Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quận Hoàng Mai tiếp xúc, đối thoại với người dân vùng bãi ngoài sông Hồng

Đông Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 25/9, HĐND quận Hoàng Mai tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề về công tác quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng và phát triển kinh tế vùng bãi ngoài sông Hồng.

Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề do HĐND quận Hoàng Mai được đánh giá cao. Ảnh: An Thanh.
Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề do HĐND quận Hoàng Mai được đánh giá cao. Ảnh: An Thanh.

Hội nghị tiếp xúc cử tri được tổ chức trong thời điểm quận Hoàng Mai đang tiến hành lập đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 thuộc Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Hàng trăm hộ dân 4 phường Thanh Trì, Lĩnh Nam, Trần Phú, Yên Sở vừa phải di dời tránh lụt do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa sau bão, khi nước sông Hồng ngấp nghé mức báo động 3.

Hơn lúc nào hết những vấn đề dân sinh ngoài bãi sông Hồng đang trở thành vấn đề "nóng" và các cấp ủy, chính quyền phải nhanh chóng vào cuộc, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế. Do đó, hội nghị tiếp xúc cử tri này được người dân các phường Thanh Trì, Lĩnh Nam, Trần Phú, Yên Sở (quận Hoàng Mai) đặc biệt quan tâm.

Giải quyết gốc rễ của công tác quản lý sử dụng đất đai vùng bãi ngoài đê sông Hồng

Diện tích bãi ngoài đê sông Hồng của quận Hoàng Mai khoảng 964ha (chiếm tỷ lệ 24%), trong đó đất nông nghiệp 425ha, đất phi nông nghiệp 355ha, đất sông 174ha, đất chưa sử dụng hơn 9ha, ngoài đê đang có trên 14.000 nhân khẩu sinh sống. Khu đất 4 phường nằm trong ranh giới quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 1045/QĐ-UBND ngày 25/3/2022.

Hiện, quận Hoàng Mai đang cùng đơn vị tư vấn thực hiện các bước lập đồ án quy hoạch 1/500, dự kiến hoàn thành trong tháng 12/2024. Chính quyền cần lắng nghe “người trong cuộc” đóng góp các ý kiến, ý tưởng phát triển kinh tế vùng bãi.

Cần phải chung tay hỗ trợ người dân ngoài bãi ổn định cuộc sống. Ảnh: LN
Cần phải chung tay hỗ trợ người dân ngoài bãi ổn định cuộc sống. Ảnh: LN

Thống kê chưa đầy đủ, trong vòng 12 năm qua, UBND quận Hoàng Mai đã phải ban hành 21 văn bản liên quan đến công tác quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng cho diện tích ngoài bãi này. Riêng 8 tháng đầu năm nay, quận Hoàng Mai đã ban hành 8 văn bản đôn đốc, nhắc nhở các phường về công tác quản lý đất đai, xây dựng.

Hơn 10 năm qua, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã 3 lần thành lập đoàn thanh tra (2013, 2017, 2018) về việc quản lý, sử dụng đất đai. Tình trạng cá nhân, đơn vị sử dụng đất trái phép, dùng vào mục đích phi nông nghiệp đã được báo chí, người dân liên tục phản ánh.

Đối thoại với dân, lắng nghe những phản ánh từ cơ sở chính là một trong các giải pháp quan trọng góp phần giải quyết gốc rễ phức tạp của công tác quản lý sử dụng đất đai vùng bãi, giúp người dân ổn định cuộc sống.

Ban Thường vụ Quận ủy Hoàng Mai xác định đối thoại với người dân là việc cần làm, phải làm trong bối cảnh vùng bãi là một trong những địa bàn trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội trong vòng 5, 10 năm tới. Nhất là trong quy hoạch sắp tới, 3 trong 4 phường ngoài đê được phép hình thành cụm dân cư thì nhu cầu ăn, ở, học tập của người dân sẽ còn tăng cao.

Đối với người dân, hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề do HĐND quận Hoàng Mai là cơ hội để họ trình bày với người đứng đầu Đảng bộ quận, Ban Thường vụ Quận, HĐND, UBND quận Hoàng Mai những vướng mắc kéo dài hàng chục năm nay. Chính vì vậy, có hơn 200 người, đại diện cho người dân 4 phường Thanh Trì, Lĩnh Nam, Trần Phú, Yên Sở đã có mặt tham dự. Tại buổi đối thoại, nhiều ý kiến được cử tri đưa ra.

