Quận Hoàng Mai: Tổ chức đối thoại trước khi cưỡng chế thu hồi đất

An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 5/4, UBND quận Hoàng Mai đã tổ chức Hội nghị đối thoại với người dân thuộc diện GPMB Dự án đường 2,5 đoạn từ Đầm Hồng đến Quốc lộ 1 trên địa bàn phường Định Công và phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai.

Cán bộ Trung tâm phát triển quỹ đất quận Hoàng Mai  kiên trì đối thoại với người dân. Ảnh AT
Cán bộ Trung tâm phát triển quỹ đất quận Hoàng Mai kiên trì đối thoại với người dân. Ảnh AT

Được biết, Dự án đường 2,5 đoạn từ Đầm Hồng đến Quốc lộ 1 trên địa bàn phường Định Công và phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai đã kéo dài 20 năm. Theo đó, Dự án đường Vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng - quốc lộ 1 được UBND Hà Nội phê duyệt từ năm 2002 và khởi công vào tháng 3/2014.

Dự án đi qua quận Thanh Xuân và Hoàng Mai với chiều dài khoảng 2,1km, mặt đường rộng 40m với tổng mức đầu tư khoảng 1.300 tỷ đồng. Tuyến đường dự kiến đưa vào sử dụng năm 2016, tuy nhiên đến nay vẫn chưa hoàn thành chủ yếu do còn vướng giải phóng mặt bằng tại ngõ 176 Định Công với khoảng 2.900m2 đất của 27 hộ (trong đó có 2 doanh nghiệp).

Đoạn đường đang chờ GPMB (bôi đỏ) tại địa bàn quận Hoàng Mai. (Ảnh Google).
Đoạn đường đang chờ GPMB (bôi đỏ) tại địa bàn quận Hoàng Mai. (Ảnh Google).

Còn 5% diện tích chưa GPMB

Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất quận Hoàng Mai Vũ Minh Tú cho biết: “Quận Hoàng Mai thu hồi 58.411,8m2, liên quan đến 595 phương án (587 hộ gia đình và 5 tổ chức, 1 phương án đất nông nghiệp của 431 hộ tại cổng kho lương thực và 2 phương án đất công). UBND quận Hoàng Mai đã phê duyệt 591 phương án, trong đó 553 phương án đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư 64.090m2 đạt 95,4%, còn lại 2.955,13m2”.

Lâu nay, quận Hoàng Mai vẫn tiếp tục tuyên truyền, vận động đối với 35 hộ có công trình tài sản tại đất Khu cổng kho lương thực đã được UBND TP Hà Nội chấp thuận cho UBND quận Hoàng Mai thực hiện cưỡng chế thu hồi đất theo quy định tại Điều 71 Luật Đất đai 2013.

Hiện vẫn còn 27 hộ dân chưa nhận đền bù khiến dự án chưa thể triển khai. Ảnh: AT
Hiện vẫn còn 27 hộ dân chưa nhận đền bù khiến dự án chưa thể triển khai. Ảnh: AT

Sau một thời gian dài UBND phường Định Công và cán bộ của Trung tâm phát triển quỹ đất quận Hoàng Mai kiên trì giải thích, thuyết phục, đến nay đã có 8/35 hộ nhận tiền và bàn giao mặt bằng. Như vậy, vẫn còn 27 hộ chây ì, chưa chấp nhận phương án đền bù với nhiều lý do khác nhau.

Hơn 10 ý kiến của người dân tham gia buổi đối thoại bao gồm 3 nhóm ý kiến gồm: Yêu cầu chính quyền đo đạc, xác minh lại mốc, công khai lộ giới của dự án; đề nghị hỗ trợ thêm quyền lợi cho người dân bị GPMB, trong đó có cả việc được mua nhà xã hội; đề nghị được đền bù các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.

Được biết, sở dĩ đến giờ giữa người dân và chính quyền địa phương vẫn có những ý kiến khác nhau là do việc quản lý đất đai trước đây lỏng lẻo. Nhiều diện tích vốn là đất hoang hóa, đất nông nghiệp bị người dân lấn chiếm bán trao tay, xây dựng công trình trái phép, nhiều diện tích đã thay tên, đổi chủ, thậm chí có nhiều chủ sở hữu đất đã chết...

