Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quận Hoàng Mai: Mô hình chính quyền, công an, điện lực chung tay “đánh giặc lửa”

Đông Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mô hình chính quyền, công an phường, điện lực chung tay cùng người dân tính toán, đưa ra các giải pháp phòng cháy, chữa cháy (PCCC) được người dân phường Tân Mai đánh giá cao về tính khả thi và mang lại hiệu quả.

Chính quyền địa phương, công an phường Tân Mai, Điện lực Hoàng Mai chung tay “đánh giặc lửa” . Ảnh HM
Chính quyền địa phương, công an phường Tân Mai, Điện lực Hoàng Mai chung tay “đánh giặc lửa” . Ảnh HM

Theo thống kê, đa phần nguyên nhân gây cháy nổ gần đây trên địa bàn Hà Nội nói chung và quận Hoàng Mai nói riêng thường từ các sự cố điện. Ban đầu chỉ là sự cố nhỏ, song khi không được xử lý kịp thời đã gây nên những thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. 

Chính vì vậy, hạn chế các sự cố từ thiết bị điện là điều quan trọng để đảm bảo hoạt động phòng chống cháy nổ được thực hiện tốt nhất. Những nguyên nhân gây ra cháy nổ về điện thường xảy ra ở một số thiết bị quen thuộc như máy sấy, bàn là, máy sưởi, bình nóng lạnh… quá tải, chập mạch, mối nối dây không tốt (lỏng, hở)… phần lớn do sự thiếu hiểu biết của người sử dụng về an toàn điện.

Nhận thức được nguy cơ cháy nổ xuất phát từ sự cố về điện đang đe dọa đến cuộc sống thường ngày, nhưng làm thế nào để nhận biết được nguy cơ đó là điều không dễ. Kể cả có kinh phí để thay thế hệ thống điện trong gia đình nhưng không phải người dân nào cũng biết cách tính toán công suất, dòng điện để chọn tiết diện dây dẫn, aptomat phù hợp. Rồi bố trí sơ đồ mang điện gia đình như thế nào cho an toàn, đấu nối aptomat nhánh và aptomat nhánh tổng với các cụm thiết bị như thế nào cho phù hợp?

Trước tình hình trên, UBND phường Tân Mai đã chủ động cùng Công an phường Tân Mai, Điện lực Hoàng Mai tổ chức các buổi tập huấn chuyên đề về công tác PCCC. Trong đó có buổi triệu tập bắt buộc hơn 500 đại diện, gồm 55 nhà trọ (20 cơ sở có nguy cơ cháy cao), 397 hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh để thí điểm rút kinh nghiệm nhân rộng khắp 22 tổ dân phố.

Phó Trưởng Công an phường Tân Mai - trung tá Nguyễn Quang Vinh cho biết, tại những buổi buổi tập huấn chuyên đề, các hộ dân được nghe lực lượng PCCC phân tích nguyên nhân dễ dẫn đến cháy nổ, cách xử lý khi có sự cố. Ngoài ra, người dân có thể trao đổi, đề nghị các cán bộ điện lực Hoàng Mai tư vấn sử dụng hệ thống dây dẫn, aptomat, địa chỉ mua đảm bảo an toàn, giá cả hợp lý.

“Trong tổng số 1.579 tòa chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội có tuổi thọ trên 30, 40 năm, phường Tân Mai có 88 nhà, với nhiều toà nhà phải “chống kèo, gác cột”, đặc biệt là tại toà nhà A1 được đưa vào sử dụng từ năm 1983 đã xuống cấp trầm trọng. Nhiều căn hộ đường điện đã quá cũ, không phù hợp với công suất của các thiết bị điện hiện có nhưng người dân không đủ kinh phí để thay thế, đây là “điểm đen” của công tác PCCC mà chính quyền phải chung tay hỗ trợ” - Phó Chủ tịch UBND phường Tân Mai Đặng Ngọc Thắng chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, một người dân thuộc Tổ dân phố số 4 có mặt tại buổi tập huấn chuyên đề  cho biết, việc UBND phường Tân Mai kết hợp với Công an phường, Điện lực Hoàng Mai tổ chức những buổi họp dân như thế này là rất tốt. Nhà nào không có điều kiện kinh tế, phường cần có giải pháp hỗ trợ thay thế đường điện cũ để đảm bảo an toàn chung.

Mô hình chính quyền, công an phường và cán bộ điện lực chủ động đến với dân, chia sẻ, tư vấn, tính toán, đánh giá mức độ an toàn của hệ thống điện từng hộ dân trên địa bàn của UBND phường Tân Mai được người dân đánh giá là hiệu quả, sát với thực tế.

Phó Chủ tịch UBND phường Tân Mai Đặng Ngọc Thắng cho biết thêm, ngoài việc trang bị kiến thức PCCC, tư vấn về hệ thống điện trong gia đình, chính quyền còn lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của người dân để đưa ra các giải pháp phù hợp, bảo đảm an toàn cho cộng đồng.