Quận Hoàng Mai sẵn sàng phương án ứng phó thiên tai trong mùa mưa bão

An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn  (PCTT&TKCC) quận Hoàng Mai đã hoàn thiện kế hoạch hiệp đồng bảo vệ các công trình trọng điểm trên địa bàn, sơ tán người dân ngoài đê trong tình huống cấp bách.

Chủ động xây dựng kịch bản ứng phó

Đợt mưa lớn vừa qua tại Hà Nội được đánh giá là ít gặp, tổng lượng mưa một số nơi vượt so với lượng mưa trong tháng 6 trung bình nhiều năm từ 30 - 50%. Điều này dự báo một năm có thể có nhiều loại hình thiên tai bất thường ở nước ta.

Trước tình hình đó, Ban Chỉ huy PCTT&TKCC quận Hoàng Mai đã sớm xác định các mục tiêu trọng điểm cần bảo vệ khi mưa bão, gió lốc, lụt lội. Trong đó, xác định rõ: Số lượng lực lượng tham gia, vật tư, phương tiện cũng như quy định phối hợp giữa các lực lượng; nhiệm vụ sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn; khắc phục hậu quả, xử lý môi trường, dịch bệnh trong vùng mưa bão, ngập lụt; phối hợp đóng cửa khẩu, xử lý khi sạt lở đê thuộc địa bàn.

Hồ Linh Đàm rộng 200.000 m2 (sâu 4 m) là công trình được đưa vào mục tiêu bảo vệ khi mưa, bão, lũ lụt xảy ra. Ảnh AT
Hồ Linh Đàm rộng 200.000 m2 (sâu 4 m) là công trình được đưa vào mục tiêu bảo vệ khi mưa, bão, lũ lụt xảy ra. Ảnh AT

Tại quận Hoàng Mai có 3 công trình kiên cố, là đê Hữu Hồng (dài 8,41km), kè Thanh Trì (dài 755m), cống Trạm bơm Yên Sở (dài 203m). Ngoài ra, địa bàn quận có 7 hồ nước lớn, nổi bật nhất là hồ Công viên Yên Sở rộng 560.000 m2 (sâu 3,5m), hồ Linh Đàm rộng 200.000 m2 (sâu 4m), hồ Thanh Lân rộng 150.000 m2 (sâu 4m).

Trên địa bàn cũng có nhiều kho tàng, nhà máy, khu vực quan trọng được đưa vào mục tiêu trọng điểm bảo vệ khi mưa bão, lũ lụt dâng cao. Ngoài các trọng điểm, mục tiêu cần bảo vệ, hiện quận Hoàng Mai có khoảng 12.000 người sống ngoài đê ở 3 phường: Thanh Trì, Lĩnh Nam, Trần Phú, cần được hỗ trợ sơ tán khi nước sông Hồng dâng cao.

Khoảng 12.000 người sống ngoài đê sông Hồng tại quận Hoàng Mai cần được hỗ trợ sơ tán khi nước sông Hồng dâng cao. Ảnh AT
Khoảng 12.000 người sống ngoài đê sông Hồng tại quận Hoàng Mai cần được hỗ trợ sơ tán khi nước sông Hồng dâng cao. Ảnh AT

Ngoài ra, quận Hoàng Mai có 16 “điểm đen” thường ngập sâu mỗi khi mưa to. Có những điểm ngập dài 1,5 km, sâu tới 1,5m như đường Giải Phóng (từ số nhà 629 đến 1023). Hay đoạn đường Trương Định từ ngã ba Đuôi Cá đến cầu sông Sét có điểm ngập sâu 1,2km kéo dài 0,8m. Để người và phương tiện lưu thông trong tình hình thời tiết xấu, quận Hoàng Mai đã chủ động bố trí xuồng, thuyền và xe chuyên dụng cứu kéo.

Bên cạnh đó, quận yêu cầu các bộ phận chức năng, các phường tăng cường công tác quản lý, bảo vệ an toàn cho hệ thống đê kè với nhiệm vụ chú trọng bảo đảm an toàn vị trí trọng điểm xung yếu; chuẩn bị sẵn sàng triển khai phương án hộ đê, ứng phó trong điều kiện xảy ra bão, lũ lớn, kể cả trường hợp lũ vượt tần suất thiết kế; tăng cường kiểm tra các tuyến đê, kịp thời phát hiện và xử lý ngăn chặn hành vi vi phạm đê điều.

Ga Giáp Bát là địa điểm thường xuyên xảy ra ngập úng khi mưa to. Ảnh TA
Ga Giáp Bát là địa điểm thường xuyên xảy ra ngập úng khi mưa to. Ảnh TA

Đối với các công trình đê, kè, cống trọng điểm, Ban Chỉ huy PCTT&TKCC quận Hoàng Mai đã chuẩn bị lực lượng tại chỗ, kết hợp với 17 đơn vị quân đội đóng trên địa bàn huy động 1.093 người, 18 ô tô, 4 xuồng và 5 thuyền sẵn sàng ứng cứu trong mọi tình huống. Hạt quản lý đê Hoàng Mai có trách nhiệm xây dựng phương án hộ đê, tập huấn cho lực lượng tuần tra, canh gác đê, tham mưu công tác kỹ thuật hộ đê, xử lý các tình huống hư hỏng đê điều.

Bảo đảm tính mạng người dân là trên hết

Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, Bí thư Đảng ủy phường Lĩnh Nam Hoàng Thị Thúy cho biết, địa phương đã xây dựng kịch bản sơ tán khoảng 800 người dân ngoài đê khi mực nước lên cao 2m. "Chúng tôi đã chuẩn bị địa điểm là trường tiểu học và THCS, cùng vật dụng thiết yếu để người dân có thể sinh sống từ 7 đến 9 ngày” - bà Hoàng Thị Thúy thông tin.

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quận ủy Võ Xuân Trọng phát biểu tại buổi sinh hoạt chuyên đề tổ chức dạy bơi cho thanh thiếu niên để giảm thiểu tình trạng đuối nước khi mùa mưa bão đến gần ở chi bộ TDP 23-24 (phường Lĩnh Nam). Ảnh HM
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quận ủy Võ Xuân Trọng phát biểu tại buổi sinh hoạt chuyên đề tổ chức dạy bơi cho thanh thiếu niên để giảm thiểu tình trạng đuối nước khi mùa mưa bão đến gần ở chi bộ TDP 23-24 (phường Lĩnh Nam). Ảnh HM

Được biết, theo kịch bản xấu nhất quận Hoàng Mai đã chuẩn bị lực lượng, phương tiện sơ tán gần 2.000 người dân (phường Thanh Trì, Lĩnh Nam, Trần Phú) sinh sống ngoài đê gần nơi dễ sạt lở, ngập nước.

Quận đã chỉ đạo UBND 14 phường chủ động dự phòng lương thực, thực phẩm hàng hóa thiết yếu để hỗ trợ người dân, đặc biệt là các gia đình chính sách, hộ nghèo, neo người khi xảy ra thiên tai cũng như trong quá trình khắc phục hậu quả sau đó. Tùy theo đặc điểm, tình hình địa bàn, các phường phải xây dựng phương án PCTT&TKCC sát với thực tế, bảo đảm giảm thiểu thiệt hại thấp nhất về người và tài sản.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần