Nhiều năm qua, do vướng công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) kéo theo các dự án trên địa bàn quận Hoàng Mai luôn bị chậm tiến độ, gây khó khăn cho công tác thi công của các chủ đầu tư. Tình trạng người dân khiếu kiện tập trung đông người, kéo dài đã làm cho công tác an ninh, trật tự của địa phương ít nhiều bị xáo trộn.
Hoàn thành phê duyệt 786 phương án đền bù
Năm 2023, để triển khai GPMB cho 44 dự án trong đó có 35 dự án vốn ngân sách, 9 dự án vốn ngoài ngân sách, UBND quận Hoàng Mai mà cụ thể là Trung tâm Phát triển quỹ đất Hoàng Mai phải có nhiều đổi mới trong công tác. Năm 2023, kế hoạch vốn đầu tư công ngân sách của quận Hoàng Mai 682 tỷ đồng cho 116 dự án, trong đó 47 dự án chuyển tiếp, 12 dự án mới và 57 dự án chuẩn bị đầu tư. Đây là khối lượng công tác khá lớn, nên ngay từ đầu năm UBND quận Hoàng Mai đã quyết liệt chỉ đạo triển khai các đơn vị liên quan, xây dựng tiến độ hoàn thành công việc từng tuần, gắn trách nhiệm với người đứng đầu.
Để đảm bảo tiến độ của các dự án, Trung tâm Phát triển quỹ đất Hoàng Mai đã phải tiến hành điều tra 1.716 hộ, xác nhận nguồn gốc đất 1.336 hộ để ban hành Thông báo thu hồi đất tới 2.026 hộ, lập 145 phương án trình Hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư quận, đến nay đã phê duyệt 786 phương án với số tiền 162,4 tỷ đồng. Đây là năm mà công tác GPMB của quận Hoàng Mai có được những kết quả khả quan, góp phần đẩy nhanh tiến độ các dự án, tạo bộ mặt đô thị của địa phương có nhiều thay đổi trong dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập.
Hoàn thành dứt điểm 3 dự án chậm tiến độ nhiều năm
Điều đáng ghi nhận trong năm 2023 là quận Hoàng Mai đã hoàn thành GPMB của 3 dự án đã chậm tiến độ nhiều năm nay. Trong đó, Dự án xây dựng 1/2 cầu Đền Lừ và tuyến đường 2,5 phía Bắc khu công nghiệp Vĩnh Tuy (quận Hoàng Mai) được UBND TP Hà Nội phê duyệt từ tháng 10/2012 với thời gian thực hiện là 12 tháng. Để giải phóng mặt bằng bàn giao cho chủ đầu tư, quận phải thu hồi diện tích 11.119m2 liên quan đến 116 hộ gia đình, cá nhân (khoảng 9.102m2) và 1 tổ chức (khoảng 2.017m2). Việc phải mất đến 10 năm cho công tác giải phóng mặt bằng cũng đã phần nào nói lên độ phức tạp của vấn đề. Đến nay, 47 hộ cuối cùng tại địa phương đã vui vẻ tháo dỡ công trình, bàn giao mặt bằng và nhận tiền đề bù.
Ngày 08/11/2016, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 6180/QĐ-UBND thu hồi, quản lý 5.022m2 đất tại phường Đại Kim, quận Hoàng Mai do Trung tâm Nghiên cứu phòng chống ung thư sử dụng vi phạm pháp luật. Nhưng phải mất 7 năm, Trung tâm Phát triển quỹ đất Hoàng Mai mới có thể tiến hành thu hồi được đất theo quyết định của Thành phố, dù chậm trễ nhưng cũng đáng ghi nhận.
Một dự án khác, tốn khá nhiều “giấy bút” của báo chí hơn 10 năm qua chính là Dự án đường Vành đai 2,5 được UBND TP Hà Nội phê duyệt quy hoạch từ năm 2002, có quyết định giải phóng mặt bằng từ năm 2010. Theo đó, để thi công được tuyến đường Vành đai 2,5 với chiều dài 2,1km nối từ Đầm Hồng ra đường Giải Phóng trên địa bàn quận Hoàng Mai cần giải phóng đến 67.000 m2 mặt bằng, trong đó, quận Hoàng Mai trên 58.000m2. Nhưng đến những ngày cuối cùng của năm 2023, sau 13 năm triển khai vẫn còn 14 hộ dân phường Định Công vẫn chưa chịu bàn giao mặt bằng với hàng loạt lý do.
Đứng trước tình hình đó, một mặt UBND quận Hoàng Mai đã chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất Hoàng Mai, Đảng ủy, UBND phường Định Công tổ chức nhiều đoàn công tác, kiên trì thuyết phục các hộ dân chấp hành quyết định của chính quyền, mặt khác xây dựng kế hoạch cưỡng chế theo đúng quy định của luật pháp.
Những ngày cuối tháng 12, sau khi 13 hộ dân đã tự nguyện di chuyển tài sản, bàn giao mặt bằng và nhận tiền đền bù thì vẫn còn 1 hộ dân lấn chiếm trái phép 3,2ha đất công vẫn cố tình chây ì đến phút cuối cùng mới ký nhận bàn giao. Chính quyền các cấp quận Hoàng Mai đã hoàn thành công tác GPMB 3 dự án này bởi biết lắng nghe, tôn trọng các quyền lợi của người dân, biết kiên trì động viên, thuyết phục người dân chấp hành các quy định của nhà nước.
Công khai, minh bạch, đúng luật
Đề cập tới kinh nghiệm đẩy nhanh tiến độ GPMB trên địa bàn quận trong năm 2023, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hoàng Mai Vũ Tuấn Đạt chia sẻ: điều quan trọng là để người dân hiểu được chính quyền đã tạo được điều kiện tốt nhất cho bà con, mọi quyền lợi đều được công khai, minh bạch, đúng quy định. Tiếp theo là cần có sự phối hợp tốt giữa các đơn vị liên quan, cùng nhau giải quyết các kiến nghị của người dân, đảm bảo có tình nhưng phải đúng lý. Khi đã kiên trì vận động, thuyết phục mà các đối tượng vẫn chây ì thì phải xây dựng các biện pháp cưỡng chế theo đúng quy định của pháp luật.
Vẫn với tinh thần này, trong năm 2023 Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hoàng Mai đã tham mưu lãnh đạo UBND quận giải quyết 120 đơn thư khiếu nại, kiến nghị liên quan đến công tác đền bù một cách ổn thỏa.