Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quản lý chặt đầu số, xóa tin nhắn rác?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên tiếp trong thời gian gần đây, cơ quan công an đã phá các vụ án lừa đảo phát tán tin nhắn rác nhằm chiếm đoạt của người dùng di động hàng tỷ đồng.

Liên tiếp trong thời gian gần đây, cơ quan công an đã phá các vụ án lừa đảo phát tán tin nhắn rác nhằm chiếm đoạt của người dùng di động hàng tỷ đồng. Đây là hệ quả của việc các doanh nghiệp (DN) viễn thông cấp phát đầu số cho các nhà cung cấp nội dung (CP/CSP) một cách tràn lan, thiếu kiểm soát nội dung.
Một tin nhắn lừa khách hàng.
Một tin nhắn lừa khách hàng.
 
Theo Thanh tra Bộ TT&TT, do chỉ cung cấp hạ tầng nên các DN viễn thông cấp dịch vụ đầu số tràn lan, càng không thể quản lý được nội dung đầu số do các CP/CSP cung cấp. Đây chính là kẽ hở để một số CP/CSP lợi dụng phát tán tin nhắn lừa đảo người dùng, phổ biến hiện nay là hình thức gửi tin nhắn quảng cáo tải các phần mềm chơi game, phát tán đường link có nội dung sex... rồi lừa người dùng nhắn tin hoặc gọi điện vào các đầu số dịch vụ để trừ tiền trong tài khoản của họ. Ngoài ra, nhiều đầu số 1900xxxx đã có hành vi nháy máy tạo cuộc gọi nhỡ, rồi khi người dùng gọi lại thì được kết nối tới hộp thư thoại trả lời tự động tiếp tục hướng dẫn gọi đến hệ thống các số dịch vụ giá trị gia tăng như 1900xxxx có giá cước từ 1.000 - 15.000 đồng/phút, block tính theo phút. Gần đây, cơ quan công an cũng bắt giữ 2 nhóm đối tượng mở 6 công ty chuyên hoạt động phát tán hàng triệu tin nhắn lừa đảo bằng các đầu số 7x68 và 7x77. Tổng số tiền các đối tượng chiếm đoạt của người dùng lên đến 23 tỷ đồng.

Được biết, trong nhiều hợp đồng cấp đầu số, các CP/CSP ăn chia số tiền cước dịch vụ thu được với nhà mạng theo tỷ lệ 45/55. Như vậy, dù hưởng lợi lớn từ việc cấp phát đầu số cho CP/CSP nhưng các nhà mạng lại không phải chịu trách nhiệm về những sai phạm nội dung do CP/CSP cung cấp. Theo ông Nguyễn Văn Hùng - Chánh Thanh tra Bộ TT&TT, các DN viễn thông cần xem lại việc quản lý dịch vụ đầu số, không thể cấp tràn lan, thiếu kiểm soát như hiện nay. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ khác, để xảy ra tình trạng này còn có trách nhiệm của cơ quan quản lý. Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng thừa nhận, theo quy định hiện hành thì chỉ có Nhà nước mới có kiểm soát nội dung trên mạng di động, nên các DN viễn thông chỉ cho thuê đầu số, cung cấp hạ tầng mà không có quyền quản lý nội dung. "Có thể nói, nhà mạng giống như người cho thuê xe chở hàng, chỉ biết cho thuê xe mà không kiểm soát được hàng đang chở là hàng gì, hàng lậu hay hàng quốc cấm" - ông Thắng ví von.

Kết luận về vấn đề này, tại Hội nghị giao ban quản lý Nhà nước của Bộ TT&TT tháng 7, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định, các DN viễn thông đã cho thuê hạ tầng thì cũng phải có trách nhiệm kiểm soát người thuê dùng hạ tầng vào việc gì, đồng thời phân loại được những người thuê hạ tầng, nếu DN thuê hạ tầng có vi phạm pháp luật thì phải báo cáo cơ quan quản lý để không làm gia tăng các hành vi lừa đảo qua tin nhắn rác. Bộ trưởng chỉ đạo, đã đến lúc phải thu hồi quyền cho thuê đầu số của các DN viễn thông. Bộ TT&TT sẽ quản lý đầu số và cấp đầu số, đồng thời kiểm soát nội dung mà CP/CSP sẽ cung cấp ra thị trường, các DN viễn thông sẽ chỉ cho thuê hạ tầng. Quản lý theo hướng này sẽ giải quyết được bất cập đang tồn tại hiện nay.