Cải tạo ao, hồ, làm đẹp quê hương
Về thôn Hưng Giáo, xã Tam Hưng vào những ngày đầu tháng 7/2022, cái nắng nóng oi bức của mùa hè như được xoa dịu bởi mặt nước ao bốn mùa trong xanh. Bí thư chi bộ thôn Hưng Giáo Bùi Tiến Dũng chia sẻ, ao làng là tài sản vô giá của người dân nơi đây. Giai đoạn 2005 - 2008, mỗi hộ gia đình đã tự nguyện hiến đất trồng rau màu, hộ ít thì hơn chục m2, hộ nhiều thì trên 100 m2 để chung sức xây dựng ao.
Không những thế, cán bộ và Nhân dân trong thôn còn đồng lòng đóng góp kinh phí để kè xung quanh với tổng kinh phí gần 600 triệu đồng. Một số gia đình còn ủng hộ cây xanh, ghế đá, đèn chiếu sáng, đài phun nước tạo dựng không gian vui chơi hoàn chỉnh, sạch đẹp.
“Lúc sáng sớm, khi chiều tối là thời điểm rất đông người dân thưởng lãm cảnh quan, hóng mát, dạo bộ xung quanh hồ. Mừng nhất là việc chỉnh trang, chăm sóc cây xanh, vệ sinh môi trường khu vực ao đã trở thành nếp sinh hoạt quen thuộc của người dân với vai trò nòng cốt là lực lượng phụ nữ, thanh niên của thôn” – ông Bùi Tiến Dũng phấn khởi cho hay.
Thôn Tảo Dương, xã Hồng Dương cũng là một điển hình về gìn giữ, cải tạo ao, hồ. Nói về thành quả đáng tự hào có được từ sự chung sức, đồng lòng, Trưởng thôn Tảo Dương Phạm Văn Cường cho hay, trước đây không ít ao, hồ trong thôn bị san lấp hoặc là nơi chứa rác, nước thải gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng môi trường sống.
Sau một thời gian vận động với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, năm 2013, ý tưởng hồi sinh hồ của ông Cường đã được Nhân dân hưởng ứng, ủng hộ hàng tỷ đồng để làm rãnh ngăn nước thải chảy vào hồ, kè bờ, trồng sen trong hồ, trồng cây, bê tông hóa mặt đường dạo xung quanh. Nhờ đó hồ đã trở thành không gian xanh lý tưởng, là nơi bà con xóm làng nghỉ chân mỗi khi đi dạo hay thư giãn sau một ngày làm việc mệt nhọc.
Chủ tịch UBND xã Hồng Dương Nguyễn Duy Hùng cho biết, ao, hồ đã tạo nên diện mạo xanh, sạch, đẹp cho xã nông thôn mới nâng cao Hồng Dương. Giá trị của ao, hồ mang lại là không thể đong đếm, vì vậy mà người dân địa phương luôn trân trọng và nêu cao trách nhiệm gìn giữ. Tính đến nay, toàn xã có tổng số 10 ao, hồ được cải tạo, làm sạch. Kết quả này đến từ sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân, bởi ai nấy đều nhận thức sâu sắc rằng, cải tạo môi trường sống thông qua làm sạch ao, hồ trước hết là để cho chính mình thụ hưởng.
Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của ao, hồ trong điều hòa tiểu khí hậu, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, từ nguồn xã hội hóa và ngân sách đầu tư, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Thanh Oai đã cải tạo, hồi sinh hàng chục ao, hồ. Công tác quản lý ao, hồ đã được quan tâm, nhiều xã, thị trấn đã đầu tư kè cứng, chỉnh trang ao, hồ bước đầu đã góp phần vào việc bảo vệ môi trường, chống lấn chiếm.
Quy hoạch bài bản, quản lý chặt chẽ
Qua số liệu thống kê, rà soát cho thấy, số lượng ao, hồ trên địa bàn huyện Thanh Oai đang có xu hướng giảm và đối mặt với nguy cơ bị ô nhiễm, lấn chiếm nếu không có biện pháp quyết liệt trong công tác quản lý, khai thác, sử dụng.
Đề cập về giải pháp xử lý thực trạng này, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho rằng: “Hơn lúc nào hết, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở để “trả lại” những ao, hồ về với chức năng vốn có là những điểm giữ nước mưa, chống úng ngập, tạo cảnh quan môi trường, điều hòa khí hậu; tạo nhiều điểm vui chơi, sinh hoạt cộng đồng dân cư trong những dịp lễ, tết truyền thống”.
Đầu năm 2021, UBND huyện Thanh Oai đã xây dựng đề án "Tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất ao, hồ, đất bãi bồi ven sông, đất chưa sử dụng, đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích (do UBND cấp xã quản lý) trên địa bàn huyện Thanh Oai giai đoạn năm 2021 - 2025 và những năm tiếp theo”. Đề án cũng đã được HĐND huyện Thanh Oai khóa XIX thông qua tại kỳ họp thứ 19. Đây là quyết sách kịp thời, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay, góp phần giữ gìn môi trường trong lành, bền vững, xây dựng Thanh Oai văn minh, “sáng - xanh - sạch - đẹp”.
