Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quản lý chất thải rắn: Chồng chéo, thiếu đồng bộ

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính sách quản lý chất thải rắn (CTR) chồng chéo, không còn phù hợp thực tế hay tình trạng thiếu trạm trung chuyển rác; công nghệ xử lý rác lạc hậu, không đảm bảo công suất… là những vấn đề làm nóng hội trường tại hai hội thảo về CTR do Bộ TN&MT tổ chức ngày 8/5.

Chưa rõ ràng trong phân công quản lý
Theo ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, mặc dù Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) quy định các Bộ: Xây dựng, Y tế và GTVT được giao chủ trì, phối hợp với Bộ TN&MT tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về BVMT trong phạm vi, lĩnh vực ngành quản lý.
Trách nhiệm cụ thể của từng bộ được quy định trong các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật. Tuy nhiên, các văn bản dưới luật (Nghị định số 36/2017/NĐ-CP, Nghị định số 46/2015/NĐ-CP, Nghị định 38/2015/NĐ-CP) lại không rõ ràng trong phân công chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện quản lý Nhà nước về CTR; chưa quy định, phân luồng quản lý CTR một cách thống nhất.
 Xử lý rác thải rắn tại Nhà máy Nam Sơn, huyện Sóc Sơn. Ảnh: Thanh Hải
Trong thẩm định, đánh giá xử lý CTR, Luật Chuyển giao công nghệ và các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành đang thống nhất giao Bộ TN&MT tổ chức thẩm định, đánh giá công nghệ xử lý môi trường, bao gồm cả thẩm định, đánh giá công nghệ mới lần đầu áp dụng ở Việt Nam. Tuy nhiên, khoản 3 Điều 27 Nghị định 38/2015/NĐ-CP vẫn đang giao trách nhiệm thẩm định công nghệ xử lý CTR sinh hoạt mới được nghiên cứu và áp dụng lần đầu ở Việt Nam cho Bộ KH&CN. Luật BVMT không quy định về vấn đề này.
Bên cạnh đó, Nghị định số 08/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật KHCN lại giao việc thẩm định công nghệ trong dự án đầu tư cho ngành KH&CN (Bộ KH&CN và Sở KH&CN).

"Tổng cục Môi trường cần sớm xây dựng và hoàn thiện nội dung trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan đến chức năng quản lý Nhà nước về CTR. Các địa phương thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về xử lý rác thải trên địa bàn. Đặc biệt, tập trung các nguồn lực để giải quyết các vấn đề bức xúc về chất thải tại địa phương; nghiên cứu áp dụng các cơ chế đấu thầu khi lựa chọn các chủ đầu tư để tạo cơ chế cạnh tranh, minh bạch; huy động được nguồn lực của toàn xã hội trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt." - Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân

Ông Nguyễn Hưng Thịnh cũng cho biết, theo quy định của khoản 8 Điều 8 Nghị định số 24/2014/NĐ-CP, tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, TP trực thuộc T.Ư, Sở Xây dựng được giao tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh quản lý Nhà nước về hạ tầng kỹ thuật đô thị và khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, trong đó bao gồm quản lý chất thải rắn thông thường tại đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng.
Vì vậy, ông Thịnh cho rằng, cần thiết phải sửa đổi Nghị định số 24/2014/NĐ-CP nhằm chuyển chức năng tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh quản lý Nhà nước về CTR thông thường tại đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị và khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao... từ Sở Xây dựng sang Sở TN&MT để bảo đảm tính thống nhất từ T.Ư đến địa phương.
Nan giải vấn đề kinh phí
Theo số liệu của Bộ TN&MT, tính đến tháng 4/2019, số lượng CTR phát sinh nhiều là Hà Nội (6.500 tấn/ngày), Thanh Hóa (2.246 tấn/ngày), Hải Phòng (1.715 tấn/ngày), Nghệ An (1.618 tấn/ngày), Bình Dương (1.557 tấn/ngày), Hải Dương (899 tấn/ngày), Bắc Ninh (870 tấn/ngày… Tỷ lệ thu gom hiện nay tại khu vực nội thành của các đô thị trung bình đạt khoảng 85,5% và tại khu vực ngoại thành của các đô thị trung bình đạt khoảng 60% so với lượng phát sinh. Tỷ lệ thu gom tại khu vực nông thôn còn thấp, trung bình đạt khoảng 40 - 55% so với lượng phát sinh.
Tại hội thảo, các nhà quản lý và chuyên gia đều cho rằng, khó khăn hiện nay là chúng ta chưa đầu tư đồng bộ các trạm trung chuyển CTR tại các đô thị lớn. Bên cạnh đó, kinh phí đầu tư hạn chế, thiếu kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư hạ tầng cho các cơ sở xử lý lớn. Trong khi đó, việc kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa gặp nhiều khó khăn. Một số bãi rác tại khu vực nông thôn phát sinh tự phát không theo quy hoạch phê duyệt, một bộ phận lớn người dân vẫn vứt rác bừa bãi…
Ngoài ra, công nghệ xử lý CTR hiện nay chủ yếu là chôn lấp, hầu hết công nghệ xử lý CTR sinh hoạt nhập khẩu không phù hợp với thực tế, chưa được phân loại tại nguồn, nhiệt trị của CTR sinh hoạt thấp. Thiết bị, công nghệ xử lý chất thải rắn chế tạo trong nước chưa đồng bộ, hiện đại. Kinh phí cho hoạt động thu gom, vận chuyển xử lý CTR chủ yếu dựa vào ngân sách tại các địa phương. Trong khi đó, mức thu phí vệ sinh hiện nay còn rất thấp nên chỉ bù đắp một phần chi phí thu gom, vận chuyển.
“Để công tác quản lý CTR đạt hiệu quả, việc quy hoạch quản lý CTR cần được triển khai đồng bộ, có quy hoạch các điểm tập trung, trạm trung chuyển CTR cho đô thị. UBND các tỉnh, TP trên cả nước cần khuyến khích sử dụng công nghệ xử lý CTR theo xu hướng tái chế nhằm giảm thiểu tối đa lượng đốt, xả thải” - ông Đinh Nam Vinh - Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ KH&CN) nhận định.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trung bình mỗi ngày lượng CTR xây dựng phát sinh trên địa bàn TP ước tính khoảng 2.500 - 3.000 tấn, trong khi đó các bãi tập kết chung của TP đã lấp đầy. Ngoài ra, các chủ nguồn thải chưa tuân thủ các quy định về BVMT; công tác tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, xử lý vi phạm các quy định của pháp luật trong quản lý phá dỡ, thu gom, vận chuyển, xử lý CTR xây dựng trên địa bàn các quận, huyện, thị xã chưa được thực hiện chặt chẽ, thường xuyên... Mặc dù vi phạm diễn ra phổ biến nhưng đa số các cơ quan hữu quan, chính quyền cơ sở đều cho rằng khó xử lý, bởi các đối tượng chủ yếu đổ trộm CTR xây dựng vào ban đêm; vị trí đổ là khu đất trống, xa khu dân cư.