Đến nay, thực hiện sự chỉ đạo của Thành ủy, Thường trực Quận ủy Hoàng Mai, Trung tâm phát triển quỹ đất quận và các đơn vị liên quan đã vận dụng tối đa các chính sách có lợi cho người dân nhưng đến nay vẫn chưa có điểm chung. Thậm chí các hộ dân còn khiếu kiện kéo dài, ảnh hưởng chung đến tình hình GPMB cả dự án.

Chị Hà Thị Thào (ngõ 176 Định Công) - một trong những hộ dân đã nhiều năm khiếu kiện đòi quyền lợi phát biểu ý kiến tại hội nghị đối thoại. Ảnh: AT
Chị Hà Thị Thào (ngõ 176 Định Công) - một trong những hộ dân đã nhiều năm khiếu kiện đòi quyền lợi phát biểu ý kiến tại hội nghị đối thoại. Ảnh: AT

Thực hiện cưỡng chế thu hồi đất

Chủ trì buổi đối thoại, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Đỗ Thanh Tùng đã yêu cầu đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường đối thoại trực tiếp với các hộ dân còn thắc mắc.

Kết luận buổi đối thoại Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Đỗ Thanh Tùng nhấn mạnh: “Ngay từ bây giờ, lúc này và kể cả thời gian sau này người dân có quyền được bảo lưu ý kiến, đòi hỏi quyền lợi của mình. Nhưng quan điểm của UBND quận một mặt sẽ bảo đảm quyền lợi cho người dân, mặt khác phải bảo đảm kỷ cương của luật pháp. Sau khi tuyên truyền vận động nếu các hộ vẫn có tình chây ì, không phối hợp nhận tiền, bàn giao mặt bằng, quận Hoàng Mai sẽ thực hiện cưỡng chế thu hồi đất, tháo dỡ công trình tài sản bắt đầu từ ngày 6/4/2022”.

Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Đỗ Thanh Tùng cho biết: “Sau khi tuyên truyền vận động nếu các hộ vẫn có tình chây ì, không phối hợp nhận tiền, bàn giao mặt bằng, quận Hoàng Mai sẽ thực hiện cưỡng chế thu hồi đất, tháo dỡ công trình tài sản bắt đầu từ ngày 6/4/2022”.
Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Đỗ Thanh Tùng cho biết: “Sau khi tuyên truyền vận động nếu các hộ vẫn có tình chây ì, không phối hợp nhận tiền, bàn giao mặt bằng, quận Hoàng Mai sẽ thực hiện cưỡng chế thu hồi đất, tháo dỡ công trình tài sản bắt đầu từ ngày 6/4/2022”.

Đầu năm 2021, Sở GTVT Hà Nội cũng báo cáo đề xuất Thành ủy về nhóm 7 công trình đường vành đai nằm trong danh mục nhóm công trình giao thông quan trọng triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, giai đoạn tiếp theo Hà Nội dự kiến đầu tư trên 7.300 tỷ đồng để khép kín tuyến Vành đai 2,5 từ Đầm Hồng đến phố Ngụy Như Kon Tum với độ dài khoảng 1,9km.

Điểm cuối tuyến của dự án kết nối với đường Kim Đồng qua nút giao với đường Giải Phóng. Năm 2018, UBND Hà Nội đã phê duyệt nghiên cứu tiền khả thi dự án hầm chui qua đây để tránh xung đột với hệ thống đường sắt. Theo phương án hầm chui dài khoảng 600m với tổng mức đầu tư 670 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án dự kiến năm 2019 - 2020, tuy nhiên đến nay hầm chui này chưa được khởi công do đường Vành đai 2,5 Đầm Hồng - quốc lộ 1 chưa hoàn thành.

Không cần phải nói thì những thiệt hại về mặt kinh tế do việc chậm trễ GPMB đã được thấy rõ và nếu chỉ dừng lại ở mặt tuyên truyền, giải thích thì không biết đến bao giờ dự án mới hoàn thành. Trao đổi với nhóm phóng viên Kinh tế & Đô thị, các hộ dân cho biết họ ghi nhận sự cầu thị, lắng nghe của chính quyền nhưng vì quyền lợi, nên phải bám trụ dù biết mình sai. Những vấn đề liên quan đến GPMB của dự án đã kéo dài gần 20 năm sẽ được chúng tôi phản ánh trong các bài viết tiếp theo.

Đọc tiếp