Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quản lý chất lượng công trình xây dựng: Tăng kiểm tra, giám định

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công, bảo trì công trình xây dựng thay thế Nghị định 46/2015/NĐ-CP vừa được Bộ Xây dựng lấy ý kiến đóng góp, vẫn còn nhiều điểm cần được hoàn thiện, bổ sung để phù hợp với các điều khoản của Luật Xây dựng năm 2020 (sửa đổi).

Các công trình xây dưng cần phải được kiểm tra chặt chẽ từ khâu thiết kế, thi công ban đầu. Ảnh: Mai Vân
Nhiều công trình không đảm bảo chất lượng

Theo số liệu thống kê của Cục An toàn lao động (Bộ LĐTB&XH), năm 2018, cả nước xảy ra 972 vụ tai nạn lao động chết người thì số vụ tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng chiếm tỷ lệ cao nhất (15%). Năm 2019, lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đã thực hiện 88 vụ cứu nạn sập đổ công trình, tăng 200% so với năm 2018 (44 vụ). Nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra như: Vụ sập tường trong Khu công nghiệp tại tỉnh Đồng Nai vào tháng 5/2020 khiến 10 người đang thi công bị thiệt mạng, 14 người bị thương; cuối tháng 7/2020, xảy ra vụ sập giàn giáo tại một công trình xây dựng trên phố Nguyễn Công Trứ, Hà Nội làm 4 người thương vong... Những vụ sập đổ công trình nêu trên đều gây thiệt hại lớn về người, tài sản và bị khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo đánh giá, sở dĩ nhiều công trình xây dựng xảy ra những sự cố đáng tiếc một phần là do công tác quản lý vẫn còn lỏng lẻo, chủ đầu tư chưa thực hiện nghiêm túc những quy định về quy trình thực hiện dự án. Đơn cử, giai đoạn lập dự án chưa được khảo sát kỹ, thường thực hiện theo sự chủ quan của chủ đầu tư, trong khi đó khâu thẩm định chưa được coi trọng, sự tham gia của các ngành mang tính hình thức. Lĩnh vực khảo sát phục vụ thiết kế sơ sài, thiếu độ tin cậy. Bên cạnh đó, công tác thẩm định nhiều công trình mang tính hình thức.

Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng cho biết, thời gian qua, các văn bản quy phạm pháp luật được kiện toàn đã giúp hoạt động xây dựng đạt được nhiều kết quả tích cực. “Bên cạnh những công trình đạt chất lượng, còn không ít công trình có chất lượng kém, công trình nứt, vỡ, lún sụt, thấm dột đưa vào sử dụng thời gian ngắn đã hư hỏng phải sửa chữa, phá đi làm lại. Nhiều công trình không được tiến hành bảo trì hoặc bảo trì không đúng định kỳ làm giảm tuổi thọ công trình”- ông Trần Ngọc Hùng nhìn nhận.

Đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền

Đại điện Bộ Xây dựng cho biết, Luật Xây dựng 2020 sửa đổi một số nội dung đã thực thi từ tháng 8/2020, những nội dung còn lại có hiệu lực từ 1/1/2021 với nhiều điểm tích cực. Cụ thể, quy định về thẩm quyền Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng của người quyết định đầu tư; quy định về miễn giấy phép xây dựng đối với công trình xây dựng đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thông báo kết quả thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở đủ điều kiện phê duyệt thiết kế xây dựng; bãi bỏ thẩm quyền của Bộ Xây dựng, giao UBND tỉnh cấp giấy phép công trình xây dựng cấp đặc biệt... Những quy định mới này mang lại nhiều tín hiệu tích cực cho công tác quản lý Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư. Bộ cũng đã hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 46/2015/NĐ-CP về quản lý chất lượng, thi công công trình xây dựng, bảo trì công trình xây dựng.

Theo KS Cao Văn Hà – Sở Xây dựng Bắc Ninh, muốn nâng cao chất lượng công trình xây dựng, cần nâng hiệu quả quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước thông qua hình thức tăng cường kiểm tra, kiểm định, giám định. “Cùng với đó, lựa chọn, giám sát chủ đầu tư, nhà thầu đủ điều kiện, năng lực. Chủ sở hữu công trình cần phải nhận thức đầy đủ về công tác bảo trì, không nhận bàn giao khi không có hồ sơ bảo trì công trình; đồng thời công tác giám sát cộng đồng về chất lượng công trình xây dựng cũng cần phải được tăng cường” - KS Cao Văn Hà nhìn nhận.

Ở khía cạnh khác, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho rằng, Nghị định 46/2020 cần phải tăng cường phân cấp thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng cho UBND cấp tỉnh và các cơ quan chuyên môn trực thuộc tỉnh. Cơ quan chuyên môn về xây dựng trực thuộc Bộ Xây dựng kiểm tra những công trình không phân biệt nguồn vốn đầu tư đối với công trình cấp I trở lên (trừ công trình xây dựng có quy mô dưới 25 tầng có chiều cao không quá 75m), công trình cấp đặc biệt, công trình do Thủ tướng Chính phủ giao, công trình theo tuyến đi qua 2 tỉnh trở lên. “Đồng thời phân cấp thẩm quyền cho Sở Xây dựng, đơn vị quản lý công trình xây dựng chuyên ngành được quyền kiểm tra công trình xây dựng có quy mô dưới 25 tầng, chiều cao không quá 75m và loại công trình xây dựng trên địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý của Sở theo quy định” - Lê Hoàng Châu cho hay.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cần hoàn thiện theo hướng đồng bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các văn bản mới cho chủ đầu tư, tổ chức, nhân tham gia hoạt động xây dựng. Cùng với đó, tập trung nâng cao năng lực cho chủ đầu tư thông qua sát hạch, cấp chứng chỉ hành nghề; tiến hành thanh tra, kiểm tra đơn vị tư vấn; kiểm tra chặt chẽ chất lượng công trình trước khi bàn giao và đưa vào sử dụng. Có như vậy chất lượng công trình xây dựng sẽ được nâng cao, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Giám đốc Sở Xây dựng Phú Thọ Trần Quang Tuấn