Quận Hoàng Mai: Hiệu quả từ các tổ hỗ trợ F0 điều trị tại nhà

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước diễn biến số ca mắc Covid-19 liên tục tăng cao, nhằm giảm áp lực cho lực lượng y tế, nhiều địa bàn xã, phường tại Hà Nội đã chủ động triển khai các giải pháp cấp bách để thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát dịch hiệu quả trong tình hình mới. Tại quận Hoàng Mai, mô hình tổ phản ứng nhanh hỗ trợ cho các trường hợp F0 thể nhẹ điều trị, cách ly tại nhà và trạm y tế lưu động được phường Mai Động, Thanh Trì, Hoàng Liệt triển khai đang mang lại hiệu quả rõ rệt.

Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 phường Mai Động Đặng Thị Thanh Bình cho biết, trước diễn biến dịch bệnh phức tạp, trong những ngày qua các trường hợp F0 trên địa bàn liên tục tăng nhanh. Từ 1/12 đến nay toàn phường có 339 trường hợp F0 điều trị tại nhà.

Trên tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Thường trực, Ban Thường vụ Quận ủy Hoàng Mai, Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 phường Mai Động đã thành lập thêm Trạm y tế lưu động thứ hai đặt tại trường Mầm non Mai Động, để đáp ứng thu dung điều trị các trường hợp F0 thể nhẹ. Đồng thời, khẩn trương lên phương án thành lập 5 tổ công tác hỗ trợ, theo dõi trường hợp F0 thể nhẹ đang điều trị cách ly tại nhà ở khu dân cư, tổ dân phố, các tòa chung cư trên địa bàn.
 Nhân viên y tế hỗ trợ tư vấn cho F0 điều trị tại nhà trên địa bàn phường Thanh Trì.
“Trước tình trạng lực lượng y tế đang quá tải, hiện chỉ có 6 cán bộ y tế phường đảm nhiệm chăm sóc sức khỏe cho 60.000 dân thì hoạt động của các tổ công tác phòng chống dịch Covid-19 không chỉ hỗ trợ thiết thực, kịp thời cho bệnh nhân F0 điều trị, cách ly tại nhà, mà còn động viên tinh thần, giúp họ sớm khỏi bệnh” – bà Đặng Thị Thanh Bình chia sẻ.

Với tinh thần khẩn trương, 5 tổ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 phường Mai Động đã được thành lập với sự phân công rõ người, rõ việc. Cụ thể: Tổ xử lý môi trường thực hiện thu gom, xử lý rác thải tại các điểm trạm y tế lưu động và các hộ gia đình có trường hợp F0, F1 đưa đến dịa điểm tập kết rác thải; Tổ phản ứng nhanh có trách nhiệm giúp đỡ F0 điều trị tại nhà trong trường hợp cấp bách, như phối hợp đưa F0 đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu bất thường, đưa các bình oxy lưu động hỗ trợ bệnh nhân trong trường hợp chỉ định theo quy định; Tổ cung ứng hậu cần hỗ trợ các điểm thu dung trạm y tế lưu động chăm sóc người bệnh, đi chợ hộ, mua thuốc men, nhu yếu phẩm, các vật dụng cần thiết cho hộ gia đình có trường hợp F0, F1; Tổ chăm sóc người bệnh có trách nhiệm vận động các bác sỹ hiện sinh sống trên địa bàn phường tham gia tư vấn. Đặc biệt, tổ thành lập nhóm zalo và cập nhật các bệnh nhân vào nhóm. Từ đó các thành viên trong tổ có thể tư vấn trên nhóm zalo hoặc qua điện thoại nhằm giảm áp lực cho nhân viên y tế phường.

Ngoài ra, phường cũng thành lập Tổ tuyên truyền nhằm in ấn, biên tập phát trên hệ thống loa truyền thanh các bài hướng dẫn F0 tự điều trị tại nhà của Bộ Y tế và kinh nghiệm của các bác sỹ tư vấn.

 Hội viên Hội phụ nữ tham gia Tổ cung ứng hậu cần đi chợ hộ các gia đình có trường hợp F0.

