực sự những tín hiệu mừng, địa phương có thêm nguồn lực để thay đổi bộ mặt đô thị, hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng kinh tế-xã hội theo hướng hiện đại, vốn được xem là điểm yếu của quận Hoàng Mai bấy lâu. Đây là những cơ hội tốt để quận vươn mình cùng Thành phố bước vào kỷ nguyên mới của Thủ đô và của dân tộc. Điều mà nhiều nhà đầu tư và cả người dân Hoàng Mai đang có chút lo lắng, khi khối lượng công tác khá lớn, nhất là công tác GPMB các dự án lớn như đường Tam Trinh, Lĩnh Nam, đường 2,5ha đang vướng vào khá nhiều phát sinh.
Thực tế, dù quận Hoàng Mai đã vào cuộc với quyết tâm rất cao, nhưng với nhiều lý do khác nhau, việc GPMB dự án đường Tam Trinh vẫn không thể hoàn thành vào cuối tháng 9/2024 như kế hoạch. Thậm chí, phải có sự chỉ đạo quyết liệt từ Thành phố, các Sở chuyên môn thì hết quý I năm 2025 mới có thể hoàn thành công tác GPMB.
Chưa kể hiện nay, sau khi Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai (phụ trách đô thị) Đỗ Thanh Tùng chuyển công tác, các Phó Chủ tịch quận khác phải kiêm thêm phần việc này. Nếu không sớm được bổ sung nhân sự, cùng việc vào cuộc quyết liệt từ TDP, phường tới quận thì Hoàng Mai sẽ gặp khó khăn, dù năm 2024 đây là địa phương dẫn đầu công tác giải ngân từ nguồn vốn ngân sách của Thành phố.