Mục tiêu của đề án là đầu tư, khai thác hiệu quả ao, hồ (thuộc quỹ đất công) trong các khu dân cư phù hợp với quy hoạch. Đảm bảo đồng bộ các hạng mục: Kè cứng, tách nước thải sinh hoạt ra khỏi hồ, ao để thu về hệ thống thoát nước chung; đầu tư xây dựng vỉa hè, trồng cây xanh, chiếu sáng trang bị các thiết bị tập thể dục ngoài trời; tạo thành điểm vui chơi, sinh hoạt cộng đồng phục vụ Nhân dân.
Ao, hồ được xem là “lá phổi xanh” góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng sống của người dân. Đây cũng là một trong những mục tiêu quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội toàn diện mà huyện Thanh Oai hướng tới. Chúng tôi không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, do đó việc giữ môi trường an lành, ổn định đời sống dân cư luôn được đặt lên hàng đầu. Hơn nữa, việc giữ gìn, bảo vệ ao, hồ cũng chính là cách tạo ra hàng loạt những lợi ích to lớn về môi trường, khí hậu, cảnh quan, nguồn sinh kế ổn định cả trước mắt và lâu dài.
Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng
Cùng với đó là xây dựng, làm điểm, thiết kế mẫu, điển hình ao, hồ và kiến trúc cảnh quan, gắn với xây dựng hạ tầng đồng bộ xung quanh ao, hồ (lan can bảo vệ, vỉa hè, rãnh thu nước, trồng cây xanh, chiếu sáng). Để cảnh quan, không gian quanh hồ trở thành địa điểm sinh hoạt cộng đồng góp phần xây dựng nếp sống văn minh, tạo sự chuyển biến về ý thức của các tầng lớp Nhân dân thông qua việc tự giác chấp hành các quy định về quản lý, khai thác, sử dụng ao, hồ.
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Để đề án đi vào chiều sâu và có hiệu quả, huyện Thanh Oai luôn xác định công tác lập quy hoạch phải đi trước một bước, phải tạo hành lang, cơ sở để cấp chính quyền và người dân nắm được quy hoạch của ao, hồ tại mỗi thôn, xóm, khu dân cư. Theo đó, UBND huyện Thanh Oai đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tham mưu lập quy hoạch ao, hồ để quản lý gắn liền với quy hoạch trung tâm xã, quy hoạch điểm dân cư nông thôn, tỷ lệ 1/500.
Trong đó, chú trọng cập nhật các thửa đất ao, hồ còn hiện trạng là ao, hồ, mặt nước vào quy hoạch sử dụng đất là quy hoạch đất mặt nước chuyên dùng hoặc đất nuôi trồng thủy sản để bảo tồn, duy trì, giữ mặt nước, điều hòa không khí. Đặc biệt khi có mưa lớn xảy ra để phòng, chống úng ngập cho khu dân cư, đồng thời kết hợp nuôi trồng thủy sản đem lại nguồn thu cho ngân sách.
Huyện cũng yêu cầu cấp ủy, chính quyền xã, thị trấn nâng cao trách nhiệm, tăng cường công tác kiểm tra thường xuyên và đột xuất tình trạng chất lượng ao, hồ cũng như giải quyết, xử lý các trường hợp vi phạm làm ảnh hưởng đến chất lượng ao, hồ. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức, tư duy, ý thức trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp và của Nhân dân trong công tác bảo vệ, quản lý ao, hồ.
Về giải pháp đầu tư, giai đoạn 2021 - 2023, tập trung hoàn thành việc đầu tư đối với các ao, hồ đảm bảo các nội dung: Kè chân chống sạt lở; nạo vét bùn, rác và xử lý ô nhiễm lấn chiếm, rãnh thoát nước mưa, tách hệ thống nước thải, trồng cây xanh. Việc đầu tư hệ thống giao thông, điểm sinh hoạt cộng đồng chỉ thực hiện đối với ao, hồ đảm bảo về mặt bằng xung quanh, đảm bảo về nguồn lực đầu tư. Giai đoạn 2023 – 2025, đầu tư hoàn chỉnh đối với các ao, hồ giai đoạn 2021 - 2023 chưa hoàn thiện.
Đối với giải pháp nguồn vốn thực hiện đề án được huy động từ hai nguồn. Thứ nhất là từ nguồn xã hội hóa: Khuyến khích sự ủng hộ tự nguyện của các tổ chức, cá nhân tham gia bằng công trình, bằng tiền, bằng ngày công, vật chất hoặc tham gia tư vấn, quản lý duy trì, bảo vệ ao, hồ.
Thứ hai là từ nguồn ngân sách: Ưu tiên đầu tư các dự án kè, cứng hóa, bảo vệ ao, hồ, hệ thống chiếu sáng kết hợp làm cảnh quan, làm điểm sinh hoạt cộng đồng; Ưu tiên đầu tư cho các xã, thị trấn có nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện cân đối, đối ứng nguồn vốn kè cứng, cải tạo ao, hồ.
Hệ thống ao, hồ ngoài chức năng điều hòa, tiêu thoát nước còn là các điểm nhấn về cảnh quan. Vì vậy, rất cần sự quan tâm sát sao từ phía chính quyền xã, thị trấn trong việc xử lý các trường hợp lấn chiếm, xả thải gây ô nhiễm ao, hồ. Điều quan trọng hơn là mỗi người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan xung quanh khu vực ao, hồ, từ đó mới đem lại hiệu quả lâu dài, bền vững.
Trưởng phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện Thanh Oai Bùi Thị Thúy Hường