Quản lý chất lượng không khí cho Hà Nội: Từ cam kết đến hành động

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ngày 23/2, UBND TP Hà Nội đã phối hợp với Ngân hàng thế giới tổ chức Hội thảo: “Quản lý chất lượng không khí cho thành phố Hà Nội – Từ cam kết đến hành động”, nhằm thúc đẩy các hành động chung về nâng cao chất lượng không khí và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

 Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho rằng, bên cạnh quyết tâm của lãnh đạo TP,  rất cần sự hỗ trợ, hợp tác của các tổ chức quốc tế, tham gia hành động của toàn thể các đơn vị, tổ chức và Nhân dân trong việc cải thiện chất lượng không khí trên địa bàn Thủ đô .
 Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho rằng, bên cạnh quyết tâm của lãnh đạo TP,  rất cần sự hỗ trợ, hợp tác của các tổ chức quốc tế, tham gia hành động của toàn thể các đơn vị, tổ chức và Nhân dân trong việc cải thiện chất lượng không khí trên địa bàn Thủ đô .

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, cùng với quá trình đô thị hóa và mở rộng TP, Hà Nội đã trở thành một trong 17 đô thị lớn nhất thế giới. TP đang phải đối mặt những tác động tiêu cực do ô nhiễm môi trường, biến đối khí hậu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững. Trong khi đó, việc quy hoạch phát triển TP còn chưa đồng bộ, thiếu lồng ghép các giải pháp môi trường và hạn chế trong hiểu biết của các cộng đồng dân cư đang là những thách thức không nhỏ đối với TP Hà Nội.

Trước thực trạng đó, TP Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hạn chế nguồn phát sinh chất gây ô nhiễm không khí. Điển hình, TP đã đưa vào vận hành hệ thống 35 trạm quan trắc không khí tự động, 06 trạm quan trắc nước mặt, giám sát chất lượng môi trường khí thải, nước thải các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất giải pháp cải thiện chất lượng không khí. Chỉ đạo các cấp chính quyền xóa được hơn 99% số lượng bếp than tổ ong, giảm 80% lượng đốt rơm rạ ở ngoại thành, xóa bỏ hàng trăm lò gạch thủ công; Thu gom, vận chuyển rác thải hàng ngày khu vực đô thị đạt trên 90%, khu vực ngoại thành đạt 80%; Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các nhà máy xử lý rác thải phát điện tại Nam Sơn 4000 tấn/ngày, Xuân Sơn 1.500 tấn/ngày, tiếp tục kêu gọi đầu tư các nhà máy xử lý rác thải phát điện hiện đại.

Các đại biểu tham gia  tọa đàm , chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo
Các đại biểu tham gia  tọa đàm , chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo

TP Hà Nội đã triển khai chương trình đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn; chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý cơ sở sản xuất, công trình xây dựng gây bụi bẩn; rà soát đầu tư xây dựng, chỉnh trang công viên, hồ điều hòa yêu cầu các đơn vị vệ sinh môi trường tăng cường tưới nước rửa đường, thu gom rác thải… nhằm hạn chế phát sinh ô nhiễm, đồng thời giao Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai nhiệm vụ "Xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cho thành phố Hà Nội" theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trên cơ sở đó,  tiến hành kiểm kê, lượng hóa được các nguồn ô nhiễm không khí và đưa ra các giải pháp phù hợp về chính sách, công nghệ và điều kiện, năng lực của địa phương.

“Mặc dù đã có nhiều giải pháp để cải thiện chất lượng không khí trên địa bàn, thế nhưng với sự biến đổi khó lường của khí hậu, tốc độ đô thị hóa, Hà Nội rất cần sự chung tay của các tổ chức xã hội và đối tác phát triển để thúc đẩy các hành động chung về nâng cao chất lượng không khí và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Việc giải quyết các thách thức và thực hiện hiệu quả các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí vừa là yêu cầu cấp thiết vừa là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững cho thành phố Hà Nội, góp phần vào nỗ lực chung của Việt Nam thực hiện cam kết mạnh mẽ về ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát thải bằng “0” – Net Zero vào năm 2050.” – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông nhấn mạnh.

Đại diện lãnh đạo TP Hà Nội, Ngân hàng Thế giới, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp,... chụp ảnh lưu niệm và cùng thể hiện quyết tâm vì một Hà Nội xanh - sạch đẹp.
Đại diện lãnh đạo TP Hà Nội, Ngân hàng Thế giới, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp,... chụp ảnh lưu niệm và cùng thể hiện quyết tâm vì một Hà Nội xanh - sạch đẹp.

Trao đổi tại hội thảo, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Carolyn Turk cho rằng, để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí một cách nghiêm túc đòi hỏi cách tiếp cận có sự phối hợp giữa các tỉnh lận cận dưới sự chủ trì của Hà Nội. “Chúng tôi có kinh nghiệm quốc tế và từ các dự án của ngân hàng thế giới hỗ trợ, đặc biệt ở Trung Quốc, đã chứng minh các lợi ích của sự phối hợp vùng và giữa các tỉnh thành. Sức khỏe và hiệu suất làm việc của người dân, mức độ đáng sống và sức hấp dẫn của TP có thể được cải thiện đáng kể đáp ứng các cam kết toàn cầu.” - bà Carolyn Turk cho biết và đồng thời, đưa ra 5 giải pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí cho Hà Nội.

Thứ nhất, Hà Nội cần thực thi hiệu quả lệnh cấm đốt rác, phế phẩm nông nghiệp ngoài trời, hỗ trợ quản lý tốt hơn phế thải nông nghiệp và có các biện pháp giảm bụi đường phố. Thứ 2 là củng cố và thực thi các tiêu chuẩn kiểm soát khí thải xe máy, thúc đẩy giao thông công cộng và đẩy mạnh phát triển xe điện, có thể hình thành các khu vực kiểm soát phát thải (phát thải thấp) trong thành phố.

Thứ 3 là xây dựng chiến lược quản lý chất thải bền vững để đảm bảo loại bỏ việc đốt rác ngoài trời, tăng tỉ lệ thu gom, phân loại và tái chế, thu hồi khí mê tan tại các bãi chôn lấp và tăng tỉ lệ làm phân hữu cơ.

Thứ 4 là giải quyết nguồn phát thải amoni từ hoạt động nông nghiệp, sử dụng phân bón vô cơ và hoạt động chăn nuôi. Đây là một phần quan trọng đáng kể trong kế hoạch quản lý không khí.

Thứ 5 là thắt chặt tiêu chuẩn phát thải cho các nhà máy điện và ngành công nghiệp, tăng tỉ lệ năng lượng tái tạo, phù hợp với cam kết của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tại COP26 về đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050; hỗ trợ giảm sử dụng than đá và sinh khối tại các làng nghề.  

Ngân hàng thế giới sẵn sàng tăng cường các cam kết hỗ trợ thành phố Hà Nội giải quyết các vấn đề môi trường của TP để xây dựng một Hà Nội xanh, sạch, đẹp”- bà Carolyn Turk nói.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện các tổ chức xã hội về môi trường, các doanh nghiệp đã có bài thảo luận sôi nổi với tinh thần chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời đưa ra những kiến nghị, đề xuất giải pháp hiệu quả cho vấn đề cải thiện chất lượng không khí trên địa bàn Thủ đô.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần