Quận Hoàng Mai “thay da đổi thịt” sau 15 năm thành lập

Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 22/11, quận Hoàng Mai tổ chức hội nghị gặp mặt nhân kỷ niệm 15 năm thành lập quận (25/11/2003 - 25/11/2018).

Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Quang Hiếu phát biểu tại hội nghị
Tổng thu ngân sách gấp gần 80 lần
Ôn lại chặng đường 15 năm xây dựng và phát triển, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Quang Hiếu cho biết: Để đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 132/2003/NĐ-CP ngày 6/11/2003 về việc điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập các quận Hoàng Mai, Long Biên. Quận Hoàng Mai được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích, dân số của 9 xã thuộc huyện Thanh Trì và 5 phường thuộc quận Hai Bà Trưng.
Những năm đầu, quận Hoàng Mai có xuất phát điểm thấp, vẫn còn đậm nét của kinh tế nông nghiệp, thương mại - dịch vụ nhỏ lẻ, công nghiệp không phát triển, trải qua 15 năm, kinh tế của quận Hoàng Mai liên tục tăng trưởng nhanh, trung bình từ 15 - 17%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng. Đến nay, tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ chiếm 48,8%; công nghiệp chiếm 50,8% và nông nghiệp chiếm 0,3% trong cơ cấu kinh tế. Số lượng DN trên địa bàn quận cũng tăng nhanh qua các năm, từ 421 doanh nghiệp năm 2004 lên 13.415 DN hiện đang hoạt động, tăng 31 lần so với thời điểm mới thành lập quận.
Từ những kết quả đó, thu ngân sách của Hoàng Mai có bước tăng trưởng ấn tượng. Năm 2004, thu ngân sách quận đạt 90 tỷ đồng, đến năm 2017 đạt 4.576 tỷ và dự kiến năm 2018, tổng thu ngân sách quận ước đạt gần 7,1 nghìn tỷ, gấp gần 80 lần so với khi mới thành lập. Chi ngân sách năm 2018 dự kiến gần 2,4 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5 lần so với năm 2004.
Kinh tế tăng trưởng đã giúp Hoàng Mai có thêm nhiều nguồn lực để đầu tư cho kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị. Trong 15 năm qua, Hoàng Mai triển khai 397 dự án đầu tư bằng vốn ngân sách của quận với tổng kinh phí gần 3,7 nghìn tỷ đồng, trong đó có 103 dự án xây mới, cải tạo trường học, chiếm 48% trong tổng cơ cấu nguồn vốn; 151 dự án đường giao thông, chiếm tỷ trọng 29% trong cơ cấu tổng số vốn và 143 dự án xây mới, cải tạo các trung tâm văn hóa, nhà hội họp, di tích lịch sử… Cũng trong giai đoạn này, ngân sách Thành phố quan tâm, đầu tư cho quận 2.426 tỷ đồng để triển khai các dự án, từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông trục chính, tạo diện mạo đô thị quận khang trang, hiện đại hơn.
Đáng chú ý, 15 năm qua, trên địa bàn quận Hoàng Mai đã có 27 dự án khu đô thị được hoàn thành, đưa vào sử dụng, trong đó có một số dự án lớn như khu đô thị Time City, Pháp Vân - Tứ Hiệp, Đại Kim - Định Công, C2 Gamura, Nam vành đai 3… Cùng với đó là 39 dự án khu đô thị đang triển khai thi công, 51 dự án khu đô thị đang hoàn thiện thủ tục pháp lý, chờ giải phóng mặt bằng đã biến Hoàng Mai từ một vùng đất trũng phía Nam Thủ đô thành một đô thị sôi động, phát triển đồng bộ về mọi mặt.
Văn hóa - xã hội phát triển toàn diện
Cùng với tăng trưởng kinh tế, các lĩnh vực văn hóa - xã hội trên địa bàn Hoàng Mai được quan tâm, đầu tư phát triển toàn diện. Quận đã thực hiện giảm được 1.758 hộ nghèo qua các năm và kéo tỷ lệ hộ nghèo chung trên toàn quận xuống còn 0,25% (hoàn thành vượt kế hoạch đến năm 2020 là 0,3%); tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đạt 86%, tăng gấp 2,8 lần so với năm 2004. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm và đạt kết quả tốt, duy trì 14/14 phường đạt chuẩn quốc gia về y tế; công tác phòng, chống dịch bệnh được thực hiện chủ động, tích cực.
 Các đại biểu tham dự hội nghị 

Chất lượng giáo dục - đào tạo của quận được nâng lên qua các năm, đến nay, 100% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn. Quy mô giáo dục, mạng lưới trường lớp được mở rộng, phát triển mạnh. Hiện nay, toàn quận có 76 trường (54 trường công lập, 22 trường ngoài công lập), tăng 24 trường so với năm 2003, trong đó có 30/54 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, chiếm 55,6% và tăng 25 trường so với khi mới thành lập quận. Đặc biệt, năm 2018, kết quả thi vào THPT công lập của quận Hoàng Mai đứng thứ 2/30 quận, huyện, thị xã.
Công tác quản lý đô thị, quản lý quy hoạch và trật tự xây dựng có chuyển biến rõ nét, văn minh đô thị được tăng cường. Những năm gần đây, Hoàng Mai đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đồng bộ nên đã ngăn chặn được các vi phạm về trật tự xây dựng, số công trình xây dựng có phép ngày càng tăng, số công trình vi phạm cũng giảm dần. Đến nay, tỷ lệ công trình xây dựng có phép chiếm 99%, tỷ lệ công trình vi phạm giảm xuống còn 3,8% (giai đoạn mới thành lậo tỷ lệ này ở mức 70%).
Nâng cao chất lượng sống của nhân dân
Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai đề cập 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để cả hệ thống chính trị quận tổ chức thực hiện hiệu quả, trong đó, tập trung huy động mạnh mẽ nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đảm bảo kinh tế quận tăng trưởng nhanh, bền vững, gắn với nâng cao chất lượng sống của nhân dân.
Cùng với đó, nâng cao kỷ luật, kỷ cương, hiệu quả công tác quản lý, sử dụng đất đai; làm tốt công tác GPMB; đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng, phát triển và quản lý đô thị theo hướng xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại gắn với bảo vệ tài nguyên và nâng cao chất lượng môi trường.
Trong 15 năm qua, nhiều tập thể, cá nhân của quận Hoàng Mai đã được T.Ư, TP tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2008), Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2018). Phần thưởng cao quý này sẽ được trao vào dịp tổng kết phong trào thi đua của quận năm 2018.