Trực tiếp tham gia vào Tổ cung ứng hậu cần hỗ trợ F0 tại nhà, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ phường Mai Động Trần Anh Hồng cho hay, ngay sau khi có quyết định của phường về việc thành lập Tổ hậu cần, hỗ trợ các hộ có người nhiễm F0, F1 trên địa bàn, hội viên phụ nữ các khu dân cư đã chủ động gọi điện hỏi thăm đến từng trường hợp, và sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu khi gia đình cần giúp đỡ.

Nếu các F0 cần giúp về chuyên môn y tế, chị em sẽ kết nối với y tế phường, còn khi các gia đình có nhu cầu về nhu yếu phẩm, thuốc men chị em sẵn sàng đi chợ hộ, thậm chí mua tặng những hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, các chi hội phụ nữ còn tích cực kêu gọi xã hội hóa để mua nước sát khuẩn, lá xông gửi tặng gia đình có người nhiễm F0. “Khi nhận được sự thăm hỏi, giúp đỡ tận tình của các tổ hỗ trợ, nhiều gia đình có F0 đã nhắn tin cảm ơn và cho biết rất yên tâm chữa bệnh” – chị Trần Anh Hồng cho biết.

Tại phường Thanh Trì, Bí thư Đảng ủy phường Vương Thị Mai Hương cho biết, hiện trên địa bàn phường có 107 trường hợp F0 đang điều trị tại nhà, và 24 F0 đang điều trị tại Trạm y tế lưu động. Những trường hợp F0 này thường xuyên nhận được sự giúp đỡ kịp thời của 6 Tổ hỗ trợ với trên 150 thành viên được phường thành lập.
Trong đó, riêng Tổ chăm sóc hỗ trợ tư vấn F0 được chia thành 18 nhóm, mỗi nhóm 3 - 4 người là những nhân viên y tế đang công tác tại các bệnh viện, sinh sống trên địa bàn phường, nhân viên y tế nghỉ hưu, các nhà thuốc tư nhân để tư vấn cho F0 khi có yêu cầu. Hình thức tư vấn thường qua số điện thoại, nhóm zalo nên rất kịp thời, tạo được sự yên tâm cho người bệnh điều trị tại nhà.

 Tổ phản ứng nhanh sẵn sàng phương tiện để hỗ trợ chở F0 đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu bất thường.

Theo Bí thư Quận ủy, Trưởng Ban phòng, chống dịch Covid-19 quận Hoàng Mai Nguyễn Quang Hiếu, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, các ca F0 liên tục tăng nhanh, cả hệ thống chính trị trên địa bàn quận đã tập trung cao chỉ đạo, triển khai biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Thường trực Quận ủy, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của quận tổ chức giao ban hàng ngày và thường xuyên giao ban trực tuyến với 14 phường để nắm bắt tình hình và kịp thời chỉ đạo. Bên cạnh đó, thành lập các đoàn kiểm, tăng cường đi cơ sở kiểm tra, đôn đốc, nắm bắt tình hình và kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh công tác phòng, chống dịch tại các phường.

Quận đã ra quyết định trưng dụng trụ sở cơ quan, trường học để thành lập các khu cách ly tập trung và đưa vào hoạt động 14 trạm y tế lưu động với 150 giường, 1 cơ sở thu dung với quy mô 200 giường bệnh để thu dung, điều trị các F0 thể nhẹ. Hiện trên địa bàn quận có 1.487 trường hợp F0 đang điều trị tại nhà và, 98 trường hợp đang điều trị tại trạm y tế lưu động và 16 trường hợp đang điều trị tại cơ sở thu dung.

Với số ca mắc gia tăng nhanh, Hà Nội đã có những thay đổi trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, cụ thể là việc để các trường hợp F0 cách ly, điều trị tại nhà khi đủ điều kiện. Do đó, các tổ hỗ trợ mà các phường trên địa bàn quận Hoàng Mai đang triển khai đã phát huy vai trò, hiệu quả trong việc “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà soát từng đối tượng” hỗ trợ chính quyền địa phương giám sát tốt nhất trường hợp nhiễm bệnh, góp phần khống chế, không để dịch bùng phát, nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch... Đồng thời, xây dựng các kênh kết nối để bệnh nhân F0 yên tâm cách ly, điều trị tại nhà và được chuyển tới các cơ sở y tế kịp thời khi bệnh chuyển nặng.