Người dân ngoài bãi tham gia phát biểu. Ảnh TA
Người dân ngoài bãi tham gia phát biểu. Ảnh TA

Nhiều vấn đề nóng

Tại hội nghị tiếp xúc cử tri, trong số 17 vấn đề được người dân nêu ra có 16 nội dung liên quan đến vùng bãi, nhiều vấn đề ngoài thẩm quyền của quận Hoàng Mai, cần thời gian để giải quyết.

Trong nhóm các câu hỏi về vấn đề quy hoạch, bà Nguyễn Thị Quỳnh (phường Trần Phú) đặt câu hỏi: quy hoạch mới có tồn tại khu dân cư cảng Khuyến Lương gồm 45 hộ dân không? Ngoài ra, nhiều câu hỏi khiến cho các nhà quản lý phải suy nghĩ như: trong khi chờ quy hoạch, người dân có thể san lấp đất xen kẹt để làm chỗ vui chơi cho trẻ em, người già không? Người dân sát chân đê phường Thanh Trì có được cấp giấy phép cải tạo nhà hay không? Nếu muốn được cấp thì phải kèm những điều kiện gì?...

Cử tri Nguyễn Ngọc Huân (phường Thanh Trì) kiến nghị quận Hoàng Mai khi lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cần chọn địa điểm, xây dựng công viên, cây xanh kết hợp khu vui chơi, tham quan, quảng bá làng nghề.

Có thể thấy việc chỉ có 7/420 công trình phát sinh ngoài bãi từ đầu năm 2024 đến nay vi phạm quy định xây dựng (trong đó, có 2 công trình xây dựng không giấy phép) là một con số không lớn. Nhưng việc để người dân phản ánh gặp khó khăn khi làm thủ tục giấy phép tu bổ nhà cửa là vấn đề cấp ủy, chính quyền các cấp phải suy nghĩ.

Việc sử dụng 425ha đất nông nghiệp vùng bãi như thế nào để phát triển kinh tế là vấn đề được nhiều người dân đặt câu hỏi cho chính quyền quận Hoàng Mai. Người dân HTX Khuyến Lương đã chia sẻ những băn khoăn, lo lắng của mình. Nhất là khi Ban Thường vụ Quận ủy Hoàng Mai chấp thuận thí điểm đấu giá cho thuê đất nông nghiệp để phát triển kinh tế trang trại, kết hợp phát triển nông nghiệp với thương mại, dịch vụ sẽ phát sinh nhiều vấn đề.

Các vấn đề dân sinh được đưa ra hội nghị. Ảnh: HT
Các vấn đề dân sinh được đưa ra hội nghị. Ảnh: HT

Sau phần trả lời của Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Đỗ Thanh Tùng, Bí thư Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Xuân Linh yêu cầu Phòng Quản lý đô thị và Phòng Tài nguyên - Môi trường tiếp tục trình bày sâu hơn vấn đề mà người dân quan tâm. Theo đó, nhiều vấn đề tồn đọng 10 - 15 năm nay, không dễ giải quyết được trong 4 giờ đối thoại, nhưng quan điểm giải quyết vướng mắc những vấn đề đời sống dân sinh của quận Hoàng Mai nói chung và vùng bãi sông Hồng nói riêng được người dân đánh giá cao.

Bí thư Quận ủy Hoàng Mai đề nghị các đơn vị ngồi cùng với người dân rà lại sổ sách, giấy tờ xem trường hợp nào đủ điều kiện thì cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nêu rõ thời hạn cấp, với tinh thần đặt quyền lợi của người dân lên hàng đầu.

“Từ đầu năm đến nay, cả 4 phường với hơn 3.000 hộ dân mà chỉ mới cấp được 18 Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, người dân không muốn làm thủ tục, hay không ai hướng dẫn cho họ? Vấn đề cấp Giấy phép xây dựng cũng vậy, chính quyền các phường và các phòng chuyên môn phải làm rõ điều này” - Bí thư Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Xuân Linh chỉ đạo.