70 năm giải phóng Thủ đô

Quản lý an toàn thực phẩm tại Sóc Sơn: Không nương tay với vi phạm

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là địa phương nằm ở cửa ngõ phía Bắc Thủ đô, với diện tích lớn thứ 2 của Hà Nội, các hình thức sản xuất - kinh doanh nhìn chung còn nhỏ lẻ, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) đặt ra nhiều thách thức đối với huyện Sóc Sơn.

100% cơ sở vi phạm bị xử phạt

Từ giữa tháng 4/2023, Hà Nội phát động chiến dịch Tháng hành động vì ATTP năm 2023. Triển khai kế hoạch chung của TP, huyện Sóc Sơn đã sớm ban hành Kế hoạch số 171/KH-UBND; Quyết định số 2065/QĐ-UBND thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành của huyện. 100% các xã, thị trấn đã tổ chức triển khai Tháng hành động vì ATTP năm 2023 đến các ban ngành, đoàn thể xã, thị trấn.

Đoàn liên ngành số 2 TP Hà Nội kiểm tra an toàn thực phẩm một cơ sở sản xuất - kinh doanh nông sản tại huyện Sóc Sơn vào tháng 4/2023. Ảnh: Lâm Nguyễn
Đoàn liên ngành số 2 TP Hà Nội kiểm tra an toàn thực phẩm một cơ sở sản xuất - kinh doanh nông sản tại huyện Sóc Sơn vào tháng 4/2023. Ảnh: Lâm Nguyễn

Trưởng phòng Y tế huyện Sóc Sơn Lưu Thị Hồng Sen cho biết, thời gian qua, công tác thông tin, tuyên truyền được huyện chú trọng. Theo đó, 8 lớp tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Tháng hành động vì ATTP đến các tổ chức, cá nhân sản xuất - kinh doanh, chế biến thực phẩm, người tiêu dùng đã được tổ chức. Huyện cũng tiến hành cấp phát 1.600 tờ rơi, treo 15 băng zôn, 60 pa nô, 36 băng đĩa để thông tin sâu rộng các mục tiêu bảo đảm ATTP trong năm 2023…

Song hành với thông tin, tuyên truyền, huyện chỉ đạo tăng cường kiểm tra các cơ sở về việc thực hiện những quy định ATTP. Từ giữa tháng 4/2023 đến nay, toàn huyện đã kiểm tra được 156 cơ sở sản xuất - kinh doanh thực phẩm. Trong đó, có 137/156 cơ sở đạt các quy định về ATTP. Đáng chú ý, 19/19 cơ sở còn lại có vi phạm đều bị xử phạt hành chính, với tổng số tiền gần 39 triệu đồng (đạt tỷ lệ xử lý vi phạm 100%).

Huyện cũng đã tổ chức lấy 346 mẫu để xét nghiệm nhanh các chỉ tiêu về ATTP. Kết quả cho thấy, có 331/346 mẫu đạt. Phần lớn các mẫu không đạt là do vi phạm chỉ tiêu về tinh bột. Các trường hợp có vi phạm đều đã bị cơ quan chức năng của huyện Sóc Sơn yêu cầu tạm dừng sản xuất - kinh doanh để khắc phục.

Công khai cơ sở vi phạm

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng, thực tế cho thấy công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn huyện Sóc Sơn hiện còn không ít khó khăn. Địa bàn quản lý rộng, các cơ sở sản xuất - kinh doanh nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ lớn và thường xuyên thay đổi. Một số quy định về điều kiện trong cơ sở sản xuất - kinh doanh nhỏ lẻ cũng chưa rõ ràng, ảnh hưởng đến công tác quản lý.

Cùng với đó, việc giám sát ATTP tại các chợ vẫn còn nhiều bất cập. Ý thức chấp hành các quy định pháp luật của nhiều cơ sở chưa cao; việc lựa chọn thực phẩm của người tiêu dùng còn dễ dãi, tạo điều kiện cho thực phẩm không bảo đảm ATTP lưu hành trên thị trường, dẫn đến nguy cơ mất ATTP…

Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội Hà Tiến Nghi đánh giá, dù là địa bàn rộng và các hình thức sản xuất - kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún còn khá phổ biến, tuy nhiên việc triển khai Tháng hành động vì ATTP năm 2023 trên địa bàn huyện Sóc Sơn thời gian qua được thực hiện khá bài bản; bước đầu thu về những kết quả tích cực.

Theo ông Hà Tiến Nghi, ngoài các hoạt động thường xuyên của công tác bảo đảm ATTP, Tháng hành động vì ATTP năm 2023 được TP xác định sẽ là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về ATTP; giảm thiểu các vi phạm trong sản xuất - kinh doanh thực phẩm.

Với tinh thần chung đó, trong thời gian diễn ra Tháng hành động vì ATTP năm 2023, ông Hà Tiến Nghi đề nghị huyện Sóc Sơn tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền các mô hình sản xuất - kinh doanh, chuỗi thực phẩm an toàn.

Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử phạt nghiêm, đồng thời, công khai các cơ sở có vi phạm về ATTP để người tiêu dùng biết, tránh, lựa chọn.